Phát sóng vào khung giờ vàng của VTV, Đừng nói khi yêu đang nhận được khán giả yêu phim truyền hình chăm chú theo dõi. Phim xoay quanh câu chuyện của nữ chính Phương Ly (Thùy Anh thủ vai) và Tú (Đình Tú), cặp bạn thân từ nhỏ. Tình bạn của họ thay đổi dần khi Quy (Mạnh Trường) và Trang (Lương Thanh) xuất hiện.
Phim mới lên sóng được 9 tập nhưng gây khá nhiều tranh cãi. Không ít khán giả nhận xét cho rằng, Đừng nói khi yêu xây dựng tính cách nhân vật nữ chính quá 'lố', lại có những tình huống vô duyên, gây ức chế.
Nữ chính bị chê lố bịch
Nhân vật Ly có tính cách mạnh mẽ, thẳng thắn và nghĩa khí. Cũng chính vì tính cách này mà Ly không chịu được những tiêu cực trong công việc. Cô thường ra tay nghĩa hiệp khi thấy chuyện bất bình nơi công sở.
Trước khi phim lên sóng, nhiều khán giả bày tỏ hy vọng sẽ được thấy một Phương Ly rất dễ thương, nhưng trái với mong đợi, nhân vật này khiến người xem khó chịu nhiều hơn là thích thú. Ở tập mới nhất, việc Ly bỏ thuốc xổ vào bánh để trả thù Quy thay bạn thân gây tranh cãi trong khán giả. Nhiều người nhận xét, nhân vật Ly quá lố khi hành động như vậy. Cô đang coi khách hàng là trò đùa. Việc làm không suy nghĩ đó cũng sẽ hạ uy tín của cửa hàng.
Nhiều khán giả của "Đừng nói lời yêu" tự hỏi, không biết biên kịch định xây dựng nhân vật Ly đáng yêu hay đáng ghét.
"Xem đến tình huống này tôi thấy rất bực mình. Nữ chính hơn 20 tuổi, không phải đứa trẻ lên ba mà lại cho thuốc xổ vào bánh để trả thù đối tác làm ăn hộ bạn thân. Ly là con một, được chiều chuộng nhưng cũng có giới hạn. Bố mẹ đang nai lưng ra thức khuya dạy sớm để làm bánh mà lại phá hỏng hợp đồng làm ăn của họ. Dù đạo diễn xây dựng nữ chính cá tính nhưng cũng phải phù hợp với hoàn cảnh và có chừng mực. Cá tính kiểu này vừa lố bịch, ngổ ngáo, vừa vô duyên, ngang bướng", một khán giả xem phim nhận xét.
Một người khác bày tỏ: "Tôi có cảm giác nữ chính phim này là vai phản diện chứ không phải chính diện. Không hiểu đạo diễn với biên kịch định xây dựng nhân vật nữ chính đáng yêu hay đáng ghét nữa. Tính cách Ly nhí nhảnh tới mức lố bịch, lúc nào cũng tỏ ra đáng yêu, lanh lợi, hiểu chuyện và luôn nghĩ mình như cái rốn của vũ trụ. Tôi thấy mà ghét, mất hết cảm tình".
Không chỉ nhân vật Phương Ly, diễn viên Thùy Anh cũng bị đánh giá chưa tốt về đài từ và diễn xuất. "Tôi không thích Thùy Anh vì giọng đanh quá, diễn cũng đơ, mắt trợn ngược lên, biểu cảm thì lố", một khán giả nhận xét.
Một số người lên tiếng bênh Thùy Anh, cho rằng cô chỉ diễn theo kịch bản, khán giả quá nhập tâm xem phim nên cáu kỉnh và ghét lây sang diễn viên.
Tình huống phim gây ức chế
Một trong những điều gây bàn cãi nhiều nhất của Đừng nói khi yêu là những tình huống xoay quanh mối quan hệ Ly - Tú - Trang. Ly và Tú là bạn thân khác giới từ nhỏ, còn Trang là đối tượng yêu đương của Tú. Tình bạn khác giới thân thiết quá mức của Tú - Ly gây nhiều khó chịu cho Trang và cả người xem phim.
Nhân vật Ly dù biết mình sẽ gây ức chế cho người yêu của bạn nhưng vẫn luôn có mặt trong những buổi hẹn hò của Tú - Trang, có cả cố tình lẫn vô ý. Khi Trang tới nhà Tú nấu ăn để mừng anh có việc làm, Ly cũng đến. Khi Tú và Trang đang mâu thuẫn, Ly dùng điện thoại của bạn thân để mạo danh nhắn tin cho người yêu bạn. Dù động cơ của Ly là tốt hay xấu thì hành vi này cũng gây khó chịu cho người xem.
Sự thân thiết quá mức của Ly và Tú gây ức chế cho người xem.
Chuyện tình cảm của Tú và Trang gặp sóng gió vì bạn thân.
Có lẽ, đạo diễn và biên kịch cố tình xây dựng mối quan hệ kiểu này để tạo sức hút, điểm nhấn cho phim; nhưng khán giả lại thấy bực bội với tình bạn khác giới của Ly và Tú.
"Kịch bản gây ức chế quá. Tú - Trang lần nào hẹn hò cũng có bạn thân đi theo. Trang tới gặp phụ huynh, Ly cũng có mặt. Khi Trang chỉ nấu 4 phần ăn, tại sao Tú không ăn chung với người yêu mà lại ăn chung với bạn thân?", một khán giả phân tích.
"Ly ngoài đời không khác gì 'trà xanh'. Tôi thấy dù là thân thiết nhưng khi một trong hai người có đối tượng yêu đương thì người còn lại nên có ý tứ một chút. Cả Ly và Tú suốt ngày thể hiện tình cảm, bá vai bá cổ nhau trước mặt người kia thì ai cũng ức chế thôi", khán giả khác bày tỏ ý kiến. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tình huống phim tuy gây ức chế nhưng sát với cuộc sống; trên thực tế có không ít câu chuyện tình yêu tan vỡ chỉ vì bạn thân khác giới.
Tình huống Ly bỏ thuốc vào bánh của Quy để trả thù cũng được cho là đang cổ xúy cho lối sống "ăn miếng trả miếng" hay suy nghĩ không lành mạnh "để bảo vệ người này thì phải trả thù người khác".
Tình huống Ly sẵn sàng nghỉ việc không báo trước khi biết sếp định "tăm tia" cậu bạn thân cũng bị nhận xét là không hợp lý. "Sau khi nghe lén thấy chị chủ định tăm tia bạn thân, Ly lập tức nghỉ việc mà không cần thông báo trước theo bất cứ hình thức nào theo Luật Lao động. Nhân viên cứ bực sếp thì sẽ nghỉ ngang vậy sao? Nhiều người vô tư mang chuyện cá nhân vào công việc vậy ư? Phim đang cổ vũ Gen Z sống tùy tiện vậy à?", một người xem đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, một số khán giả lên tiếng bênh đạo diễn và biên kịch, cho rằng các nhân vật đều còn trẻ, cần thời gian để trưởng thành hơn, trong khi phim còn rất dài.
“Tại sao mọi người lại chê phim này nhiều thế nhỉ? Tôi thấy đạo diễn và biên kịch thừa sức để làm ra những tình huống hợp lý hơn. Nhưng phim là phim mà đời là đời. Những tình huống như vậy trái lại mang tới nhiều bài học cho các bạn trẻ về ứng xử. Khán giả hãy nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh, đừng khắt khe quá với họ”, một người bày tỏ.
Việc tạo tranh cãi trong khán giả cũng được đánh giá là một thành công của Đừng nói khi yêu bởi ít nhất, bộ phim đang thu hút sự chú ý của nhiều người mê phim truyền hình Việt.