Hoa hồng là loài hoa chiếm giữ trái tim của không biết bao nhiêu người. Hoa càng đẹp việc việc trồng chăm sóc càng khó và kỳ công hơn. Không phải bất cứ người yêu hoa nào cũng biết những bí quyết trồng hoa hồng sao cho hoa nở nhiều và đẹp.
Hầu hết mọi người phải trải qua một thời gian khá dài trồng hoa với cả thành công và thất bài để dần đúc rút ra những kinh nghiệm quý báu cho bản thân mình. Là một người trồng hoa hồng đã khá lâu, chị Dương Hương (Biên Hòa, Đồng Nai) đã học hỏi và tự rút ra được nhiều bí quyết để có được vườn hoa hồng đẹp nhất.
1. Chọn cây
Theo chị Hương, khi chọn cây để trồng không nên ham chọn cây lá bóng, mỡ màng, dày đặc nụ nhưng lại không có chồi non. Những cây như thế này thường là nhà vườn đã dùng thuốc kích hoa nên mua về chăm sóc sẽ rất khó.
Nên chọn những cây có hoa để mình biết chính xác cây đó tên gì, màu gì, cây càng nhiều chồi càng tốt, cành bánh tẻ nhiều, lá khỏe mạnh, không chọn cây lá bị đốm đen là cây đang bị bệnh. Quan sát thật kỹ gốc cây coi có bị sùi lên ko, cành cây có bị ghẻ lở không. Nếu cây có các dấu hiệu này thì tuyệt đối không được mua vì mua về chăm cực khó và tỉ lệ sống thấp.
2. Thay chậu
Khi mua cây mua về cần tiến hành thay chậu, thay đất vì đất của của nhà vườn toàn trấu và tro để vận chuyển cho nhẹ. Chị Hương thường trộn xơ dừa, phân bò và đất với nhau. Tùy theo chất đất mà chia tỷ lệ cho phù hợp. Nếu chất đất xấu, khô và cứng thì nên trộn nhiều mùn dừa. Sau khi thay chậu thì cứ 3 - 4 ngày sẽ hòa thuốc ra rễ N3m với nước (theo tỷ lệ hướng dẫn trên vỏ lọ) tưới cho cây, tưới tầm 1 tháng để cây ra rễ, phát triển tốt.
3. Bón cây
Quan điểm của chị Hương là nói không với phân bón hóa học. Sau khi thay chậu được 1 tháng chị sẽ mua trứng ung về tưới đẫm gốc cây và lấy xẻng khoét 1 lỗ hơi sâu bên thành chậu và thả cả quả trứng gà xuống. Hôm nào đi chợ có chuối, trái cây chín nẫu người ta bán rẻ thì chị cũng mua về và chôn gốc cây như chôn trứng. Ngoài ra khi nấu ăn chị cũng gom lá rau, vỏ trái cây, nước rửa rau, rửa cá đổ quanh gốc cây.
4. Trị bệnh
Để trị bệnh cho hoa hồng, chị Hương cũng nói không với thuốc hóa học. Cứ cách 2 – 3 ngày chị sẽ tưới cây bằng cách mở máy bơm nước lên và xịt thẳng vào cây theo hướng từ gốc lên ngọn. Chị mua đầu vòi ở tiệm điện nước loại khi vặn nước bắn thành nhiều tia nhỏ nhất.
Lá nào có biểu hiện của rệp, phấn trắng, nhện chị sẽ cầm lá và xịt thẳng, gần sát vô lá cho bay sạch đi. Chị Hương cho biết với cách này lá không bị rách hay dập. Nụ hồng bị trĩ chị cũng dùng 1 tay giữ nụ 1 tay cầm vòi xịt thẳng vào nụ. Với những cây thân bị lở loét chị sẽ lấy vôi hòa với nước thật đặc và lấy chổi nhỏ quét trắng chỗ bị bệnh.
Trường hợp những cây bị sùi u, chị lấy dao rọc giấy cắt và cạo sao cho hết phần u rồi trét vôi vào là hết bị lại. Với những lá nào bị đốm đen chị sẽ cắt trụi, gom lá lại 1 góc rồi chôn xuống đất không để gần cây để tránh lây bệnh.
5. Tỉa cành
Việc tỉa cành là rất quan trọng để giúp cây có thể phát triển tốt. Các canh xấu, cành tăm, không phát triển được chị đều cắt tỉa hết. Chị Hương cũng cho biết, gần dây rộ lên phong trào cắt cây để tết ra hoa cho đẹp. Tuy nhiên, theo chị Hương cây của những người trồng hồng lâu năm đều là cây to và rất khỏe, cứng cáp nên mới có thể cắt như vậy. Còn với những cây mới trồng dưới 2 năm thì không nên bắt chước làm theo mà chỉ nên cắt tỉa những cành xấu, thay đất và bón phân để dưỡng cây mà thôi.