Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (17/2), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng mua vào ở mức 56,45 triệu đồng/lượng, giá bán ra là 57 triệu đồng/lượng, giảm 350.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua là 550.000 đồng/lượng.
Đến 9h48, giá vàng tại đây giảm xuống 56,37 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,95 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC sụt giảm trong phiên đầu năm Tân Sửu. (Ảnh minh họa)
Cùng thời điểm, Tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán vàng miếng ở mức 56,35 - 57 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán vàng hiện là 650.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng JSC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận cũng được điều chỉnh giảm 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với trước kỳ nghỉ Tết. Giá vàng niêm yết ở mức 56,4 - 57,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng trong nước giảm trong bối cảnh giá kim loại quý thế giới đi xuống. Trên thế giới, giá vàng giảm 1,7% trong phiên giao dịch đêm 16/2, chạm mức thấp nhất trong hơn một tuần. Đầu giờ sáng 17/2 (giờ Việt Nam), giá giao ngay trên sàn Kitco đứng quanh ngưỡng 1.790,20 USD/ounce. Đặc biệt, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, giá vàng thế giới giảm khá mạnh. Vào ngày 10/2, thời điểm bắt đầu nghỉ Tết, giá này ở mức 1.843,3 USD/ounce nhưng đến nay đã xuống dưới mốc 1.800 USD/ounce.
Như vậy, mức giảm của giá vàng trong nước vẫn chậm hơn nhiều so với mức giảm của giá thế giới. Điều này khiến chênh lệch 2 thị trường tiếp tục được nới rộng. Giá vàng thế giới hiện quy đổi ra tiền Việt vào khoảng 50 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá trong nước gần 7 triệu đồng. Đây là mức chênh lệch cao kỷ lục từ trước đến nay.