Tuyển nữ Việt Nam đang trong những ngày tận hưởng vinh quang sau thành tích lần đầu tiên trong lịch sử giành vé dự World Cup. Thầy trò HLV Mai Đức Chung hạ cánh xuống sân bay Nội Bài sáng nay (10/2) và sẽ có quãng thời gian mừng công, rồi trở về nghỉ ngơi sau giải đấu vất vả trên đất Ấn Độ.
Sau chuỗi ngày nạp lại năng lượng, đội nữ sẽ trở lại tập luyện, hướng tới những giải đấu quan trọng trong năm 2022 như SEA Games, AFF Cup, hay xa hơn là chuẩn bị cho vòng chung kết World Cup 2023.
Tuyển nữ Việt Nam về nước sau chiến tích lịch sử.
Áp lực nhà vô địch
Tuyển nữ Việt Nam đang bước vào giai đoạn thăng hoa nhất trong 6 năm qua. Sau danh hiệu ở AFF Cup 2019 với chiến thắng Thái Lan ngay trên đất Thái, tuyển nữ Việt Nam xuất sắc giành HCV SEA Games thứ 6 trong lịch sử.
Huỳnh Như cùng đồng đội không "ngủ quên" trên vinh quang khu vực, mà tiếp tục trưởng thành, thu hẹp cách biệt với những đội tuyển thuộc nhóm đầu châu lục. Những trận đấu đáng khen trước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, trước khi giành vé dự World Cup là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của các cầu thủ.
Tuy nhiên, sau những cột mốc mới ở biển lớn châu Á, tuyển nữ Việt Nam sẽ quay lại với nhiệm vụ bảo vệ vinh quang khu vực, khi phải giữ ngôi hậu ở cả SEA Games và AFF Cup tổ chức trong năm nay.
Đây không phải bài toán dễ giải, bởi tấm vé dự World Cup là vinh dự của mọi nền bóng đá, song không bảo đảm cho thành công lâu dài mà bài học của Thái Lan năm 2019 là minh chứng.
Sau khi xuất sắc tiến sâu ở Asian Cup 2018 và lần thứ hai giành quyền dự World Cup (năm 2019), tuyển nữ Thái Lan đã sa sút không phanh khi thua Việt Nam ở chung kết AFF Cup trên sân nhà, rồi tiếp tục thua chung kết SEA Games.
Thái Lan (áo trắng) thua toàn diện ở Asian Cup 2022.
Tại Asian Cup 2022, Thái Lan chơi thất vọng khi để thua Philippines, đánh mất ngôi nhì bảng và phải rơi vào loạt đấu play-off (toàn thua 2 trận trước Việt Nam và Đài Bắc Trung Hoa).
Tuyển nữ Việt Nam phải rất nỗ lực tại SEA Games và AFF Cup 2022 nếu không muốn đi vào "vết xe đổ" của Thái Lan, bởi trình độ giữa các đội nữ Đông Nam Á đang hẹp lại.
Ở vòng bảng Asian Cup 2022, tuyển nữ Việt Nam để Myanmar lấn lướt thế trận và dẫn trước 2 lần. Dù vẫn giành trận hòa chung cuộc, nhưng các trụ cột đội tuyển như Huỳnh Như, Nguyễn Thị Tuyết Dung hay HLV Mai Đức Chung đều phải thừa nhận sức mạnh và độ máu lửa trong lối chơi của đối thủ.
Hay đội nữ Philippines cũng là ứng viên tiềm năng. Mở cửa với các cầu thủ Phi kiều từ khắp nơi trên thế giới, tuyển nữ Philippines tiến bộ chóng mặt khi lọt vào tới bán kết Asian Cup 2022. Thể hình, sức va chạm và tư duy chơi bóng hiện đại của "Azkals" là trở ngại lớn cho tuyển nữ Việt Nam nếu hai đội gặp nhau ở các giải khu vực trong năm nay.
Sự tiến bộ của Philippines, Myanmar bên cạnh Thái Lan sẽ tạo ra thế cục cạnh tranh khốc liệt, buộc học trò của HLV Mai Đức Chung phải cố gắng nếu không muốn bị bắt kịp.
Tuyển nữ có thời gian nghỉ ngơi trước khi trở lại chuẩn bị cho SEA Games.
Tiếp tục cải thiện
"Tôi chưa ngủ được. Thứ nhất là vì lớn tuổi rồi, thứ hai là công việc. Mình làm được rồi vẫn phải nghĩ xem tiếp tục làm thế nào nữa. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình hơn nữa, đạt thành tích nhiều hơn nữa trong năm mới", HLV Mai Đức Chung chia sẻ ngay khi vừa đặt chân về nước.
Đó cũng là tinh thần chung của đội nữ Việt Nam. Tiền vệ Tuyết Dung khẳng định: "Từng cá nhân phải có ý thức tập luyện, thi đấu ở câu lạc bộ để có sự tin tưởng của HLV. Trước World Cup có rất nhiều giải đấu, mình phải thi đấu thật tốt. Dung và toàn đội sẽ cố gắng nỗ lực, đặt mục tiêu từng cá nhân và cố gắng thi đấu từng trận một".
Giữ được đôi chân trên mặt đất là yếu tố cần thiết để đội nữ không "bay bổng" sau chiến tích lịch sử. Tuyển nữ Việt Nam đã làm rất tốt sau SEA Games, nhờ cuộc chuyển giao lực lượng được HLV Mai Đức Chung thực hiện với sự xuất hiện của những cầu thủ trẻ, giúp bầu không khí cạnh tranh của đội luôn được hâm nóng.
Sự xuất hiện của HLV thể lực Cedric Roger cũng nâng cao thể lực cho đội nữ, thể hiện tinh thần luôn thay đổi của đội tuyển nữ.
HLV Cedric Roger giúp đội nữ cải thiện thể lực và sức chiến đấu.
Còn về mặt dài hạn, HLV Mai Đức Chung cho rằng chỉ chăm sóc, đầu tư cho đội nữ là không đủ. Ông cho biết: "Muốn có được thành tích lâu dài thì cần phải có đầu tư từ phong trào trường học, các địa phương cũng như hỗ trợ đồng hành của xã hội, Đảng, Chính phủ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam".
Vấn đề nhập tịch cầu thủ được HLV Mai Đức Chung đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh nguồn lực bóng đá nữ vẫn chưa đủ dồi dào cho những đòi hỏi ở World Cup.
"Bản thân tôi và một số lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mong muốn có Việt kiều ở nước ngoài về thi đấu. Nhưng, trở ngại lớn nhất là thủ tục. Tuy nhiên, tính đến tháng 7/2023 thì vẫn còn kịp thời gian. Đến nay có 2 cô gái sinh sống ở Australia có dòng máu người Việt.
Trong đó có 1 cô gái đá ở vị trí trung vệ, 1 cô đá ở vị trí tiền vệ. Cả 2 đều rất trẻ. Khi xem băng hình thì tôi nhận thấy cả 2 đá rất tốt, xông xáo. Nhưng, xin được nhắc lại là nếu về thi đấu cho Tổ quốc thì trở ngại lớn là các vấn đề liên quan đến sinh hoạt, thủ tục… Đặc biệt là vấn đề nhập quốc tịch", HLV đội nữ Việt Nam khẳng định.