Cuối năm là dịp các sản phẩm bia rượu được tiêu thụ rất mạnh. Thế nhưng, “lịch sử” cho thấy lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bia rượu trong quý I (thời điểm diễn ra Tết Âm lịch) không những không cao nhất mà có thời gian còn thấp nhất năm.
Trong 3 quý đầu năm 2020 của Sabeco, lợi nhuận sau thuế quý I thấp nhất, chỉ đạt 1,29 tỷ đồng. (Ảnh: SAB)
Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là ví dụ điển hình nhất. Năm nay, mồng 1 Tết Nguyên đán đúng vào ngày 25/1/2020. Điều đó có nghĩa thời gian chuẩn bị cho Tết và thời gian Tết nằm hoàn toàn trong quý I/2020. Vì vậy, doanh thu bán hàng dịp Tết sẽ được hạch toán vào quý I/2020. Nhiều năm gần đây, tình trạng tương tự cũng xảy ra.
Thế nhưng, trong năm 2019, tại thời điểm này, Sabeco mới công bố báo cáo tài chính quý III/2019. Trong 3 quý, lợi nhuận sau thuế quý I thấp nhất, chỉ đạt 1,29 tỷ đồng. Trong khi đó, quý II và quý III, doanh nghiệp này lãi 1,53 tỷ đồng và 1,46 tỷ đồng.
Trong năm 2018, Tết mang đến nhiều lợi ích hơn cho Sabeco khi quý I/2018 mang lại cho Sabeco khoản lợi nhuận 1.156 tỷ đồng, chỉ thấp hơn con số 1.291 tỷ đồng của quý II/2018. Còn quý III và quý IV chỉ mang lại cho Sabeco khoản lãi 1.035 tỷ đồng và 919 tỷ đồng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco). Trong năm 2019 (không tính quý IV), quý I ghi nhận lợi nhuận sau thuế thấp nhất, chỉ đạt 63,8 tỷ đồng. Trong khi đó, quý II, quý III mang về cho Habeco những khoản lãi 241 tỷ đồng và 169 tỷ đồng.
Trong năm 2018, Habeco được hưởng lợi từ Tết nhiều hơn quý IV. Lợi nhuận sau thuế quý I đạt 110 tỷ đồng, cao hơn quý IV (9,9 tỷ đồng) nhưng thấp hơn nhiều so với quý II (215 tỷ đồng) và quý III (184 tỷ đồng).
Với các công ty nhỏ, Tết cũng không mang lại nhiều may mắn. Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Hà Nội (BSH) cũng chịu cảnh quý I không tìm kiếm được nhiều lợi nhuận như các quý khác. Trong quý I, BSH chỉ lãi 13 tỷ đồng, thấp hơn 17 tỷ đồng và 22 tỷ đồng của quý II và quý III/2019.
Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam (BSL) cũng không may mắn dịp Tết. Trong khi quý II và quý III năm 2019 đều mang về cho BSL khoản lợi nhuận trên dưới 22 tỷ đồng thì trong quý I/2019, con số này chỉ là 15 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Phú Thọ (BSP), trong thời gian diễn ra Tết Âm lịch, BSP chỉ đạt lợi nhuận 14 tỷ đồng, cao hơn quý II (13 tỷ đồng) nhưng thấp hơn quý III (17 tỷ đồng).
Tuy vậy, vẫn có nhiều doanh nghiệp bia rượu lại được hưởng “lộc” của Tết. Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi (BSQ) là ví dụ điển hình. Trong năm 2019, nhờ Tết, BSD tìm kiếm được 41 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Còn quý II và quý III, chỉ tiêu này chỉ là 39 tỷ đồng và 35 tỷ đồng.
Trong dịp Tết năm nay, ngành bia sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Sau khi Nghị định 100 đi vào cuộc sống một cách quyết liệt, tài xế có nồng độ cồn cao khi lái xe đã bị xử phạt nặng và tước giấy phép lái xe.
Động thái quyết liệt từ cơ quan chức năng khiến các quán nhậu vắng vẻ hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc lượng bia rượu tiêu thụ cũng giảm sâu. Vì vậy, cái Tết năm nay có thể không phải là cái Tết vui vẻ của ngành bia rượu.