Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kịch bản tuyển sinh nào cho thí sinh Đà Nẵng, Quảng Nam?

(VTC News) -

Số lượng thí sinh ở Đà Nẵng, Quảng Nam có nguyện vọng xét tuyển vào đại học phía Bắc không nhiều, nhưng các trường sẵn sàng dự phòng chỉ tiêu cho đợt thi THPT sau.

Bộ GD&ĐT đưa phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo 2 đợt trong tình huống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đà Nẵng và Quảng Nam đang thực hiện cách ly xã hội sẽ lùi kỳ thi vào thời điểm thích hợp nhằm đảm bảo an toàn cho công tác tổ chức thi.

Các thí sinh thuộc diện F1, F2 trong cả nước sẽ dự thi cùng thời gian với các thí sinh của địa phương trên. Điều này đồng nghĩa công tác tuyển sinh đại học sẽ chia làm 2 đợt để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh ở đợt thi sau.

Theo PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 ổn định giúp công tác xét tuyển của các trường dễ dàng hơn và thuận lợi cho thí sinh. Khi Bộ GD&ĐT tổ chức thi thành 2 đợt, trường đã có phương án điều chỉnh thích ứng.

Tuy nhiên, theo PGS Kiên, trường sẽ không thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh. Thay vào đó trường sẽ căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển từng địa phương hằng năm, số liệu đăng ký dự thi năm nay của thí sinh để tính toán dự phòng chỉ tiêu cho những thí sinh vùng dịch thi đợt sau.

Qua dữ liệu tuyển sinh các năm cho thấy số lượng thí sinh ở thành phố này trúng tuyển vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội rất ít nên không ảnh hưởng nhiều.

Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến có đợt kiểm tra tư duy sau khi thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Trường hợp có nhiều biến động do dịch, trường có thể dừng kỳ kiểm tra tư duy.

Học sinh Hà Nội trở lại trường sau dịch COVID-19. (Ảnh minh hoạ: Hà Cường)

Tương tự, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT cho biết, Hội đồng tuyển sinh nhà trường họp và đi tới thống nhất dành chỉ tiêu cho các thí sinh thi THPT đợt sau. Số lượng chỉ tiêu cụ thể sẽ được tính theo chỉ tiêu 2020 của trường và dựa trên phân bố thí sinh nhập học các năm trước từ các khu vực chưa thi đợt 1.

Đại học Ngoại thương Hà Nội đang xây dựng một số kịch bản cho mùa tuyển sinh năm nay, trên tinh thần vẫn bám sát theo kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT của Bộ GD&ĐT.

Trường đang thống kê số lượng sinh viên có hộ khẩu Đà Nẵng, Quảng Nam đang học tập tại trường và các thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển để dự đoán tỷ lệ dự phòng cho đợt tuyển sau. Tỷ lệ học sinh từ những tỉnh thành này đăng ký dự thi vào trường ít nên tuyển sinh không quá phức tạp.

Đại diện Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, theo số liệu thống kê nhanh, tỷ lệ thí sinh ở vùng Đà Nẵng, Quảng Nam đăng ký xét tuyển vào trường rất ít, vì vậy về cơ bản phương án tuyển sinh, chỉ tiêu sẽ không có nhiều biến động.

Nhà trường sẽ tính toán kỹ lưỡng để đưa ra phương án nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển. Trường sẵn sàng dự phòng chỉ tiêu cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phải thi đợt sau.

Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, trường sẽ căn cứ vào phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT để điều chỉnh công tác tuyển sinh đầu vào năm nay. Tuy nhiên dù có phải thi 2 đợt hay thậm chí 3 đợt, thì trường sẽ phân chia chỉ tiêu rõ ràng, dựa trên số lượng thí sinh dự thi của từng đợt.

Ví như đợt 1 có 70% thí sinh cả nước tham dự thi tốt nghiệp THPT thì các trường căn cứ vào số liệu đó để tuyển sinh 70-80% chỉ tiêu, số còn lại để dự phòng cho đợt thi sau. Ngoài ra, tỷ lệ này cũng phụ thuộc vào số lượng hồ sơ thí sinh đợt sau có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường. Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền khẳng định các sẽ trường không gặp nhiều khó khăn, xáo trộn.

Trong khi đó, một số trường đại học khu vực phía Nam như Đại học Cần Thơ, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thẳng thắn đưa ra quan điểm, không điều chỉnh chỉ tiêu và phương án tuyển sinh. Các trường cho biết, công tác xét tuyển vẫn diễn ra bình thường. Nếu trong đợt 1 trường tuyển hết chỉ tiêu thì sẽ dừng tuyển sinh.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ủng hộ phương án Bộ GD&ĐT chia kỳ thi THPT năm nay làm 2 đợt, để những thí sinh thuộc vùng đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng không thi trong đợt này, Bộ GD&ĐT có thể tổ chức cho thí sinh thi trong thời gian thích hợp nếu dịch bệnh qua nhanh.

Tuy nhiên, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đưa ra phương án trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, Bộ GD&ĐT có thể xem xét áp dụng xét tốt nghiệp đặc cách cho những thí sinh này như là thí sinh gặp sự cố bất khả kháng đã qui định trong qui chế để thí sinh có đủ điều kiện tham gia xét tuyển vào đại học.

“Đối với các trường đại học, theo tôi, Bộ GD&ĐT nên có chỉ đạo về việc xét tuyển những thí sinh ở các địa phương không may rơi vào vùng dịch đợt này để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, đặc biệt đối với những ngành mà trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT”, GS Bùi Văn Ga nêu quan điểm.

Hà Cường

Tin mới