Sau vụ ám sát hụt cuối tuần trước tại Pennsylvania, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy khả năng cựu Tổng thống Donald Trump chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay tăng lên.
Diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 ngày càng thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới, bởi kết quả cuộc đua này sẽ định hình phần lớn xu hướng quan hệ quốc tế trong 4 năm tiếp theo. Nếu ông Donald Trump đắc cử trong cuộc bầu cử năm nay, thế giới chắc chắn sẽ trải qua nhiều sự thay đổi, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Cơ hội cho nhà đầu tư
Theo dự đoán của Financial Times, nếu tái đắc cử, ông Donald Trump có khả năng gia hạn và thậm chí tăng mức cắt giảm thuế năm 2017, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm 2025.
Căng thẳng thương mại với Trung Quốc sẽ tiếp tục và thậm chí có thể cứng rắn hơn. Trong chiến dịch hiện nay, ông Trump đang đề xuất tăng thuế thêm 60% đối với hàng nhập khẩu từ nước này (và 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu khác của Mỹ).
Nhiều nhà đầu tư từng lo ngại rằng các chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên gây ra những hậu quả bất lợi về kinh tế và tài chính. Nhưng trên thực tế, GDP của Mỹ đã tăng tổng 8,5%, lên mức cao kỷ lục trong khoảng thời gian từ quý 4/2016 đến quý 4/2019, ngay trước đại dịch.
Cùng thời gian, lạm phát giá tiêu dùng vẫn ở mức thấp, khoảng 2%. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm bắt đầu và kết thúc giai đoạn trước đại dịch ở mức khoảng 2%.
Xu hướng tích cực như vậy cũng có thể xuất hiện trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Các chính sách mà Nhà Trắng theo đuổi có thể có tác động quan trọng đến nền kinh tế và thị trường tài chính. Tuy nhiên, những chính sách đó thường được điều chỉnh trong quá trình Quốc hội ban hành thành luật.
Nếu đảng Cộng hòa giành được Nhà Trắng và cả hai viện của Quốc hội, các chính sách của ông Trump sẽ rộng cửa thông qua hơn. Dù vậy, đây vẫn là điều khó nói trước do những bất ổn chính trị tại Mỹ.
Ngoài ra, nhiều khả năng các nhà tài trợ của đảng Dân chủ đang chuyển hướng, chi nhiều tiên hơn cho các cuộc đua vào Quốc hội thay vì cho ứng viên tổng thống sau phần thể hiện thiếu thuyết phục của ông Joe Biden tại phiên tranh luận vừa qua.
Mặt khác, nền kinh tế Mỹ không chỉ được thúc đẩy bởi hoạt động hoạch định chính sách của Washington.
Hiện nay, kinh tế Mỹ đang chịu ảnh hưởng ở khía cạnh công nghệ và đa dạng hóa về mặt công nghiệp. Hơn một nửa nguồn đầu tư vào phát triển công nghệ. Chi tiêu kinh doanh cho phần mềm, nghiên cứu và phát triển đang ở mức cao kỷ lục. Thị trường vốn của Mỹ cung cấp nguồn tài chính dồi dào cho các công ty khởi nghiệp và đổi mới.
Nền kinh tế Mỹ đã trở nên ít nhạy cảm hơn với lãi suất. Năm ngoái, nước này cho thấy những dấu hiệu phục hồi tăng trưởng năng suất và có khả năng tiếp tục kéo dài đến cuối thập kỷ này. Đây đều là những diễn biến tích cực đối với lợi nhuận doanh nghiệp, giúp đưa thị trường chứng khoán lên những đỉnh cao mới trong thời gian còn lại của thập kỷ.
Đặc biệt, nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ tự do hơn khi theo đuổi việc bãi bỏ quy định kinh doanh sau khi Tòa án Tối cao giảm đáng kể quyền lực của các cơ quan quản lý liên bang trong việc giải thích các luật mơ hồ đã được Quốc hội thông qua.
Theo đó, ông Trump có thể sẽ bổ nhiệm các thẩm phán và nhân viên cơ quan cấp cao để thu hẹp hoặc hạn chế “nhà nước hành chính”, tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ sản xuất nhiều dầu và khí đốt hơn, điều này sẽ giúp hạn chế lạm phát.
Ông Trump trong những ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Chính sách kinh tế mạo hiểm
Bên cạnh tín hiệu tích cực, The Guardian cho rằng chiến lược kinh tế của ông Trump mang tính bảo hộ cao, thiếu mạch lạc và có phần mạo hiểm.
Trên thực tế, các chính sách về thuế quan của ông Trump sẽ đẩy mức giá tăng cao hơn đối với người tiêu dùng Mỹ, gây tổn hại nhiều nhất cho những người có thu nhập thấp và trung bình. Việc cắt giảm thuế chủ yếu sẽ mang lại lợi ích cho các tập đoàn và cá nhân khá giả.
Chính sách này cũng mạo hiểm theo một số khía cạnh khác nhau. Đầu tiên, chính sách thuế quan của ông có nguy cơ gây ra một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc.
Thứ hai, chính sách này có nguy cơ làm tăng lạm phát ở Mỹ, dẫn đến lãi suất cao hơn. Những hạn chế cứng rắn về nhập cư đã được hứa hẹn và những điều này sẽ có tác dụng làm giảm nguồn cung lao động và tăng thêm áp lực tăng lương.
Cuối cùng, có thể sẽ có những hậu quả nếu ông Trump tiếp tục chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa biệt lập của mình: hàng hóa đắt đỏ hơn và thị trường tài chính bất ổn hơn.
Những hậu quả có thể xảy ra bao gồm: lạm phát; nỗ lực thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất; một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn đối với các nước nghèo mắc nợ nặng nề và phải vay mượn bằng đô la; sự thoái trào hơn nữa của toàn cầu hóa.