Sau khi chính phủ Australia hủy bỏ 2 thỏa thuận mà bang Victoria của nước này ký với Trung Quốc liên quan đến Sáng Kiến Vành đai và Con đường, thỏa thuận cho thuê cảng Darwin giữa chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia với một công ty Trung Quốc đang trở thành tâm điểm tiếp theo. Nếu như việc hủy bỏ 2 thỏa thuận nói trên có nhiều thuận lợi thì với cảng Darwin lại không như vậy.
Một góc cảng Darwin, thuộc Darwin, thủ phủ vùng lãnh thổ phía Bắc của Australia. (Ảnh: Reuters)
Trong những ngày gần đây, chính phủ Australia chịu nhiều sức ép liên quan đến các yêu cầu hủy bỏ thỏa thuận cho thuê cảng Darwin mà chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia đã ký với một công ty của Trung Quốc.
Vào tháng 4/2021, Ủy ban An ninh Quốc gia thuộc Quốc hội liên bang Australia đã chính thức đề nghị chính phủ xem xét việc thỏa thuận này có đi ngược với lợi ích quốc gia của Australia hay không. Không chỉ các chính trị gia mà dư luận báo chí Australia thời gian gần đây cũng nhiều lần nêu lên ý kiến này.
Trước đó, trong một động thái bất ngờ, vào năm 2015, chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia đã thông báo về việc cho công ty Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm với giá 506 triệu AUD. Khi đó, chính quyền liên bang Australia cũng chỉ biết về quyết định này vài giờ trước khi thông tin được công bố rộng rãi.
Ngay từ khi thỏa thuận này được ký kết cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng, quyết định này làm tổn hại đến an ninh quốc gia Australia bởi cảng Darwin nằm ở cửa ngõ phía Bắc, nơi kết nối Australia với khu vực Đông Nam Á và nằm trong khu vực có nhiều căn cứ quân sự của Australia cũng như gần nơi đồn trú của binh lính Mỹ. Tuy vậy, việc ký thỏa thuận này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia nên không bên nào, bao gồm cả chính quyền liên bang Australia có thể can thiệp.
Kể từ khi Quốc hội Australia thông qua luật Quan hệ Đối ngoại vào cuối năm 2020 và gần đây là việc hủy bỏ thỏa thuận liên quan đến Sáng kiến Vành đai-Con đường mà bang Victoria ký với Trung Quốc, hợp đồng này lại một nữa được nhắc đến. Tuy vậy, không giống với thỏa thuận Vành đai-Con đường, chính quyền liên bang Australia chưa tìm được cách thức phù hợp để ứng phó với hợp đồng này.
Mặc dù không công khai khẳng định song rõ ràng việc một công ty Trung Quốc được trao quyền sử dụng cảng tại một địa điểm trọng yếu về an ninh quốc phòng là vấn đề mà chính quyền Australia rất quan tâm. Trên thực tế, dư luận nước này từng hy vọng, luật Quan hệ Đối ngoại mà Quốc hội vừa thông qua sẽ là cơ sở để chính quyền Australia có thể hủy bỏ thỏa thuận cho thuê cảng Darwin. Tuy nhiên thực tế lại không như vậy.
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne từng khẳng định rằng, hợp đồng cho công ty Landbrdge thuê cảng Darwin không nằm trong sự điều chỉnh của luật Quan hệ đối ngoại bởi hợp đồng này được ký giữa chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia với một công ty của Trung Quốc chứ không phải với chính quyền Trung Quốc hoặc các tổ chức có liên quan đến chính quyền Trung Quốc. Vì vậy vào thời điểm này, Bộ Ngoại giao Australia chưa thể hủy thỏa thuận cho công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin như cách đã làm với các thỏa thuận liên quan đến Vành đai-Con đường.
Cảng Darwin, Australia.
Trên khía cạnh kinh tế, chuyên gia luật John Garrick thuộc Đại học Charles Darwin việc phá vỡ hợp đồng cho thuê cảng Darwin với công ty Landbridge của Trung Quốc sẽ rất tốn kém. Bởi hợp đồng đã chỉ rõ, Australia sẽ phải bồi thường đến 500 triệu AUD nếu thỏa thuận bị hủy bỏ trước khi hết hạn từ 5 đến 6 năm. Trong khi đó, hiện nay, thỏa thuận này còn hiệu lực tận 96 năm.
Thỏa thuận cho thuê cảng Darwin là một thỏa thuận thương mại, vì thế, ông James Laurenceson, Giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ Australia-Trung Quốc bày tỏ lo ngại, nếu chính quyền Australia can thiệp vào một thỏa thuận thương mại thì có thể làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư vào Australia.
Không chỉ vậy, nếu thỏa thuận này bị hủy bỏ thì cũng được cho là sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc và khiến cho quan hệ giữa Australia với Trung Quốc vốn đang ở mức thấp nhất kể từ trước đến nay sẽ càng trở nên khó hòa giải. Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục trả đũa mạnh hơn cho hành động này, khiến cho nền kinh tế Australia gánh chịu thêm các thiệt hại.
Trong bối cảnh Australia đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch thì việc làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chỉ càng làm cho quá trình phục hồi trở nên chậm chạp và khó khăn hơn.
Chưa kể, từ lúc hợp đồng này được ký kết vào năm 2015 và cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền Australia vẫn không thể công khai khẳng định về những rủi ro về an ninh, quốc phòng của thỏa thuận đối với Australia.
Mặc dù vậy, ông ông Peter Jennings, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia cho rằng, Landbridge tuy là công ty tư nhân nhưng đang đóng góp vào việc “hiện thực hóa giấc mơ Trung hoa” khi cho biết, trong một đoạn video giới thiệu doanh nghiệp có phụ đề tiếng Anh phát hành năm 2019, công ty này khẳng định, “cảng Darwin là một trục hợp tác hàng hải quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường, góp phần đưa Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn”.
Vì lẽ này, ông Peter Jennings cho rằng, Australia có thể cân nhắc hủy thỏa thuận thuê cảng mà chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia đã ký với Landbridge.
Vì vào thời điểm hợp được ký kết vào năm 2015, Bộ Quốc phòng Australia và Cơ quan tình báo Australia đều đánh giá hợp đồng này không ảnh hưởng đến an ninh của nước này nên hiện tại, chính phủ Australia đang yêu cầu Bộ Quốc phòng, các cơ quan an ninh xem xét về vụ việc và cân nhắc có cần phải thay đổi quan điểm đã đưa ra trước đó hay không.
Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định, sau khi có đề xuất từ Bộ Quốc phòng và các cơ quan ninh, chính phủ nước này sẽ xem xét kỹ càng và đưa ra các hành động phù hợp.