Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Huyền thoại Simson khiến 'tay chơi' thời bao cấp Việt mê mẩn giờ ra sao?

(VTC News) – Thời bao cấp, tay chơi Việt mê mẩn Simson vì chiếc xe này mang lại cho họ cái mác giàu có và “Tây học”.

(VTC News) – Thời bao cấp, tay chơi Việt mê mẩn Simson vì chiếc xe này mang lại cho họ cái mác giàu có và “Tây học”.

“Siêu xe” dành cho tay chơi

Thời bao cấp, nếu một chiếc quạt tai voi, quạt con cóc cũng được xem là gia tài thì một chiếc xe máy là tài sản của đại gia. Nếu Honda Super Cub 50 có giá vài cây vàng thì Simson (hay còn được gọi là mô kích) rẻ hơn hẳn. “Chỉ” cần bỏ ra từ 5 chỉ tới 1,2 cây vàng là người dân có thể sở hữu một chiếc Simson.

Rẻ hơn Cub 50 nhưng nếu xét về “chất chơi”, Simson hoàn toàn vượt mặt Cub 50. Cub 50 có lợi thế bền bỉ tiết kiệm xăng nhưng lại khá “hiền”, phụ nữ, người già, thanh niên,… đều có thể dễ dàng sử dụng Cub 50.

Trong khi đó, Simson lại chỉ phù hợp với những người cá tính mạnh. Vì vậy, rất ít khi người ta thấy phụ nữ lướt phố cùng Simson. Đa phần các tay lái đều là thanh niên, trai tráng.

Simson - "Siêu xe" một thời của tay chơi Việt 

Simson là thương hiệu xe máy nổi tiếng và phổ biến của Đông Đức. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, chủ nghĩa phát xít bị lật đổ, Simson được Liên xô tiếp quản. Dù vậy, trong trí nhớ của nhiều người, Simson vẫn là dòng xe của Đức.

Simson đã thành công với nhiều mẫu xe nhưng phải đến năm 1975 khi S50 ra đời, thương hiệu Simson mới bước sang một trang sử oanh liệt. Kể từ thập niên 70 của thế kỷ trước, cùng với S51, S70, mẫu xe S50 nhanh chóng nổi tiếng khi đến Việt Nam.

Thời bao cấp, Simson không được nhập khẩu theo đường chính ngạch mà về Việt Nam theo đường “xách tay”. Simson theo chân những người đi học tập hoặc lao động ở Liên Xô, Đông Đức, Tiệp Khắc về nước. Chính vì vậy, thời gian đầu, Simson khá khan hiếm.

Vừa khan hiếm, vừa đắt đỏ, vừa sành điệu nên Simson trở thành sản phẩm trong mơ của rất nhiều người, đặc biệt là các “tay chơi mũ cối”. Ngày đó, lướt trên Simson chẳng khác nào đang ngồi trên các xế sang giá bạc tỷ ngày nay.

Không bền bỉ như Cub 50, Simson thỉnh thoảng hay “đổ bệnh”. Tuy nhiên, do máy móc đơn giản nên Simson không quá khó chữa khi hỏng hóc. Và tất nhiên, chỉ thợ sửa xe hoặc các tay chơi mới trị bệnh cho Simson được. Đó là lý do Simson gắn liền với hình ảnh tay chơi thời bao cấp.

Bên cạnh đó, Simson khá cao to, hầm hố. Tiếng kêu của xe rất đặc trưng. Khi bắt đầu nổ máy, Simson kêu phạch phạch, đến khi rồ ga, xe lại kêu èn èn. Tiếng kêu của xe rất to, gây sự chú ý của người đi đường. Nhiều khi, xe đang ở đầu ngõ nhưng cuối ngõ, người khác đã nghe thấy. Đây là các đặc điểm chỉ phù hợp với những tay chơi.

Nếu không phải tay chơi, người có tiền nhưng thấp bé nhẹ cân vẫn cố điều khiển Simson trên đường phố được. Và lúc này, Simson giúp họ “khoe” được sự giàu có và cái mác “tây học”.

Vẫn còn đất dụng võ

Ngày nay, trên đường phố Hà Nội hay các thành phố lớn, Simson hoàn toàn vắng bóng. Thay vào đó là những “hàng hiệu” như Vespa, Liberty hay SH. Nhưng điều đó không có nghĩa Simson đã biến mất khỏi Việt Nam. Trên thực tế, dòng xe hầm hố đầy phong cách này vẫn còn đất dụng võ.

Và đất dụng võ chủ yếu của Simson chính là các huyện vùng cao. Xe có động cơ mạnh, giảm sóc êm ái rất phù hợp với địa hành gập ghềnh, trắc trở. Xe được các nam thanh niên miền sơn cước sử dụng để đi lại hoặc thồ hàng hóa.

Tuy nhiên, do ngày càng nhiều dòng xe xuất hiện nên trên các nẻo đường, Simson ngày càng hiếm hoi. Nhưng niềm đam mê chiếc xe cá tính này vẫn được nuôi dưỡng trong lòng một số tay chơi Việt – những người chưa bao giờ trải qua dù chỉ một giây phút của thời bao cấp.

Để hiện thực hóa đam mê, nhiều người đã tập hợp nhau lại để thành lập các câu lạc bộ Simson. Các câu lạc bộ Simson hoạt động ở nhiều tỉnh thành như Vĩnh Phúc hay cả thủ đô Hà Nội. Tại đây, Simson không chỉ đồng hành cùng các thành viên trên các cung đường mạo hiểm mà chiếc xe huyền thoại còn được đối xử như một vật báu.

Từ những chiếc xe Simson hỏng hóc nặng, thậm chí chỉ còn lại khung, những người đam mê thực sự đã mua thêm phụ tùng đắp vào xe. Kết quả là xe có thể tiếp tục lăn bánh trên đường cùng các thành viên của câu lạc bộ.

Bên cạnh đó, Simson cũng xuất hiện trong một số bộ sưu tập. Vì thế, trên thị trường xe ít được giao dịch như Cub 50. Trên các diễn đàn rao vặt, hiếm hoi lắm mới có thông tin bán xe Simson. Năm 2012, ít nhất ghi nhận một “thương vụ” đã thành công với mức giá 8 triệu đồng.

Bảo Linh

Nguồn:

Tin mới