Tại Hội thảo “Thuê tài chính – Kênh tiếp cận vốn trung dài hạn hiệu quả, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa”, 150 nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thảo luận về các giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn hiệu quả.
Hội thảo do Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV-SuMi TRUST (BSL) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (thuộc VCCI) tổ chức ngày 27/9 tại Nghệ An.
Các diễn giả giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trong phiên thảo luận tại Hội thảo.
Khó khăn trong tiếp cận vốn của DNNVV tại Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Thanh Tâm – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (VCCI) - cho biết: Thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. VCCI cũng thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đa dạng các nguồn vốn.
Tuy nhiên, theo khảo sát của VCCI, hiện nay, một trong những khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV gặp phải đó là vấn đề tiếp cận vốn và tiếp cận thị trường.
Tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, phân tích rõ thực trạng tiếp cận vốn của DNNVV tại Việt Nam giai đoạn 2015-2023.
Theo ông, những khó khăn cản trở việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp bao gồm: Thiếu tài sản đảm bảo; yêu cầu nhiều vốn tối thiểu và dự phòng rủi ro hơn đối với tổ chức tín dụng; chưa có nhiều nguồn vốn thay thế...
TS. Cấn Văn Lực chỉ ra những khó khăn cản trở việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp tại Hội thảo.
“Doanh nghiệp trong nước, nhất là các DNNVV chưa huy động và phát huy hiệu quả các kênh huy động tài chính từ thị trường chứng khoán, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ phát triển DNNVV và nhiều kênh huy động khác.
Hiện nay trên thị trường có 16 công ty tài chính, 10 công ty cho thuê tài chính, gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vĩ mô, tuy nhiên quy mô hoạt động còn nhỏ”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Giải pháp tiếp cận vốn cho DNNVV
Đề xuất giải pháp tăng cường nguồn vốn cho DNNV, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: Đối với cơ quan quản lý, cần hoàn thiện hành lang pháp lý chính sách cho hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (nhất là cho thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng v.v) bao gồm cả thuế, phí, xử lý rủi ro; xây dựng và kết nối hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; đẩy mạnh giáo dục tài chính cho doanh nghiệp; nâng cao và phát triển hiệu quả thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư và quỹ phát triển DNNVV.
Đối với bản thân các doanh nghiệp, cần tăng năng lực cạnh tranh để đáp ứng tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về tài chính – kế toán nhằm nâng cao trình độ quản trị, tăng tính minh bạch thông tin; đa dạng hóa nguồn vốn; chuyển đổi xanh; chuyển đổi số; và phấn đấu niêm yết, phát hành chứng khoán.
Bàn về các giải pháp tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, Thạc sĩ Bùi Quang Dũng - Giám đốc đào tạo Công ty Giải pháp phát triển doanh nghiệp TOT - chia sẻ: Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch tài chính ngắn hạn và dài hạn một cách chi tiết nhằm xác định và giảm thiểu các rủi ro tài chính.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các chi phí, cắt giảm chi phí không cần thiết; dự báo dòng tiền; sử dụng vốn có mục đích và có kế hoạch...
Để tháo gỡ khó khăn liên quan đến tiếp cận vốn, các chuyên gia nhấn mạnh rằng: Doanh nghiệp cần cập nhật thường xuyên các chính sách hỗ trợ, các nguồn vốn có thể huy động ngoài việc vay vốn ngân hàng hay dùng vốn tự có của chính doanh nghiệp để đa dạng nguồn vốn trung dài hạn, trong đó có thuê tài chính…
Thuê tài chính – kênh tài trợ vốn hiệu quả cho doanh nghiệp
Ông Hoàng Văn Phúc, Phó Tổng Giám đốc BSL, phân tích: Một trong những lợi ích từ thuê tài chính giúp tháo gỡ khó khăn của DNNVV trong việc tiếp cận vốn đó là không yêu cầu tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, các tài sản thuê tài chính như máy móc thiết bị thường có tỷ lệ tài trợ cao hơn so với khi đi vay ngân hàng; Thủ tục thuê tài sản đơn giản, thuận tiện, không ảnh hưởng tới hạn mức tại ngân hàng...
Với những lợi ích đó, thuê tài chính được coi là một kênh tài trợ vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV.
Ông Hoàng Văn Phúc, Phó Tổng Giám đốc BSL, giới thiệu về dịch vụ thuê tài chính.
Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp có tài sản, hoạt động kinh doanh hiệu quả nhưng thiếu vốn, khi đã hết hạn mức tín dụng ngân hàng thì hình thức “Bán và thuê lại” (Sale and Lease-back) của các công ty cho thuê tài chính là một giải pháp tối ưu. Hình thức này giúp doanh nghiệp huy động vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
BSL là công ty cho thuê tài chính có bề dày kinh nghiệm và vị thế vững chắc trên thị trường tài chính Việt Nam.
Công ty nhận được nguồn lực hỗ trợ từ các cổ đông chiến lược là hai định chế tài chính hàng đầu Việt Nam và Nhật Bản: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Sumitomo Mitsui Trust Bank (SuMi TRUST); cùng với đó là mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc. Với lợi thế đó, BSL không chỉ cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt mà còn luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại giá trị bền vững cho khách hàng.
“Mục tiêu của BSL là trở thành đối tác tin cậy trên thị trường thuê tài chính. Vì vậy chúng tôi luôn nỗ lực để mang đến giải pháp tài chính tối ưu, phù hợp với khách hàng với mức độ tin tưởng và hài lòng tối đa; đồng thời hài hòa lợi ích của các bên liên quan”, ông Phúc chia sẻ.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV đang phải đối mặt với nhiều thách thức tiếp cận vốn để gia tăng năng lực cạnh tranh và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Hội thảo được tổ chức đã giúp các doanh nghiệp có thêm giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị tài chính, đa dạng các kênh tiếp cận vốn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đơn vị.