Trong vài tháng tới, nhà máy sản xuất thuốc ở Nam Phi dự kiến sẽ xuất xưởng một triệu liều vaccine COVID-19 mỗi ngày. Nhưng những liều thuốc đó lại không dành cho người dân Nam Phi, dù đây là quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Thuốc sẽ được đưa tới nhà phân phối ở châu Âu, từ đó chuyển tới các nước phương Tây đã đặt trước hàng trăm triệu liều.
Những quốc gia giàu có như Mỹ, Anh và Canada, có đủ nguồn vốn để tiêm chủng cho công dân của họ nhiều lần, trong khi Trung Quốc và Nga tiến hành các thử nghiệm vaccine riêng. Tuy nhiên, các nước như Nam Phi lại ở trong tình cảnh khó xử vì họ không đủ giàu có để mua vaccine số lượng lớn, nhưng lại không đủ nghèo để đạt tiêu chuẩn nhận hỗ trợ.
Mặc dù chính phủ Nam Phi gần như vỡ nợ và một nửa số công dân của họ sống trong cảnh nghèo đói, nước này vẫn “bị” coi là quá giàu để đủ điều kiện nhận vaccine giảm giá từ các tổ chức viện trợ quốc tế.
“Nếu bạn không đủ giàu nhưng lại không đủ nghèo, bạn sẽ mắc kẹt”, ông Salim Abdool Karim, nhà dịch tễ học đứng đầu hội đồng tư vấn về COVID-19 ở Nam Phi, nói.
Nam Phi “bị” coi là quá giàu để đủ điều kiện nhận vaccine giảm giá từ các tổ chức viện trợ quốc tế. (Ảnh: The New York Times)
Cơ hội tiêm chủng xa vời
Cơ hội tốt nhất để người dân Nam Phi được tiêm phòng COVID-19 sớm là tình nguyện tham gia thử nghiệm các loại vaccine đang phát triển, nhưng chuyện này lại đặt ra nhiều lo ngại về mặt đạo đức. Trước hết là liệu các quốc gia tham gia thử nghiệm vaccine COVID-19 như Nam Phi có được đảm bảo cung cấp đủ số thuốc cần thiết nếu thử nghiệm thành công hay không?
Chính phủ Nam Phi không hề nhận được lời hứa hẹn tương tự nào. Cho dù có, đây vẫn bị coi là một thỏa thuận vi phạm đạo đức, bởi bất kỳ quốc gia nào tham gia vào những cuộc thử nghiệm thất bại cũng sẽ phải trả giá.
Vào tháng 12/2020, trong khi Anh chuẩn bị thực hiện việc tiêm chủng thì hàng chục người Nam Phi ở thị trấn Masiphumelele, Cape Town, phải đi bộ đến quỹ Y tế Desmond Tutu để xếp hàng đăng ký tham gia thử nghiệm vaccine của công ty Johnson & Johnson.
“Những người có địa vị cao sẽ được tiêm vaccine”, ông Mtshaba Mzwamadoda, sống cùng gia đình trong một căn lều ở thị trấn Masiphumelele, nói: “Còn chúng tôi có thể sẽ được tiêm chủng vào năm 2025”.
"Đây là cơ hội duy nhất mà tôi có”, bà Prudence Nonzamedyantyi, người dân Masiphumelele, nói rằng bà đăng ký tham gia thử nghiệm do không muốn mất mạng vì dịch bệnh trong lúc chờ được tiêm chủng.
Tiến sĩ Katherine Gill, một nhà nghiên cứu về bệnh AIDS tham gia nghiên cứu vaccine COVID-19, cũng cho biết khả năng cao là người dân Nam Phi sẽ không có cơ hội tiêm chủng sớm trừ khi tham gia thử nghiệm.
Vào những năm 1990, rất đông người dân Nam Phi cũng tình nguyện tham gia thử nghiệm thuốc điều trị HIV vì họ không có khả năng mua thuốc thành phẩm.
“Nếu bạn có tiền, bạn có thể mua thuốc. Nếu không, bạn phải chết”, tiến sĩ Francois Venter, một nhà nghiên cứu tại đại học Witwatersrand ở Johannesburg, nói. "Lần này sẽ lại giống như vậy".
Cơ hội tốt nhất để người dân Nam Phi được tiêm phòng COVID-19 sớm là tình nguyện tham gia thử nghiệm vaccine. (Ảnh: The New York Times)
Những giao dịch bí mật
Chương trình Covax được lập nên để ngăn tình trạng những năm 1990 lặp lại. Đây là một cơ chế tập hợp quỹ từ các nước giàu hơn và các tổ chức phi lợi nhuận để phát triển vaccine ngừa COVID-19 và chia sẻ công bằng tới các quốc gia trên thế giới. Nhờ có Covax cùng sự hỗ trợ từ tổ chức Y tế Thế giới, liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh cùng liên minh toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), nhiều quốc gia có điều kiện kinh tế khó khăn vẫn có cơ hội mua thuốc. Đặc biệt, các nước nghèo sẽ không phải trả tiền.
Các cố vấn y tế Nam Phi cho biết chương trình Covax là vô cùng thiết yếu, nhưng cũng gây thất vọng sâu sắc. Các chính phủ tham gia chương trình này phải thanh toán trước mà không biết họ sẽ nhận được loại vaccine nào, hay khi nào vaccine được phân phối tới nước họ. Covax trợ giá vaccine theo liều, nhưng lại cung cấp rất ít sự hỗ trợ trong trường hợp mức giá cuối cùng quá cao. Những quốc gia đăng ký tham gia phải chịu mọi rủi ro nếu việc phát triển vaccine thẩt bại hoặc có bất kỳ sự cố nào xảy ra.
Chương trình Covax là vô cùng thiết yếu, nhưng cũng gây thất vọng sâu sắc. (Ảnh: The New York Times)
Dù vậy, các quan chức của Covax vẫn gọi chương trình chia sẻ vaccine của họ là “giải pháp toàn cầu duy nhất cho đại dịch này”.
“Tuy vẫn cần lượng thuốc lớn hơn và nhiều kinh phí hơn, nhưng chúng tôi có lộ trình rõ ràng để đảm bảo số lượng hai tỷ liều cam kết ban đầu và nhiều hơn nữa”, Seth Berkley, giám đốc điều hành tại GAVI, cho biết.
Tuy nhiên, ông Berkley cùng các quan chức Covax khác từ chối tiết lộ thỏa thuận của họ với các công ty dược phẩm vì lý do bảo mật thông tin. Các giao dịch mà họ đã đạt được với từng quốc gia cũng được giữ bí mật.
“Họ đồng ý mua thứ gì đó bằng tiền công và chúng tôi sẽ không được có bất kỳ tác động nào đến việc định giá”, Fatima Hassan, một luật sư nhân quyền, nói về thỏa thuận của các nước với Covax. “Covax nói rằng mức giá là công bằng, nhưng chúng tôi lại không được biết. Sự minh bạch ở đâu”?
Những rủi ro trên vẫn đáng giá để đánh đổi với những nước đủ điều kiện nhận vaccine gần như miễn phí. Nhưng với Nam Phi, đất nước phải trả khoảng 140 triệu USD cho Covax chỉ để tiêm chủng cho khoảng 10% dân số, vẫn còn nhiều vấn đề cần cân nhắc. Chính phủ nước này hy vọng có thể giúp 50 triệu dân còn lại được tiêm chủng thông qua giao dịch riêng với các công ty thuốc.
Hiện quá trình mua bán vaccine COVID-19 trên toàn cầu vẫn còn là một bí mật, các chính phủ không tiết lộ mức giá mà họ phải trả. Gần đây, một Bộ trưởng Bỉ công bố bảng giá thuốc của liên minh châu Âu, nhưng bà cũng cho biết thêm rằng giá cả có sự khác biệt tùy vào bên mua.
Tại Nam Phi, nhiều người không chỉ nghi ngờ các công ty dược phẩm mà còn e ngại nạn tham nhũng tràn lan. (Ảnh: The New York Times)
Tại Nam Phi, nhiều người không chỉ nghi ngờ các công ty dược phẩm mà còn e ngại nạn tham nhũng tràn lan. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize nói rằng điều kiện để tất cả người dân được chủng ngừa COVID-19 là các nước giàu không tích trữ vaccine, nhưng chính phủ nước này cũng không công bố gì thêm về kế hoạch tiêm chủng.
Cuối cùng, tiền vẫn là yếu tố quyết định. Ngay từ đầu, chính phủ Nam Phi đã hiểu rằng họ không đủ khả năng để đặt hàng vaccine COVID-19 trước khi thuốc được thử nghiệm và phê duyệt.
“Trong khi nhiều quốc gia phóng tay mua sắm, chúng tôi thậm chí còn chưa được xem qua (vaccine)”, giáo sư Ames Dhai, thành viên ban cố vấn vaccine của chính phủ Nam Phi, nói.