Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Iran-Israel liên tiếp tuyên bố trả đũa, căng thẳng Trung Đông sẽ đến đâu?

(VTC News) -

Liệu việc Iran tập kích loạt tên lửa và UAV đáp trả Israel và tuyên bố trả đũa sẽ là mồi lửa khiến xung đột lan rộng ở Trung Đông thành một cuộc chiến tranh?

Sau cuộc tấn công của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tối 13/4 nhằm vào nhiều mục tiêu ở Israel, Tel Aviv mới đây đưa ra cân nhắc sẽ trả đũa lại hành động này. 

Đây là những cuộc trả đũa lẫn nhau liên tiếp giữa hai lực lượng quân sự lớn ở Trung Đông. Mỗi động thái gia tăng căng thẳng của các bên có thể trở thành mồi lửa châm lên một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực. 

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Quốc phòng.

‘Không bất ngờ’

Trả lời VTC News, Giáo sư, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Quốc phòng cho rằng động thái tập kích tên lửa quy mô lớn của Iran vào Israel không phải là điều bất ngờ, đây là hành động mang tính răn đe, trả đũa lẫn nhau.

“Iran và Israel vốn có sự thù địch từ lâu, đe dọa lẫn nhau nhiều lần. Gần đây, Israel tấn công một số vị trí của Iran ở Syria. Do đó, Iran tập kích đáp trả, răn đe đối phương”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho hay.

Đồng quan điểm, Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho rằng, ngay sau khi Israel tấn công vào lãnh sự quán Iran ở Syria, đòn đáp trả của Iran đã được báo trước. Iran không thể không trả đũa, vấn đề ở đây là danh dự của nước này.

“Israel tấn công vào lãnh sự quán Iran ở Syria vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm độc lập chủ quyền và lãnh thổ của Iran. Bởi vì lãnh sự quán hay cơ quan ngoại giao của các nước được coi là lãnh thổ của nước đó”, ông Nguyễn Quang Khai phân tích.

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, việc Iran tấn công trã đũa Israel là điều dễ hiểu, vấn đề quan tâm là Iran sẽ đáp trả vào thời điểm nào. Iran đã chọn không kích vào thời điểm rạng sáng ngày cuối tuần, vào ngày lễ. Vào thời điểm đó, các cơ quan quốc phòng, cơ quan các nước khác không làm việc để tạo bất ngờ cho Israel, gây thiệt hại ít nhất cho dân thường và giảm thiểu phản ứng dư luận.

“Mục tiêu Iran nhắm đến trong cuộc tấn công là Cao nguyên Golan, gần biên giới Syria, Nevatim, Dimona, và Eilat, khu vực sa mạc Negev… thiệt hại ít, tránh phản ứng của Israel, các nước khu vực và dư luận quốc tế”, ông Nguyễn Quang Khai nói.

Hệ thống phòng không tại thành phố Ashkelon của Israel hoạt động sau khi Iran phóng tên lửa và UAV về phía Israel. (Ảnh: Reuters)

Iran coi cuộc không kích ngày 1/4 của Israel vào lãnh sự quán nước này ở Syria là cuộc tấn công vào chủ quyền lãnh thổ được bảo vệ theo luật pháp quốc tế. Lãnh đạo tối cao của Iran - Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố Israel sẽ “phải bị trừng phạt", trong khi Tham mưu trưởng quân đội Iran Mohammad Bagheri cảnh báo đòn đáp trả của Iran "sẽ được thực hiện vào đúng thời điểm, với độ chính xác và kế hoạch cần thiết".

Các chuyên gia cho rằng, căng thẳng ở khu vực Trung Đông hiện nay có yếu tố từ cạnh tranh nước lớn, cạnh tranh chiến lược giữa các bên như Mỹ, Nga, châu Âu và Trung Quốc.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, cả Iran và Israel đang bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh nước lớn ở khu vực, cụ thể ở đây là cuộc tranh giành, gây ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga.

“Quan hệ giữa Iran và Israel căng thẳng sâu sắc sau khi Nga lôi kéo Iran vào cuộc chiến ở Syria, thậm chí Iran cho Nga mượn căn cứ, phóng tên lửa qua lãnh thổ nước này vào Syria. Điều này báo hiệu khó tránh khỏi xung đột lớn giữa Iran và các nước trong khu vực”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho hay.

Các nước lớn như Mỹ, Nga, châu Âu, Trung Quốc đều có lợi ích chiến lược ở khu vực Trung Đông. Lợi ích chiến lược không dễ dàng từ bỏ và các nước này sẽ tìm cách duy trì điều đó trong bối cảnh hiện nay, lợi dụng xung đột, hay nói thẳng ra là “chiến tranh qua tay người khác” để đạt được mục tiêu của mình.

Khu vực Trung Đông có vai trò, vị trí địa chiến lược, là “vựa dầu” của thế giới, do đó các nước lớn sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực này. Nhiều nước muốn tìm kiếm lợi ích ở khu vực, tranh thủ “đục nước béo cò” trong bối cảnh xung đột bùng phát, bất ổn ở khu vực như hiện nay.

z5347797899512_89d8d913804311757c516cbdf850c4d3.jpg

Việc Iran tập kích tên lửa quy mô lớn nhằm vào Israel là hành động mang tính răn đe, trả đũa lẫn nhau.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân

Xung đột sẽ lan rộng?

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, một số xu hướng sẽ xuất hiện ở khu vực sau khi Iran tập kích tên lửa vào Isarel. Thứ nhất là xu hướng leo thang căng thẳng, xung đột lan rộng ra khắp Trung Đông. Tiếp đó là Mỹ sẽ can dự sâu vào tình hình khu vực.

“Tuy nhiên, Mỹ đang chuẩn bị bầu cử, đang can dự vào các cuộc xung đột lớn ở Ukraine, cũng như ở Trung Đông. Washington khó có thể tung lực lượng,  trút hết ‘vốn liếng’ mà họ đã thu nhặt được dưới thời Tổng thống Joe Biden để hỗ trợ Irsael vào thời điểm này. Mỹ sẽ tính toán thận trọng hơn, kiềm chế các đối thủ cũng như đối tác ở khu vực để xung đột không lan rộng”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Giáo sư Quân chỉ ra rằng, trong cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua, nhiều cử tri Ả Rập phản đối chính sách của Mỹ khi dung túng cho Israel trong cuộc chiến với Hamas ở Gaza. Giờ đây, nếu Mỹ can dự, tham gia sâu vào cuộc chiến với Iran ở khu vực thì phản ứng của cử tri người Ả Rập sẽ lên cao, gây ảnh hưởng lớn đến chính trường nước Mỹ.

Theo Giáo sư Nguyễn Hồng Quân, xung đột ở khu vực sẽ không thể lan rộng thêm sau đòn đáp trả của Iran vào lãnh thổ Israel. Đòn tấn công của Iran vào Israel là động thái giữ thể diện, cho thế giới biết rằng Iran phải “bảo vệ chân lý”.

“Irsael đang phải đối mặt với cuộc chiến ở Gaza. Cuộc chiến này đang bị thế giới lên án, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết ngừng bắn nhân đạo trong khu vực. Trong khi đó, Iran cũng sẽ phải kiềm chế trước tình hình hiện nay bởi quyết định đẩy căng thẳng leo thang trong xung đột với Israel không có lợi cho nước này, điều đó liên quan đến sự tổn vong của chế độ. Do đó, Iran cũng sẽ cân nhắc, kiềm chế trước khi đưa ra các quyết định tiếp theo”, ông Quân cho biết.

Tuy nhiên, tướng Quân cũng nhận định, Iran có thể sử dụng đồng minh thân cận nước này như các lực lượng Hezbollah, Houthi để quấy nhiễu Mỹ, Anh… làm cho khu vực Trung Đông luôn trong tình trạng bất ổn.

Iran từ lâu được cho hậu thuẫn "Trục Kháng chiến", gồm các nhóm dân quân vũ trang khắp Trung Đông như Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Gaza, nhằm chống lại lợi ích của Israel và Mỹ ở khu vực. Các nhóm này được cho là chịu ảnh hưởng lớn từ Tehran và nhận chỉ thị từ chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Theo nhận định của Đại sứ Nguyễn Quang Khai, tình hình xung đột sẽ chấm dứt ở đây. Từ sau đợt tập kích rạng sáng 14/4, Iran không bắn thêm tên lửa, trong khi Israel không có phản ứng trước các hành động đáp trả cụ thể.

Ảnh chụp trong quá trình Iran phóng tên lửa và máy bay không người lái hướng đến Israel. (Ảnh Press TV)

Thiếu tướng Mohammad Bagheri - Tổng Tham mưu trưởng quân đội Iran - Tehran không có ý định tiếp tục hoạt động quân sự nhằm vào Israel sau các các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào tối 13/4. Thế nhưng, vị này cũng cảnh báo nếu Israel có thêm bất kỳ hành động nào chống lại Iran thì các cuộc tấn công đáp trả sẽ càng lớn hơn.

Các nước đồng minh của Israel như Mỹ, Anh, Đức… lên án hành động của Iran, cam kết bảo vệ Israel song không có hành động mang tính kích động Israel đáp trả Iran. Mỹ cho rằng không nên đẩy căng thẳng leo thang, các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về vụ tấn công của Iran, Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định "cam kết sắt đá" trong đảm bảo an ninh cho Israel. Ông nói sẽ cùng các lãnh đạo phương Tây "phối hợp phản ứng ngoại giao đồng bộ" sau động thái của Iran.

Quan chức Nhà Trắng tiết lộ Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ sẽ không tham gia bất kỳ chiến dịch quân sự nào của Israel với mục tiêu trả đũa Iran và cũng không ủng hộ Israel trả đũa quân sự. 

“Quan hệ Mỹ và Israel có những rạn nứt thời gian qua. Mỹ phản đối Israel tấn công vào Rafah. Nếu bùng nổ cuộc xung đột mới thì Mỹ không ủng hộ. Dư luận trong nước này đang phản đối chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden ở Trung Đông. Điều đó là bất lợi cho chính ông Joe Biden và đảng Dân chủ trong bầu cử cuối năm”, ông Nguyễn Quang Khai phân tích.

Tình hình ở khu vực vẫn diễn ra bình thường. Cuộc sống của người dân ở Tehran và thủ đô ở các nước trong khu vực không có nhiều xáo trộn sau cuộc tập kích đáp trả của Iran vào lãnh thổ Israel. Nhìn chung, căng thẳng sẽ không lan rộng, Israel hiểu rằng nước này đang ở thế và sẽ càng bất lợi hơn khi phải dàn trải lực lượng, đối đầu trên các mặt trận cùng lúc.

Kông Anh

Tin mới