Theo đề xuất của Chính Phủ, ACV được giao làm chủ đầu tư chính ở dự án sân bay Long Thành. Đây cũng là nội dung được Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu tại Phiên họp thứ 38 và Báo cáo Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV tổ chức sáng 14/10/2019.
Trước đề xuất này, vấn đề về năng lực tài chính của ACV đang được các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt ra. Theo ông Nguyễn Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban, ACV đang là chủ đầu tư của các dự án lớn gồm nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Điện Biên. Ông Thanh bày tỏ băn khoăn, liệu tài chính ACV có đảm bảo để làm sân bay Long Thành trong khi đang rót vốn vào các dự án lớn?
Phối cảnh sân bay Long Thành. (Ảnh minh họa)
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vốn của ACV đã được Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xác định, đồng thời Bộ Giao thông Vận tải cũng đã kiểm tra chặt chẽ. Theo đó tài khoản của ACV đang có khoảng 30.000 tỷ đồng. Trong khi đó, đại diện của ACV cũng rất lạc quan về dòng tiền cho dự án đặc biệt như sân bay Long Thành. Giai đoạn tới mỗi năm sẽ tăng khoảng 10.000 tỷ đồng. Khoản đầu tư cho sân bay Long Thành Chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ.
Cũng theo Bộ trưởng Thể, ACV hiện đang quản lý, khai thác 21/22 sân bay của cả nước nhưng chỉ có 8 sân bay quốc tế có lợi nhuận. Ngoài vấn đề khai thác kinh tế thị trường ở các sân bay lớn, ACV còn có nhiệm vụ bù lỗ ở một số sân bay khác như Điện Biên. Cảng HK Điện Biên dù thua lỗ triền miên nhưng không thể bỏ được vì mục đích phục vụ an ninh quốc phòng.
Việc giao ACV đầu tư sân bay Long Thành - nơi được dự kiến sẽ mang lại nguồn thu lớn, sẽ giúp đơn vị này điều hành các sân bay khác tốt hơn.
ACV sẽ dành nguồn vốn 70.000 tỷ đồng cho dự án sân bay Long Thành, đến 2025 nguồn tích luỹ này có thể được 80.000 đồng. Tính tới thời điểm cuối tháng 8 năm nay, số tiền ACV trích riêng cho hoạt động đầu tư phát triển tiếp theo là 36.000 - 37.000 tỷ đồng.
Với số vốn cần huy động thêm, thời gian qua, ACV đã ký thoả thuận được với gần 20 tổ chức tài chính, trong đó có nhiều ngân hàng quốc tế với nguồn vay hơn 4 tỷ USD. Đại diện ACV cũng khẳng định, đã có những kịch bản đánh giá rủi ro theo tăng trưởng trung bình hay tăng trưởng cao. ACV cũng có nguồn ngoại tệ thu từ các hãng quốc tế, khách bay quốc tế để làm phương án xử lý khi xảy ra rủi ro về tỷ giá.
Cũng tại phiên họp, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV, đã trả lời câu hỏi về việc ACV thu xếp nguồn vốn như thế nào để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành. Theo ông Thanh, trong tổng vốn đầu tư, phần ACV đề nghị đảm nhận là 3,7 tỷ USD, bao gồm toàn bộ khu bay, khu ga, giao thông nội cảng, điện nước… những công trình liên quan tới đảm bảo an ninh an toàn hàng không. Ông Lại Xuân Thanh khẳng định, trong tổng vốn khoảng 3,7 tỷ USD thì ACV đảm bảo được 1,5 tỷ USD. Phần còn lại có thể vay thương mại hoặc huy động nguồn lực từ các định chế tài chính.