Sáng 18/10, Công ty Nước sạch sông Đà bắt đầu đặt tấm lọc dầu xuống khu vực kênh dẫn nước vào nhà máy. Việc làm này được cho là chậm trễ khi sự cố xảy ra và kéo dài hơn một tuần qua.
Quá trình xử lý ô nhiễm được các chuyên gia của Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) thực hiện sau khi huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng. Các tấm lọc chuyên dụng được lắp đặt dọc theo suối Trầm, suối Bằng dẫn về hồ Đầm Bài để tách dầu lẫn trong nước.
Ông Bùi Đăng Khoa - Phó Giám đốc Công ty Nước sạch sông Đà cho biết: “Dù đã cấp nước trở lại, kết quả xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của Bộ TNMT, về cảm quan thì toàn bộ mặt hồ không còn dầu. Nhưng để không còn rủi ro nào về chất lượng mặt nước, công ty cho triển khai đặt các tấm lọc dầu”.
Các tấm lọc chuyên dụng được đặt dọc theo suối Trầm, suối Bằng dẫn về hồ Đầm Bài để tách dầu lẫn trong nước thoát ra từ hoạt động thu gom đất, bùn, rác nhiễm dầu trên suối. Giải pháp này được triển khai khẩn cấp để ngăn chặn từ nguồn, không cho váng dầu, dầu lẫn trong nước cũng như các hạt rắn có dầu bám dính thoát ra môi trường.
Ngoài ra, các tấm lọc chuyên dụng này được duy trì liên tục, lọc toàn bộ nước chảy xuống từ suối Trầm, kiểm soát dầu còn sót lại nhả ra từ đất. Đây là khâu quan trọng nhất trong hoạt động xử lý, kiểm soát ô nhiễm từ đầu nguồn.
"Các tấm lọc dầu được đặt xuống sẽ giữ lại tất cả các hạt vật chất và dầu, nước đi qua. Công nghệ này sử dụng trong nhiều trường hợp và là phương pháp hiệu quả nhất với trường hợp này", ông Phạm Thế Tùng - Phó giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho hay.
Theo ghi nhận của PV, chiều qua (17/10), tại suối Trầm vẫn có hiện tượng váng dầu mỏng nổi lên trên mặt nước. Chuyên gia đánh giá đây có thể là hậu quả của việc dầu ngấm vào đất từ điểm khởi nguồn sự cố rò rỉ theo nước vào suối hoặc do dầu lắng đọng dưới bùn còn sót lại nổi lên khi người dân dẫm chân xuống lòng suối. Lượng dầu này sau đó sẽ theo nước chảy tiếp tục bám vào phù sa lắng xuống đáy, khuếch tán trong nước.
Ông Tùng cho biết, theo phương án được phê duyệt, Trung tâm SOS đang triển khai nhiều biện pháp khác như thu gom đất, bùn có mùi dầu, cỏ cây bám dính dầu trên suối Trầm chuyển về bãi tập kết để xử lý như chất thải nguy hại.
Bên cạnh đó, đơn vị sẽ bóc toàn bộ phần đất nhiễm dầu tại khu vực dầu đổ xuống suối Trầm và xúc hết phần đất bị nhiễm dầu đưa về nơi tập kết chất thải nguy hại. Riêng khu vực gần trạm bơm hồ Đồng Bài, dự kiến sẽ bơm hút toàn bộ sa lắng, lấy mẫu phân tích.
Trung tâm SOS đề xuất bổ sung thiết bị với khả năng kiểm tra hàm lượng một số loại hóa chất có hại trong nước trước khi đưa vào Nhà máy, Hiện nay Nhà máy chỉ có thiết bị kiểm tra liên tục 3 chỉ tiêu: độ đục, pH và clo dư. Đối với chỉ tiêu khác thì hàng tuần lấy mẫu phân tích và chờ kết quả.
Video: Máy lọc nước có xử lý được nước sông Đà nhiễm Styren?