Theo khảo sát của VTC News, từ chiều 15/11 đến nay, hàng loạt cây xăng trên địa bàn quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Tây Hồ...đều đã trở lại trạng thái hoạt động bình thường. Lượng xe đổ về không quá đông như những ngày trước đó do việc mua xăng của người dân diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Những địa điểm này trước đó luôn trong tình trạng bị dồn ứ người chờ đổ xăng, thậm chí nhiều cây xăng không còn hàng để bán.
Cây xăng Thái Thịnh sáng 16/11 vắng khách.
Cụ thể, tại 3 cửa hàng xăng dầu trên đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) từng thường xuyên treo biển “hết xăng” thì đến nay cả 3 đều đã hoạt động bình thường trở lại.
Tương tự, cây xăng trên đường Xuân Thủy, Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy), đường Láng (quận Đống Đa)...không còn cảnh người dân chen kín chờ đợi mà thay vào đó chỉ từ 3 - 5 phút là đã mua được xăng.
Một số cây xăng trước đây tạm ngưng phục vụ trong nhiều ngày như cửa hàng xăng dầu Cầu Giấy, 682 Tố Hữu, cây xăng Lương Thế Vinh…nay đã mở bán đều đặn.
Ngay cả các cây xăng trước đó bán theo định mức 50.000 đồng/lần với xe máy, 300.000 – 500.000 đồng đối với ôtô thì nay cũng đã bán theo nhu cầu của khách.
Anh Hoàng Lực (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Buổi sáng cách đây hai hôm, tôi phải xếp hàng gần 20 phút mới tới lượt mua xăng. Nhà có 3 chiếc xe máy, tính mang can ra tiện một lần mua luôn nhưng họ nhất quyết không bán. Nói rằng chỉ bán trực tiếp cho phương tiện. Còn đến hôm nay thì tốt rồi, thậm chí lúc khoảng 10h, ra cây xăng gần nhà ở Thái Thịnh (quận Đống Đa) thì có mà một vài người mua".
Chị Lan Anh (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi vừa đi mua xăng sáng nay, không phải xếp hàng chờ đợi một phút nào hết. Tôi cũng không thấy ai phải xếp hàng mua xăng. Cây xăng trên đường Dương Đình Nghệ, gần cơ quan tôi cũng thế, nhân viên có lúc đứng chơi không, không phải căng thẳng như nhiều ngày trước đó".
Người dân không còn phải xếp hàng dài để chờ mua xăng ở các cây xăng.
Liên quan đến những bất ổn trên thị trường xăng dầu thời gian qua, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội, tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.
Đồng thời rà soát sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Định kỳ trước ngày 20 hằng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí, xem xét điều chỉnh, bảo đảm sát với thực tiễn và thực hiện ngay để phục vụ kỳ điều hành giá 21/11.
Nói về nguyên nhân gây nên những căng thẳng trên thị trường xăng dầu thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cho hay, có nhiều nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, trong đó những biến động bất thường của thị trường thế giới, gây khủng hoảng về nguồn cung xăng dầu trên toàn thế giới. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20-30% lượng xăng dầu thành phẩm và nhập nguyên liệu dầu thô phục vụ hoạt động sản xuất tại các nhà máy lọc dầu, nên các vấn đề của thị trường thế giới đã ảnh hưởng tới biến động của thị trường xăng dầu trong nước.
Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu trong nước tăng khá cao so với dự kiến do sự phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, cao hơn dự báo khiến nhu cầu tiêu dùng mặt hàng xăng, dầu tăng cao, trong bối cảnh nguồn cung chưa tăng tương ứng.
Thêm nữa, nguồn sản xuất từ hai nhà máy lọc dầu trong nước 10 tháng đầu năm 2022 chưa đảm bảo theo kế hoạch năm đặt ra. Dẫn tới còn thiếu 170.000 m3/tấn xăng, dầu các loại (nguồn trong nước sản xuất là 9,7 triệu m3/tấn, trong khi kế hoạch đăng ký 10 tháng đầu năm là 9,87 triệu m3/tấn).
Ngoài ra là các lý do khác như tỷ giá USD/VND tăng cao dẫn đến chi phi kinh doanh xăng dầu tăng theo làm cho hoạt động kinh doanh xăng dầu càng thêm thua lỗ. Tình hình mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển xăng dầu từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài về kho của doanh nghiệp, làm chậm nguồn cung.
Bên cạnh đó, nhiều chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế tăng liên quan, nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh tăng và tính đúng, tính đủ. Giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND tăng nên nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ, nguồn tín dụng, nên chỉ duy trì nhập hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc doanh nghiệp và duy trì lượng hàng dự trữ tồn kho theo quy định.
Một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước giấy phép do vi phạm hành chính nên ảnh hưởng tới nguồn cung, một số doanh nghiệp đầu mối bị Tổng cục Hải quan ngừng thông quan mặt hàng xăng dầu do không đáp ứng điều kiện về việc kết nối dữ liệu điện tử.