Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm. Báo cáo nêu ra nhiều tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế.
Dịch COVID-19 khiến doanh thu của ngành bán lẻ, lữ hành sụt giảm đáng kể trong 4 tháng đầu năm.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 giảm 1,54% so với tháng trước, đây là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, chủ yếu do nhiều nước áp dụng lệnh phong tỏa và giãn cácH xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Điều này khiến giá xăng dầu giảm mạnh, đồng thời giá nhiều mặt hàng phi lương thực giảm cho các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm vẫn tăng 4,9% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Trong tháng 4, diễn biến phức tạp của dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại, dịch vụ, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh. Trong khi đó, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội.
Ước tính, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 26% so với cùng kỳ trong tháng 4 và giảm 4,3% trong 4 tháng đầu năm.
Dịch vụ ăn uống, lưu trú có doanh thu giảm mạnh ở hầu hết địa phương, trong đó Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM giảm lần lượt là 42,9%, 41,4% và 54%.
Ngành du lịch, lữ hành có sự sụt giảm mạnh nhất về doanh thu với 45,2% so với cùng kỳ do Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài và nhiều địa điểm tham quan du lịch ngừng hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tính chung, lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng qua chủ đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 37,8%.
Tuy nhiên, doanh thu ngành bán lẻ vẫn ghi nhận tăng nhẹ 0,4% do mua sắm trực tuyến được ưa chuộng trong thời gian gần đây.
Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng tăng 2,96% so với cùng kỳ.
Giá vàng trong nước cũng ghi nhận tăng theo giá vàng thế giới do giới đầu tư mua vào với lo ngại các nước sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế dưới tác động của dịch COVID-19.
Bình quân giá vàng thế giới tháng 4 (tính đến ngày 24/4) tăng 6,74% so với tháng 3. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 26,81% so với cùng kỳ năm trước.
Do lo ngại việc tạm dừng xuất, nhập khẩu ở các thị trường lớn đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu trong 10 ngày cuối tháng 3, tuy nhiên sang tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước tính giảm mạnh 18,4% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng ước tính xuất siêu 3 tỷ USD.
Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá USD tháng 4 tăng 0,95% so với tháng trước, tăng 1,15% so với cùng kỳ năm trước.
"Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có dấu hiệu suy giảm, các nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ tiền mặt, đồng thời các dự báo tiêu cực về hệ thống ngân hàng của một số quốc gia có thể phải tái cơ cấu vốn hoặc tái cấu trúc do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 kéo dài nên đồng USD trên thị trường thế giới tăng", cơ quan thống kê nhận định.