"Sức khỏe" của khối DN đang suy giảm
"Sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang ở mức kém lạc quan, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh 10 tháng qua tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, 10 tháng qua, có 85.541 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, có 41.783 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trung bình mỗi tháng có 8.554 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,1% so với trung bình 10 tháng năm 2019.
Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 10 tháng của năm 2020 tăng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019 (Ảnh minh họa: KT)
Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2019 và dự toán ngân sách năm 2020 của 55 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lập và gửi về Bộ Tài chính cũng cho thấy, "sức khoẻ" của khối này đã suy giảm. Trong đó, theo số liệu báo cáo hợp nhất năm 2020, tổng doanh thu năm 2020 dự kiến đạt 1.327.496 tỷ đồng (Công ty mẹ dự kiến đạt 847.537 tỷ đồng). Lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2020 dự kiến đạt 78.086 tỷ đồng (Công ty mẹ dự kiến đạt 74.940 tỷ đồng). Số này đã giảm đến gần một nửa so với năm trước. Các khoản phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 dự kiến đạt 157.273 tỷ đồng (Công ty mẹ dự kiến đạt 95.508 tỷ đồng).
Khó khăn của khối các "ông lớn" nhà nước này được Bộ Tài chính lý giải là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có thể không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đã đề ra và đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt.
Trong khi đó, khảo sát của Trường đại học Kinh tế quốc dân công bố mới đây cho thấy, khoảng 80% số DN được điều tra không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ. Lý do chủ yếu là doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, không có thông tin về chính sách.
“Tỉ lệ DN lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng dễ tổn thương bởi khủng hoảng dịch bệnh. Doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận được với gói gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; các gói hỗ trợ khác, tỉ lệ tiếp cận thấp", PGS. TS. Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết.
Theo PGS.TS Bùi Đức Thọ, gói hỗ trợ lần 1 có nhiều chính sách chưa phù hợp. Đó chính là rào cản cho việc chính sách khó đi vào cuộc sống. Trong đó, lỗ hổng lớn nhất của chính sách hỗ trợ Covid-19 là xác định chưa đúng đối tượng.
“Tính minh bạch của một số gói hỗ trợ rất đáng quan ngại: cải cách thủ tục hành chính, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, vay không cần tài sản thế chấp. Ngoài ra, còn nhiều chính sách được đánh giá là không có tác động tích cực như kỳ vọng: hỗ trợ chi phí logistics, cải cách thủ tục hành chính”, đại diện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nêu ý kiến.
Cần chính sách hỗ trợ hiệu quả để tiếp sức cho DN
TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng, hiệu quả của gói chính sách hỗ trợ đợt 1 chưa được như kỳ vọng. Tuy chính sách kịp thời nhưng việc thực hiện không theo tinh thần thời chiến, có nơi còn quá chậm.
Gói hỗ trợ lần 2 cần được triển khai nhanh và kịp thời hơn nữa để doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất kinh doanh một cách bền vững. (Ảnh minh họa: KT)
TS. Võ Trí Thành, xây dựng được chính sách đã quan trọng, nhưng thực thi tốt còn quan trọng hơn. Ý tưởng của gói hỗ trợ lần 1 mới chỉ dừng lại ở việc Nhà nước giãn, hoãn thuế, chưa thu tiền của DN để họ có thể cầm cự. Nhưng gói hỗ trợ lần 2 phải hướng đến mục tiêu cao hơn là hỗ trợ DN vượt khó, phục hồi và cấu trúc lại. Do đó, gói hỗ trợ này phải đủ lớn, quy mô rộng bao quát được các đối tượng gồm người lao động, DN và an sinh xã hội. Bên cạnh đó, phải tính toán để nguồn lực hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ những lĩnh vực, những doanh nghiệp có quy mô lớn, có tính lan tỏa, những doanh nghiệp còn có thể “cứu” được, có sức “đề kháng” để vực dậy.
“Gói hỗ trợ lần này phải thực hiện nhanh và kéo dài đến hết năm 2021 và gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, vì Việt Nam cần tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chiến lược đầu tư nước ngoài trước làn sóng dịch chuyển của nhiều doanh nghiệp quốc tế”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
PGS.TS. Bùi Đức Thọ cũng kiến nghị Chính phủ cần có các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn. Bên cạnh đó, cần ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém.
"Về gói tiền tệ, cần nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi. Chính phủ cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất - kinh doanh bền vững; các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng", PGS. TS. Bùi Đức Thọ đề xuất và lưu ý cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, gói hỗ trợ lần 2 cần được triển khai nhanh và kịp thời hơn nữa. Đặc biệt, cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh một cách bền vững, nhằm tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế cả vĩ mô và vi mô.