Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khốn khổ vì giá xăng dầu leo thang, nhiều ngư dân cho tàu cá nằm bờ

(VTC News) -

Giữa "cơn bão" giá dầu leo thang đến chóng mặt, ngư dân miền Trung than ngắn thở dài khi nguồn thu từ các chuyến vươn khơi cứ sụt giảm.

Video: Ngư dân Quảng Nam buồn bã vì giá dầu leo thang

Rạng sáng 5/6, hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ nối đuôi nhau cập bến Duy Hải (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) với ăm ắp tôm cá chất đầy khoang.  

Neo con tàu 734 mã lực mang số hiệu QNa 95474 vào sát khu vực cầu cảng, chủ phương tiện kiêm thuyền trưởng Nguyễn Thành Thái (trú xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cùng 9 thuyền viên mất cả tiếng đồng hồ để bốc dỡ hơn 2 tấn cá lên bờ và chốt việc mua bán với các thương lái ngay tại bến. 

Tàu QNa 95474 của ngư dân Thái cập bờ hôm 5/6. (Ảnh: Thanh Ba)

Kết thúc chuyến biển kéo dài ngót 20 ngày lênh đênh ở Hoàng Sa, nỗi thất vọng lộ rõ trên gương mặt dạn dày gió sương của vị thuyền trưởng có thâm niên trên 20 năm đạp sóng vươn khơi. Ông Thái khẳng định, nếu nhìn vào sản lượng hơn 2 tấn gồm cá bò da, ngừ và thu thì tàu của ông đánh đạt năng suất tương đối cao. Thế nhưng sau khi trừ đi các khoản chi phí, đặc biệt là nhiên liệu, ông và các bạn thuyền "bỏ túi" khoản thù lao chẳng bõ bèn gì so với mồ hôi công sức mà mình đã bỏ ra. 

"Cũng may là giá hải sản tăng nhẹ, đặc biệt là cá bò (155 nghìn/kg), nên chuyến biển này không bị thua lỗ. Sau khi trừ chi phí nhiên liệu lên đến hơn 100 triệu đồng cùng 30 triệu đồng các khoản khác như ăn uống, đá ướp lạnh..., mỗi thuyền viên nhận được 8 triệu đồng" - ông Thái nói và chia sẻ thêm, nếu giá dầu không vượt ngưỡng 26.000 đồng/lít như hiện nay mà ở mức 15.000 đồng như những năm trước thì chi phí nhiên liệu cho cả chuyến vươn khơi chỉ tốn tầm 60 triệu đồng (khoảng 4.000 lít dầu). Khi đó, mỗi thuyền viên sẽ được chia thêm chừng 3-4 triệu đồng.

Ngoài con tàu 734 mã lực vừa quay về bờ, ông Thái còn sở hữu một tàu cá khác mang số hiệu QNa 94363 (420 CV). Theo ông Thái, phương tiện này đang được anh Phạm Bá Tâm (em rể ông Thái) đảm trách việc cầm lái. "Tàu xuất bến hôm 25/5 và hiện đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Nghe anh em gọi bộ đàm báo về là 10 ngày rồi mà đánh chỉ được vài tạ cá. Rõ ràng, chuyến biển này nhiều khả năng sẽ lỗ nặng, nhất là khi giá dầu cao chót vót" - ông Thái ngậm ngùi.

 

Hải sản bán không được giá, thu nhập không cao mà giá xăng dầu lại tăng ảnh hưởng đến những ngư dân tham gia bám biển như chúng tôi. Nếu chuyến nào ra khơi cũng thua lỗ thì chúng tôi cũng không biết làm cách gì để trụ vững.

Thuyền trưởng Nguyễn Thành Thái

Không có điều kiện sắm tàu công suất lớn để vươn khơi đánh bắt ở các ngư trường cách đất liền hàng trăm hải lý, 10 năm qua, vợ chồng anh Nguyễn Lắm (trú xã Duy Hải) hành nghề trên con tàu 20 mã lực ở khu vực gần bờ biển của địa phương hay TP Đà Nẵng. 

Anh Lắm tâm sự, không chỉ ngư dân hành nghề trên phương tiện công suất lớn mới than ngắn thở dài mà những người bươn chải kiếm cơm nhờ những con tàu nhỏ như anh cũng phát rầu vì giá dầu leo thang.

Đề cập đến thu nhập của nghề biển giữa thời điểm giá dầu cao chót vót, anh Lắm bộc bạch: "Vì tàu nhỏ nên tôi chỉ giong thuyền ra khơi đánh bắt chừng 2 ngày rồi quay về bờ. Ngày trước, giá dầu thấp thì chi phí nhiên liệu cho một chuyến biển chỉ tốn 2 triệu đồng, nay đội lên gần 5 triệu đồng. Bây giờ, trung bình một ngày chỉ kiếm được 300-350 nghìn đồng, còn hồi trước dao động từ 700-800 nghìn đồng".

Ngư dân Nguyễn Lắm than ngắn thở dài vì giá dầu tăng. (Ảnh: Thanh Ba)

Tại Hà Tĩnh, hàng ngàn ngư dân cũng đang đau đầu trước "bài toán" giá dầu. Vừa cập bến sau chuyến đi biển dài 1 ngày 1 đêm, anh Nguyễn Văn Hùng (trú huyện Lộc Hà) thở dài vì chuyến vươn khơi thua lỗ.

“Trước đây con tàu 425 CV của chúng tôi ra khơi chỉ tốn 4-5 triệu tiền dầu nhưng hiện nay thì phải hơn 7 triệu. Thêm một số chi phí khác nữa thì hầu như chỉ đủ ăn, có khi còn lỗ. Hành nghề đánh bắt hải sản đã gần 25 năm nhưng đây là lần đầu tiên anh em chúng tôi gặp phải hoàn cảnh này, để ra khơi đánh bắt, chúng tôi phải chắt chiu từng đồng”, anh Hùng tâm sự.

Tại Hà Tĩnh, hàng ngàn ngư dân cũng đang đau đầu trước "bài toán" giá dầu. (Ảnh: Trọng Tùng)

Nhiều tàu cá "chôn chân" nằm bờ

Cũng trong những ngày đầu tháng 6, tại cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, hàng loạt tàu thuyền công suất lớn, chuyên đánh bắt ngoài khơi xa của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… xếp hàng nằm bờ.

Đang cho thuyền viên sắp xếp lại ngư lưới cụ sau chuyến vươn khơi kéo dài 15 ngày, ngư dân Trương Hồng (chủ tàu cá ở Quảng Ngãi) cho biết ông sẽ tạm nghỉ một thời gian rồi mới tính chuyện vươn khơi trở lại.

“Chuyến vươn khơi vừa rồi tàu của tôi may mắn có chút ít lãi nhưng bây giờ giá dầu cao quá, nếu tiếp tục đi biển thì sợ lỗ. Chuyến đi 15 ngày, chi phí hết gần 100 triệu đồng, thu về khoảng 180 triệu, tính ra chỉ còn lãi 80 triệu đồng. Số này chia cho 10 thuyền viên theo tỷ lệ đã thống nhất với nhau từ trước thì tính ra số tiền thu về không đáng là bao”, ông Hồng nhẩm tính.

Cũng theo ông Hồng, đó là thời điểm ông xuất bến với giá dầu dưới 20 nghìn đồng/lít, còn hiện tại ở ngưỡng hơn 26 nghìn đồng/lít thì không có lời.

“Mùa này đánh cá không được nhiều, giá nhập cho các đầu nậu cũng không cao nên dầu tăng thì ngư dân chúng tôi không có lãi. Phải vào mùa biển dịp tháng 10, 11 thì lượng hải sản đánh bắt mới được nhiều. Vậy nên, tôi cũng như nhiều chủ tàu đành tạm dừng vươn khơi trong cơn "bão giá" xăng dầu" - ông Hồng nói.

Không ít thuyền phải nằm bờ vì chi phí vươn khơi quá lớn. (Ảnh: Xuân Tiến)

Cũng tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, theo anh T. (chủ tàu cá QNg 988XX), sau chuyến biển cách đây gần 2 tháng, anh quyết định không ra khơi vì tốn chi phí quá lớn, đối diện nguy cơ thua lỗ.

“Mỗi chuyến ra khơi, tàu tôi phải đổ khoảng 4.000 lít dầu. Trước đây dầu ở mức khoảng 20 nghìn đồng/lít thì mỗi chuyến biển hết 80 triệu đồng tiền dầu, bây giờ lên 26 nghìn đồng/lít thì chi phí tăng lên rất nhiều. Không đi thì nóng ruột, còn đi thì nắm chắc phần lỗ", anh T. chia sẻ.

Tương tự, ông Bảy, chủ tàu chuyên đánh bắt cá ngừ, cũng đang rất nóng ruột vì không thể ra biển dù thời tiết bây giờ đang khá thuận lợi.

Ông Bảy than thở: “Khó khăn đủ đường. Đầu năm thì tìm đỏ mắt mới ra bạn thuyền để vươn khơi. Giờ giá dầu cao chót vót, đi không có lãi nên bạn thuyền cũng không mặn mà, họ tạm nghỉ để tìm công việc thời vụ”.

Theo anh Hùng (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng), khi xăng dầu chưa tăng giá, mỗi chuyến biển, theo tỷ lệ ăn chia giữa nhóm thuyền viên với chủ tàu thì mỗi người cũng có khoản thu từ 10-12 triệu đồng, nhưng bây giờ chỉ còn một nửa nên rất khó để bám biển.

“Tỷ lệ ăn chia giữa chủ tàu và những người đi bạn như chúng tôi là 55/45. Như chuyến vừa rồi, sau khi trừ các khoản chi phí, tiền lãi là 100 triệu đồng, chủ tàu nhận 55%, 10 người chúng tôi nhận 45%. Như vậy, tổng cộng 45 triệu đồng chia cho 10 người thì mỗi người chỉ được 4,5 triệu đồng. Thu nhập thấp, đánh bắt xa bờ đối diện nhiều nguy hiểm nên hầu như các ngư dân không mặn mà đi biển”, anh Hùng cho biết.

Nhiều tàu thuyền nằm bờ tại cảng cá và âu thuyền Thọ Quang. (Ảnh: Xuân Tiến)

Cũng là bạn thuyền với nhóm anh Hùng, ông Vinh tỏ ra lo lắng khi chủ tàu cho thuyền nằm bờ. Điều này đồng nghĩa với khó khăn mà gia đình ông phải đối diện trong những ngày tới vì không có thu nhập. Theo ông Vinh, gia đình 5 người chỉ trông chờ vào nghề đi biển của ông, bây giờ xăng dầu tăng cao, tàu nằm bờ thì gia đình không có nguồn thu nào.

“Tôi lớn tuổi rồi, bây giờ không đi biển thì cũng chẳng biết làm nghề gì khác. Chuyển đổi nghề là với thanh niên chứ như tôi thì học hành chi nữa. Chỉ mong nhà nước có chính sách hỗ trợ để ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển”, ông Vinh bày tỏ.

Theo Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, hiện có hơn 1.200 tàu thuyền thường xuyên hoạt động khai thác hải sản trên biển, trong đó có 600 tàu đánh bắt xa bờ.

Giá xăng dầu tăng cao thời gian gần đây đã đẩy các chủ thuyền vào thế khó. Hiện nhiều tàu thuyền nằm bờ và ngư dân cũng đang tính toán xem làm sao để đảm bảo những chuyến biển mang lại hiệu quả.

Giá xăng dầu tăng cao thời gian gần đây đã đẩy các chủ thuyền vào thế khó. (Ảnh: Thanh Ba)

Trong khi đó, ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho hay xăng dầu lên giá đã ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của ngư dân. 

“Hiện nay, nhiều tàu thuyền đã hạn chế ra khơi đánh bắt. So với mọi năm, lượng tàu thuyền ra vào cảng giảm khoảng 30%. Xăng dầu tăng giá đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của ngư dân. Ví dụ ngày trước họ đánh bắt đợc 1 tạ cá chỉ mất 2 triệu đồng tiền dầu thì nay mất khoảng 2,2 triệu đồng, cộng với việc hải sản rớt giá khiến thu nhập của ngư dân không đáng là bao”, ông Sơn nói thêm.

THANH BA - XUÂN TIẾN - TRỌNG TÙNG

Tin mới