Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khởi tố cựu Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam: Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp nói gì?

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn khẳng định hiện tại cơ quan điều tra đang xử lý, ai sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Liên quan đến việc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) Lê Quang Thung cùng 4 cựu quan chức thuộc tập đoàn này, chiều 13/12, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn cho biết những sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng như tại một số công ty thành viên đã diễn ra từ năm 2008.

Ông Lê Quang Thung, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam - Ảnh: nongnghiep.vn 

"Những sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra, xử lý. Ai sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" - ông Tuấn nói.

Về khắc phục những tồn tại nêu trong kết luận thanh tra, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết hiện Thủ tướng đang giao cho Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam báo cáo.

"Về phát ngôn chính thức và báo cáo chính thức sẽ do các cơ quan được Thủ tướng yêu cầu, họ sẽ có báo cáo chính thức. Tuy nhiên, với tư cách quản lý ngành, trên cơ sở kết luận thanh tra, thì các đơn vị liên quan đã xử lý, về cơ bản đã khắc phục được rất nhiều nội dung nêu trong kết luận thanh tra"- Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT cũng nhấn mạnh rằng những người bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can ngày 12/12 đều đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay. "Vì vậy việc khởi tố của cơ quan điều tra, về cơ bản không ảnh hưởng trực tiếp gì đến công tác điều hành sản xuất kinh doanh của Tập đoàn cũng như các công ty thành viên"- ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết trong 3 năm qua, dù giá cao su rất khó khăn, tuy nhiên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vẫn có lãi hàng trăm tỉ đồng/năm.

Trước đó, ngày 12/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật đối với 5 bị can, gồm: Lê Quang Thung, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Nguyễn Thành Châu, nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Văn Minh, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Hồng Phú, nguyên Giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng; Hoàng Văn Sơn, Kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng, về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự.

Việc khởi tố các bị can nêu trên nằm trong quá trình điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Phú Riềng và các đơn vị có liên quan của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án và thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Tháng 3/2010, ông Lê Quang Thung, Tổng giám đốc Tập Đoàn Cao Su Việt Nam, được bổ nhiệm giữ chức quyền Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn. Sau gần 2 năm giữ chức quyền Chủ tịch, đến đầu tháng 1/2012, ông Lê Quang Thung đã được Thủ tướng cho nghỉ hưu theo chế độ.

Vào năm 2014, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại VRG giai đoạn 2006-2011, chỉ rõ nhiều sai phạm, đồng thời kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền gần 8.400 tỉ đồng.

Kết luận thanh tra chỉ rõ VRG đã đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ với số tiền 2.591 tỉ đồng. Đơn vị thành viên của VRG là Công ty CP Cao su Phước Hòa cũng đã đầu tư ra bên ngoài vượt hơn 133 tỉ đồng. Việc đầu tư ngoài ngành với giá trị rất lớn nhưng tỉ suất lợi nhuận đạt được rất thấp, lỗ, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn giá trị lớn.

 Theo TTCP, việc quản lý, thực hiện đầu tư các dự án của VRG và nhiều đơn vị thành viên đã bị buông lỏng, làm trái quy định, gây thất thoát lớn. Đơn cử, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh nhận chuyển nhượng đất dự án và thanh toán cho Công ty VKETI hơn 20 tỉ đồng không đúng quy định. Đối với việc đầu tư góp vốn thành lập Công ty Cao su Phú Riềng - Kratie để đầu tư trồng mới cao su, từ khâu lập, thẩm định, trình duyệt dự án đến công tác khảo sát điều tra thổ nhưỡng đều sai trình tự, mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại hơn 483 tỉ đồng.

Trong khi đó, VRG và chủ đầu tư còn thực hiện vay vốn, bảo lãnh vay vốn ngân hàng và sử dụng vốn sai mục đích gần 1,9 triệu USD chưa thu hồi được, dẫn đến mất khả năng trả nợ.

Cũng theo TTCP, VRG quản lý chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất của các đơn vị thành viên. Hậu quả dẫn đến là Công ty CP KCN Nam Tân Uyên cho thuê lại đất khi chưa có hợp đồng thuê đất với UBND tỉnh Bình Dương; Công ty CP Phát triển Đô thị và KCN Cao su Việt Nam chuyển nhượng 109,8 ha cho Công ty CP Đầu tư bất động sản Thành Đồng với giá gần 223 tỉ đồng, được VRG chấp thuận khi chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp, vi phạm Luật Đất đai năm 2003.

Thời điểm công bố kết luận thanh tra, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo VRG thực hiện xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc VRG và đơn vị thành viên về những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nêu trong kết luận thanh tra.

Nguồn: Người Lao Động

Tin mới