Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Làng mật mía xứ Thanh tất bật vào vụ Tết

Những ngày giáp Tết Nguyên đán là thời điểm người dân làng Xuân Yên, xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) tất bật với nghề truyền thống làm mật mía phục vụ khách hàng dịp năm mới.

Video: Về xứ Thanh xem người dân ép mía nấu mật bán Tết

Mật mía là món ăn truyền thống của người dân nhiều vùng quê trên khắp Việt Nam. Thanh Hóa và Nghệ An là hai tỉnh có nghề truyền thống sản xuất mật mía nổi tiếng nhất nước. Trong những ngày Tết, mật mía được dùng để chấm bánh chưng, nấu chè, nấu bánh trôi, bánh gai…

Chúng tôi có mặt tại nhà anh Lê Văn Nam (ở làng Xuân Yên, xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) vào những ngày cuối tháng Chạp - thời điểm người dân tất bật vào vụ làm mật mía.

Anh Nam cho biết: "Cứ vào đầu tháng 12 âm lịch hàng năm, người dân nơi đây bắt đầu làm mật mía để cung cấp ra thị trường. Từ 100kg mía tươi, sau quá trình ép lấy nước, nấu nước thành mật sẽ cho ra khoảng 10kg mật mía, bán được 150 nghìn đồng".

Thân mía được cho vào máy ép để lấy nước nấu mật. (Ảnh: Hoàng Dũng)

Một vụ mật mía, với 2 lao động chính, gia đình anh Nam có thể sản xuất được 1 tấn mật mía, cho thu nhập 15 triệu đồng. Nghề làm mật mía tạo nguồn thu nhập không nhỏ cho nhà anh Nam nói riêng và người dân làng mật mía Xuân Yên nói chung.

Quá trình làm mật mía của người dân làng Xuân Yên chủ yếu vẫn là làm thủ công, không hề sử dụng hóa chất bảo quản. Mía cây sau khi chặt về được ép để lấy nước mía.

Trước đây quá trình ép nước mía thường được người dân sử dụng sức kéo của trâu, bò. Tuy nhiên, hiện nay do có sự hỗ trợ của máy ép, cũng là để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên người dân sử dụng máy để ép mía lấy nước.

Nước mía sau khi vừa được ép ra được cho ngay vào các chảo cỡ lớn để đun sôi trên các lò đun để nấu mật. Đây cũng là công đoạn khó nhất trong quá trình làm mật mía.

Nấu mật là công đoạn quan trọng nhất trong sản xuất mật mía. (Ảnh: Hoàng Dũng)

Theo người dân làm mật mía, nếu đun to lửa mật dễ bị cháy, đun nhỏ lửa thì quá trình tạo mật mía kéo dài. Việc nấu mật không có công thức chung mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người nấu.

Quá trình nấu mật kéo dài khoảng 6-8 tiếng. Trong khi nấu, người dân dùng dụng cụ vớt đi tạp chất, bọt đen nổi trên chảo mật để mật thành phẩm được đẹp màu. Quá trình nấu mật dừng lại khi nước mía trong chảo đã được cô thành nước mật, có màu đẹp.

Sau khi để nguội, nước mật được lọc lại một lần nữa rồi cho vào dụng cụ chứa đựng. Thương lái sẽ tìm đến những làng mật mía nổi tiếng để thu mua sản phẩm và cung cấp ra thị trường phục vụ khách hàng dịp Tết.

Mật mía được dùng để chấm bánh chưng, nấu chè, nấu bánh trôi, bánh gai…, được bán với giá 15 nghìn đồng/kg. (Ảnh: Hoàng Dũng)

Hoàng Dũng

Tin mới