Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Israel chỉ tấn công 'phô trương', Iran khó trả đũa

(VTC News) -

Một số chuyên gia nhận định những động thái leo thang gần đây giữa Iran và Israel là dò đường và rất có tính toán.

Video: Phòng không Iran đánh chặn UAV vào sáng nay. (Video: IRGC)

Nguồn tin từ quan chức Mỹ xác nhận Israel tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Iran khi một số vụ nổ xảy ra ở các thành phố Isfahan và Tabriz. Theo ABC News, vụ tấn công do tên lửa gây ra. Còn đài truyền hình chính thức của Iran cho biết sự việc diễn ra gần các địa điểm liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết không có thiệt hại nào đối với các cơ sở hạt nhân của Iran. Trong một bài đăng trên X, cơ quan này cho biết họ tiếp tục theo dõi tình hình rất chặt chẽ và kêu gọi mọi bên hết sức kiềm chế, nhấn mạnh rằng “các cơ sở hạt nhân không bao giờ được trở thành mục tiêu trong các cuộc xung đột quân sự”.

Hãng thông tấn Fars của Iran đưa tin “3 vụ nổ” đã được nghe thấy gần căn cứ không quân Shekari ở phía tây bắc tỉnh Isfahan, trong khi người phát ngôn cơ quan vũ trụ Iran Hossein Dalirian cho biết “một số” máy bay không người lái đã “bị bắn hạ thành công”. Reuters dẫn lời một quan chức Iran rằng không có tên lửa nào tấn công nước này, phủ nhận báo cáo trước đó của ABC News.

Nước đi thận trọng

Theo một số chuyên gia, dù tình hình khu vực đang ngày càng trở nên căng thẳng, những nước đi "ăn miếng trả miếng" giữa Iran và Israel là có tính toán và cực kỳ thận trọng.

Việc lựa chọn Isfahan làm mục tiêu nằm trong tính toán kỹ lưỡng của Tel Aviv. (Ảnh: CBC)

Negar Mortazavi, thành viên cao cấp của Trung tâm Chính sách Quốc tế có bình luận về tình hình leo thang ở Trung Đông. Nói về cuộc tấn công dường như là của Israel vào Iran vào sáng nay, bà cho biết "ranh giới đỏ đang bị xóa nhòa" trong vài tháng qua và cả hai bên đều đang thử xem họ có thể đi được bao xa.

Bà giải thích: “Những gì mỗi bên đang làm là kiểm tra tình hình, kiểm tra phía bên kia một cách có tính toán, nhưng leo thang theo cách để xem họ có thể đi được bao xa”.

Bà Mortazavi nói thêm, mặc dù Mỹ hỗ trợ Israel trong phòng thủ trước cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào cuối tuần qua, nhưng họ cho biết sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động trả đũa nào. Bà nói rằng đây là cách tiếp cận "cẩn thận hơn một chút" và cho thấy Mỹ đang cố gắng xử lý "các cuộc đàm phán qua kênh ngầm" giữa Iran và Israel.

Bà phân tích: “Có rất nhiều hoạt động ngoại giao qua lại qua lại nhằm cố gắng giảm thiểu thiệt hại cho các cuộc tấn công trả đũa này. Nhưng đồng thời, cả hai bên, người Iran và người Israel, cũng đang làm gì đó để giữ thể diện cho phe bầu cử cực đoan hơn hoặc cứng rắn hơn ở mỗi quốc gia của họ".

Đánh giá của Mortazavi trùng khớp với lập luận của nhà phân tích quân sự Michael Clarke từ Sky News. Ông cho biết Isfahan "sẽ hợp lý" khi trở thành mục tiêu vì đây là nơi có một trong những địa điểm hạt nhân ít nhạy cảm nhất, giải thích: “Đó là một địa điểm nghiên cứu, có khoảng 3.000 nhà khoa học làm việc ở đó và không có bằng chứng nào cho thấy vụ tấn công này nhắm mục tiêu vào địa điểm hạt nhân. Nhưng thực tế Isfahan là một trong những thành phố thực hiện khá nhiều công trình hạt nhân có ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng, nên tôi nghĩ người Israel muốn cho thấy rằng họ không sợ hãi khi tấn công những địa điểm tương tự".

Chuyên gia quân sự của Sky News lập luận cuộc tấn công có thể do tên lửa Jericho gây ra. (Ảnh: X)

Ông Clarke cho biết, khoảng cách từ Israel đến Isfahan là hơn 1.600 km, điều này cho thấy đây không phải là một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, và rằng "gần như chắc chắn" do tên lửa Jericho.

Có khả năng mục tiêu tấn công là căn cứ không quân bên ngoài Isfahan có liên quan đến ngành sản xuất máy bay của Iran. Nếu điều này là đúng, thì có vẻ như vị trí đã được lựa chọn cẩn thận để đáp trả việc UAV Iran tấn công Israel vào 13/4, gửi đi thông điệp "Tấn công chúng tôi bằng UAV, chúng tôi sẽ tấn công nơi sản xuất ra chúng", Sky News nhận định.

Thời điểm xảy ra cuộc tấn công, khoảng 4 giờ sáng ở Iran, chắc chắn sẽ gây ít thương vong nếu có và sẽ hạn chế những phản ứng từ Tehran.

Iran khó trả đũa

Ở chiều ngược lại, Iran cũng rất thận trọng với các phản ứng của mình. Trả lời Reuters, một quan chức Iran cho biết họ không có kế hoạch đáp trả tức thời và thậm chí tuyên bố họ không rõ ai đứng đằng sau vụ việc sáng nay.

"Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ cuộc tấn công từ bên ngoài nào và cuộc thảo luận nghiêng về việc xâm nhập hơn là tấn công”, quan chức giấu tên cho biết.

Lập luận này khá trùng khớp với phản ứng từ truyền thông chính thống Iran rằng đây chỉ là một cuộc không kích drone, chứ không phải do tên lửa gây ra.

Truyền thông Iran đưa tin về vụ tấn công sáng nay. (Ảnh: Guardian)

Tiến sĩ Sanam Vakil, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House cũng lên tiếng về vụ tấn công được báo cáo ở Isfahan: "Cuộc phản công của Israel nhằm vào Iran nhắm mục tiêu tương tự vào một địa điểm quân sự và được điều chỉnh để tránh thiệt hại và tránh sự leo thang của Iran.

Chừng nào Iran còn tiếp tục phủ nhận cuộc tấn công và làm chệch hướng sự chú ý khỏi nó cũng như không có thêm đòn tấn công nào nữa, thì lúc này vẫn còn chỗ cho cả hai bên xuống thang”.

Bà cho biết thời điểm diễn ra cuộc tấn công trùng với sinh nhật của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, rõ ràng là do Israel cố ý và mang tính biểu tượng.

Ở động thái bên lề, Isfahan sẽ tổ chức một cuộc biểu tình để ủng hộ những người dân ở Gaza, chỉ vài giờ sau khi có báo cáo về vụ nổ gần thành phố, theo Thông tấn xã Sinh viên Iran (ISNA). ISNA cho biết khi Isfahan “trở lại bình thường”, người dân sẽ diễu hành khắp thành phố sau buổi cầu nguyện thứ sáu.

Hoạt động ở Isfahan đã diễn ra bình thường. (Ảnh: Reuters)

ISNA đưa tin rằng hoạt động tại Sân bay Shahid Beheshti của Isfahan cũng đã trở lại bình thường. Nguồn tin cũng dẫn lời Chuẩn tướng Siavash Mihandoost, tư lệnh quân đội ở Isfahan, nói rằng “không có tai nạn hay thiệt hại” nào được báo cáo ở Isfahan sau vụ nổ.

Cùng lúc đó, AFP đưa tin Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani hôm nay đã kêu gọi "giảm leo thang tuyệt đối", đồng thời cho biết các đối tác G7 sẽ thảo luận về vấn đề này tại các cuộc đàm phán ở Capri. Ông nói với RAI News từ hòn đảo Ý, nơi Rome đang tổ chức cuộc họp giữa các ngoại trưởng của các quốc gia G7: “Chúng tôi mong các bên thận trọng để tránh leo thang”. Ông cho biết, G7, bao gồm Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản và Canada, đều thể hiện mong muốn giảm leo thang tại Trung Đông.

Các bộ trưởng G7 bao gồm Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã có mặt tại Capri từ 17/4 và dự kiến kết thúc họp vào giờ ăn trưa 19/4.

Thạch Anh

Tin mới