Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khi vương miện hoa hậu được ngã giá bằng tiền

Dư luận từng chấn động khi cuộc thi Miss Earth bị phanh phui chuyện mua giải; "bà trùm" cuộc thi này đưa ra cái giá cho vương miện là 4 triệu USD.

Vương miện hoa hậu là ước mơ, khao khát mãnh liệt của hàng triệu cô gái khắp thế giới, theo Channel News Asia. Họ đầu tư cả tuổi thanh xuân, công sức, tiền bạc để rèn luyện và phấn đấu trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình tại cuộc thi sắc đẹp.

Tuy nhiên, có một sự thật xấu xí rằng không phải đấu trường nào cũng công nhận vẻ đẹp ngoại hình và trí tuệ của phụ nữ. Nói rõ hơn, đôi lúc nó thực tế là cuộc chơi của những người có tiền, có quyền.

Vì như vậy nên câu chuyện dàn xếp kết quả, mua bán giải thưởng tồn tại đằng sau cánh cửa đóng kín đã không khiến nhiều người bất ngờ.

4 triệu USD đổi lấy vương miện quốc tế

Năm 2012, dư luận chấn động khi Miss Earth (Hoa hậu Trái Đất) bị phanh phui sự thật mua giải. Phóng viên tờ Komsomolskaya Pravda của Nga đã giả danh khách hàng để thương lượng với Lorraine Schuck, Chủ tịch Miss Earth, về chuyện "đi cửa sau". Và cái giá bà này đưa ra cho vương miện là 4 triệu USD.

Hình ảnh thanh sạch, giá trị cao đẹp hướng tới môi trường cũng như uy tín của cuộc thi bị nhấn chìm trong tích tắc. Từ đây, Global Beauties đã xóa Miss Earth khỏi hệ thống Grand Slam (những cuộc thi hoa hậu uy tín nhất thế giới).

Trải qua hơn 20 năm tổ chức, Miss Earth dính phốt thiên vị khi có tới 4 đại diện chủ nhà Philippines đăng quang. Đáng nói, các cô gái chiến thắng không được đánh giá cao nhan sắc, ứng xử chưa thuyết phục. Khán giả luôn đặt nghi vấn dàn xếp đối với kết quả gây tranh cãi này.

Karen Ibasco - đại diện Philippines lên ngôi Miss Earth 2017 - bị "ném đá" tơi tả nhất ở phút đăng quang. Missosology ghi nhận số đông khán giả chỉ trích ban tổ chức ưu ái cô quá lộ liễu.

Karen Ibasco bị chê là Hoa hậu Trái Đất kém sắc nhất lịch sử lúc đăng quang. Ảnh: Yahoo.

Vấn nạn mua giải càng dễ thấy hơn ở cuộc thi cấp quốc gia, bên cạnh Philippines còn nhiều nước châu Á khác bị réo tên trong các vụ "đổi tiền lấy danh hiệu". Báo Thái Lan đưa tin hồi năm 2020, giám khảo cuộc thi Miss Samila bị thí sinh Ornapan Na Chiang Mai tố sửa điểm để loại cô và nhiều thí sinh khỏi chung kết.

Cô gái 26 tuổi hét lên trước mặt ban tổ chức: "Chúng tôi biết khi nào mình thua và thắng. Chúng tôi biết khi nào mình trả lời tốt hay chưa. Và chắc chắn, chúng tôi hiểu mình có xứng đáng bước tiếp hay không!".

Những người đứng sau cuộc thi giữ im lặng hoàn toàn, nhưng buồn cười rằng họ đã lặng lẽ chia đều phần thưởng vốn dành cho người chiến thắng là 200.000 Baht (khoảng 6.300 USD) cho tất cả 10 thí sinh lọt vào bán kết và không có hoa hậu nào được công bố.

Theo Korea Times, Miss Korea (Hoa hậu Hàn Quốc) mất uy tín kể từ lùm xùm mua giải năm 2012. Mẹ của thí sinh từng tham gia cuộc thi tố cáo hành vi lừa đảo của ban tổ chức. Theo lời người này, ban tổ chức đã chủ động liên lạc với bà và đề nghị mua bán giải. Nếu bồi dưỡng 20 triệu won (hơn 15.000 USD) cho mỗi giám khảo, con bà chắc chắn có danh hiệu. Những con số được nêu ra cho từng danh hiệu là 100 triệu won (Á hậu 2), 300 triệu won (Á hậu 1) và 500 triệu won (Hoa hậu).

"3 ngày trước chung kết, tôi chuyển 40 triệu won vào tài khoản của đơn vị đăng cai cuộc thi. Mặc dù tiền đã gửi, con gái tôi vẫn không hề giành được bất cứ giải thưởng nào. Tôi đã liên hệ nhiều lần nhưng họ không hồi đáp", bà nói.

Trong vụ lùm xùm này, nhân viên bị nghi ngờ liên quan đến đường dây mua bán giải nhấn mạnh không hề yêu cầu bà đưa tiền. Tuy nhiên, vì nguyên nhân nào đó, anh này tuyên bố rời công ty.

Dàn thí sinh Hoa hậu Hàn Quốc trình diễn áo tắm. (Ảnh: Charactermedia)

Về phía ban tổ chức Miss Korea 2012, họ xoa dịu dư luận bằng những giải thích mang tính chiếu lệ: "Chúng tôi xin chịu trách nhiệm khi đã không ngăn chặn được chuyện đáng tiếc. Công ty chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để làm sáng tỏ mọi chuyện và duy trì sự minh bạch cho lần tổ chức sau".

Korea Times nhận định câu trả lời không đi sâu vào trọng tâm nhận lỗi đã hé lộ góc khuất đen tối đằng sau ngành công nghiệp hoa hậu ở quốc gia vốn đề cao cái đẹp như Hàn Quốc.

Ồn ào muôn thuở đằng sau vương miện

Ngành công nghiệp hoa hậu sớm nở rộ ở các nước phương Tây, hiện có dấu hiệu chững lại trước sự lên ngôi của khu vực châu Á, song không đồng nghĩa những câu chuyện hậu trường, nói xấu, hãm hại nhau của dàn thí sinh chân dài thôi gây tò mò cho khán giả.

Cứ mỗi cuộc thi được tổ chức, người ta lại nghe đồn cô A ngủ với đại gia, thí sinh B cặp kè với thành viên ban giám khảo... để đổi lấy danh hiệu cao.

Tân Hoa hậu Mỹ R'Bonney Gabriel bị phản đối kịch liệt. (Ảnh: @misstxusa)

Mới đây nhất, R'Bonney Gabriel, tân Hoa hậu Mỹ, vướng tin đồn này. Người đẹp đại diện cho bang Texas lên ngôi trong sự phản đối mạnh mẽ của thí sinh, khán giả. Một số cô gái thi chung với Gabriel đã lên tiếng tố có gian lận trong quá trình chấm điểm và khẳng định Gabriel được thiên vị, dàn xếp để đăng quang.

Phản hồi trên People, Crystle Stewart - Chủ tịch của Miss USA - khẳng định công bằng là yếu tố được ban tổ chức ưu tiên. Stewart nói loạt cáo buộc xoay quanh cuộc thi là sai lệch và đi ngược phương châm sống, cách làm việc của cá nhân cô.

Tuy nhiên, chia sẻ của Stewart không đủ thuyết phục vì vợ chồng cô đã dính nhiều bê bối trước đó. Lùm xùm khiến Hoa Hậu Mỹ phải quay lại nằm dưới quyền quản lý của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (do công ty WME/IMG điều hành).

Fox News trích thông báo của tổ chức Miss Universe: "Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tổ chức Miss Universe quyết định đình chỉ Miss USA và tiếp quản cuộc thi này. Chúng tôi nhờ công ty luật Holland & Knight vào cuộc điều tra và các chứng cứ sẽ được sử dụng làm cơ sở cho những quyết định thích hợp".

Ivonne Cerdas, thí sinh ứng xử kém nhất trong top 5 Miss Costa Rica 2020, lại đăng quang. Thế là tranh cãi bắt đầu nổ ra, ngay cả Nicole Carboni Renault - cựu Á hậu Miss Costa Rica - cũng nhập cuộc, liên tục đăng đàn tố cáo cuộc thi giả dối, dùng tiền đổi giải thưởng. Nicole tố thẳng Ivonne đã qua đêm với "sugar daddy" và thông đồng với ban tổ chức cho việc mua giải.

Người đẹp này khẳng định Ivonne biết trước câu hỏi nhưng vẫn thể hiện quá tệ ở đêm thi cuối.

Chưa dừng lại ở đó, Nicole nói rằng Valeria Rees - Á hậu 1 của cuộc thi - lợi dụng quan hệ bạn bè với Karina Ramos (Miss Costa Rica 2014) và lên giường cùng đại gia hòng muốn được vinh danh ở chung kết.

Thực tế cho thấy ồn ào danh hiệu là vấn đề mà nhiều đấu trường nhan sắc phải đối mặt. Chất lượng thí sinh, lùm xùm tình ái và bê bối mua giải đã khiến không ít cuộc thi (cấp quốc gia và quốc tế) đánh mất dần thương hiệu.

Tuy vậy, không thể phủ nhận, nhiều cuộc thi sắc đẹp vẫn giữ được uy tín lớn khi nói không với việc mua giải. Những cuộc thi như vậy vẫn đang hiện thực giấc mơ của những người đẹp, duy trì được tinh thần thiện nguyện, hòa bình, gắn kết, bên cạnh việc đảm bảo được tính giải trí để thu hút sự quan tâm của fan sắc đẹp.

Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.

Nguồn: Zing News

Tin mới