Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kẻ đến sau lăm le chiếm vị thế của vaccine trong cuộc chiến chống COVID-19

(VTC News) -

Dù được đánh giá là người đến sau trong cuộc chiến chống dịch, các viên thuốc điều trị COVID-19 được xem là nhân tố có thể làm thay đổi cuộc chơi.

Khi Molnupiravir bắt đầu được thử nghiệm quy mô lớn vào tháng 4/2020, các nhà khoa học Mỹ tin rằng nó sẽ sớm trở thành loại thuốc điều trị COVID-19 dạng uống đầu tiên được phê chuẩn, đưa vào sử dụng và góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Nhưng hy vọng với thực tế là khoảng cách dài. 

Remdesivir - thuốc kháng virus (tiêm tĩnh mạch) được FDA phê chuẩn sử dụng khẩn cấp từ tháng 10/2020. Một tháng sau đó, FDA có động thái tương tự với kháng thể đơn dòng REGEN-COV. Hiện tại, vẫn chưa rõ khi nào Molnupiravir mới được phê chuẩn sử dụng. 

Trong thông báo về kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối được Tập đoàn dược phẩm Merck công bố hôm 1/10, thuốc viên molnupiravir, do hãng này kết hợp với đối tác Ridgeback Biotherapeutics phát triển giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện hoặc tử vong khi sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 trưởng thành ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Thuốc viên trị COVID-19 Molnupiravir của hãng dược phẩm Merck. (Ảnh: Merck)

Merck và Ridgeback Therapeutics đã đánh giá dữ liệu trên 775 bệnh nhân. 7,3% số bệnh nhân trong nhóm dùng molnupiravir phải nhập viện, không có ca tử vong. Trong khi đó, tỷ lệ nhập viện ở nhóm dùng giả dược là 14,1%, trong đó 8 người tử vong.

Dù thừa nhận dữ liệu này rất ấn tượng nhưng tiến sĩ Anthony Fauci - cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Biden cảnh báo quá trình phê duyệt từ FDA có thể mất thời gian.

"Phải đảm bảo cho FDA có thời gian để xem xét cẩn thận dữ liệu và ra quyết định có phê duyệt khẩn cấp hay không. Tôi không muốn cầm đèn chạy trước ô tô và không thể đoán khi nào thuốc được phê duyệt. Tuy nhiên, tôi có thể nói một điều rằng họ sẽ làm điều đó sớm nhất có thể", ông Fauci nói. 

Miếng bánh bị san sẻ

Khác với Remdesivir và REGEN-COV chỉ được chỉ định sử dụng cho các bệnh nhân đã nhập viện, Molnupiravir sau khi được phê chuẩn có thể nằm trên kệ thuốc của các gia đình và được sử dụng cho các ca bệnh điều trị tại nhà có triệu chứng nhẹ. 

Là người tiên phong trong phát triển thuốc uống điều trị COVID-19, hãng dược Merck hy vọng họ sẽ sớm chiếm lĩnh thị trường đầy tiềm năng này. 

Nhưng khi các thử nghiệm kéo dài tới hơn 1 năm, chiếc bánh ngọt mà hãng dược Mỹ lăm le đang có nguy cơ bị chia 5 sẻ 7. 

Hãng dược Pfizer đang phát triển một loại uống có tên PF-07321332 dựa trên phương pháp điều trị được phát triển để điều trị SARS. PF-07321332 được thiết kế để điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đến trung bình không cần nhập viện. Dữ liệu ban đầu từ các thử nghiệm lâm sàng dự kiến ​​sẽ được công bố trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12.

Cuộc cạnh tranh thuốc COVID-19 dạng viên uống đang ngày càng khốc liệt. (Ảnh: Reuters)

Trả lời báo giới, Giám đốc điều hành của Pfizer cho biết nếu được chấp thuận, viên thuốc uống điều trị COVID-19 của hãng dược này sẽ có sẵn trên toàn nước Mỹ vào cuối năm nay.

Anh cũng không đứng ngoài cuộc đua này. Trong cuộc họp báo cũng hồi tháng 4, Thủ tướng Boris Johnson thông báo chính phủ của ông "đang tập hợp một nhóm hỗ trợ việc tìm kiếm các phương pháp điều trị kháng virus vào triển khai ngay sau mùa thu". 

Chính phủ dự kiến "loại thuốc uống mới đầy hứa hẹn" không chỉ được dùng cho bệnh nhân COVID-19 mà còn cả những người sống chung với người bệnh để ngăn ngừa lây nhiễm, theo ông Johnson.

Tập đoàn dược phẩm Roche của hợp tác với hãng công nghệ sinh học Atea Pharmaceuticals phát triển một loại thuốc uống để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng không phải nhập viện.

Tại châu Á, các hãng dược của Nhật Bản đang tìm cách thâm nhập vào thị trường này. 

Công ty Shionogi của Nhật bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 cho thuốc viên chữa COVID-19 từ tháng 7 và bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 từ 27/9.

Tuần trước, Shionogi thông báo kế hoạch sản xuất ít nhất 1 triệu viên thuốc kháng virus mới điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 để sử dụng trong nước đến tháng 3/2022.

"Mục tiêu của chúng tôi là một loại thuốc uống cực kỳ an toàn. Thuốc viên trị COVID-19 do công ty đang phát triển có thể vô hiệu hoá virus trong 5 ngày kể từ khi bệnh nhân bị nhiễm", ông Iao Teshirogi, CEO của Shionogi cho biết. 

PeptiDream của Nhật Bản từ cuối năm 2020 tiết lộ kế hoạch phát triển một loại thuốc điều trị mới cho các bệnh nhân COVID-19. Các thử nghiệm lâm sàng sẽ bắt đầu sớm nhất vào cuối năm nay. 2 công ty khác là Oncolys BioPharma (ở Tokyo) và Bonac (tỉnh Fukuoka) cũng đang thử nghiệm trên người loại thuốc dùng vô hiệu hoá COVID-19.

Áp lực cho thị trường vaccine

Dù được tính là người đến muộn, tương lai của các loại thuốc uống COVID-19 vẫn được đánh giá là “tiềm năng” trong bối cảnh COVID-19 được dự đoán sẽ trở thành bệnh đặc hữu. 

Hầu hết các phương pháp điều trị COVID-19 trên thị trường hiện tại đều đắt tiền, khó sử dụng, không phổ biến rộng rãi. Các loại thuốc như Remdesivir và REGEN-COV hiện đều phải được quản lý tại bệnh viện và không được phép sử dụng tại nhà. 

Thuốc uống dạng viên có thể giải quyết nhiều thách thức trong số này. 

Liệu trình điều trị COVID-19 của thuốc uống dạng viên cũng rẻ hơn so với việc truyền tĩnh mạch bằng thuốc kháng virus remdesivir hoặc kháng thể đơn dòng và huyết tương của người đã nhiễm bệnh. 

Tại Mỹ, remdesivir được bán với giá 520 USD/lọ, hoặc 3.120 USD/liệu trình điều trị. Còn một liệu trình điều trị sử dụng REGN-COV2, hỗn hợp kháng thể của hãng Regeneron có giá 1.500 - 1.600 USD. Trong khi đó, một liệu trình điều trị bằng Molnupiravir sẽ chỉ tốn khoảng 700 USD. Chưa kể các hãng dược khác có thể giảm giá thuốc viên uống trị COVID-19 của họ trong cuộc cạnh tranh với Molnupiravir. 

Logo Hãng dược Merck tại cổng vào khuôn viên của công ty ở bang New Jersey, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Thuốc viên cũng dễ bảo quản và vận chuyển tới các vùng xa xôi hơn so với các dạng thuốc khác. Hiện tại, Merck đã cấp phép sản xuất Molnupiravir cho nhiều nhà sản xuất thuốc gốc ở Ấn Độ, cho phép bán thuốc này với giá rẻ hơn sang các nước có thu nhập thấp và trung bình. 

“Một loại thuốc viên uống hiệu quả, an toàn và giá cả phải chăng sẽ giúp tạo ra bước tiến lớn trong cuộc chiến chống COVID-19”, Peter Horby, Giáo sư nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở Đại học Oxford nhận xét.

Bản thân các viên thuốc có thể sử dụng tại gia như Molnupiravir cũng đang gây áp lực đáng kể đối với thị trường vaccine.  

Các thông tin tích cực về kết quả thử nghiệm của Molnupiravir giúp cổ phiếu của Merck tăng hơn 9% trong phiên giao dịch cuối tuần. Cổ phiếu của Atea Pharmaceutical cũng được "ké lời" khi tăng gần 21%. 

Trong khi đó, cổ phiếu của 2 nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới là Moderna và Pfizer lại giảm tới 10% và 1%, chấm dứt đà tăng miệt mài của họ gần 2 năm qua. 

Cổ phiếu Novavax - công ty Mỹ đang phát triển vaccine COVID-19 sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp của riêng mình giảm mạnh tới 26% trong phiên giao dịch hôm 1/10. 

Theo nhà phân tích Michael Yee của ngân hàng đầu tư Jefferies, các nhà đầu tư tin rằng "mọi người sẽ bớt sợ COVID hơn và sẽ ngại tiêm vaccine hơn nếu có một loạt thuốc đơn giản có thể điều trị tại nhà”. 

Thuốc viên điều trị COVID-19 cũng được xem là giải pháp hợp lý với các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp, khó tiếp cận với vaccine hoặc các quốc gia tồn tại một bộ phận dân số duy trì tư tưởng bài vaccine. 

Dù vậy, các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo tiêm chủng là giải pháp tốt nhất chống Covid-19 bởi phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh.

"Vaccine có thể ngăn nhiễm virus ngay từ đầu, và chúng tôi muốn ngăn nhiễm thay vì chờ nhiễm để điều trị", điều phố viên lực lượng đặc trách COVID-19 của của Nhà trắng Jeff Zient nhấn mạnh.

Hiện tại, Anh và hàng loạt các quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan đang đẩy mạnh đàm phán để mua Molnupiravir. 

Việc các nước dồn sự quan tâm tới viên thuốc này cũng làm dấy lên những lo ngại về sự bất bình đẳng trong phân phối Molnupiravir cũng như các thuốc viên trị COVID-19 khác - điều đã và đang xảy ra với vaccine. 

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới