Nhắc đến những cầu thủ tài hoa của bóng đá Việt Nam, chắc chắn không thể thiếu Nguyễn Hồng Sơn. Cựu tiền vệ của CLB Thể Công nổi tiếng về sự toàn diện. Anh hội tụ đủ các yếu tố làm nên ngôi sao bóng đá hàng đầu.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Năm 1987, Hồng Sơn bắt đầu được đôn lên đội B của CLB Thể Công. Anh cùng lứa với nhiều cựu danh thủ như Hải Biên, Tiến Dũng, Mạnh Dũng. Lứa cầu thủ này của Thể Công cũng được đánh giá cao về chất lượng và thực tế chứng minh nhiều người sau này thành danh nhờ nghiệp quần đùi áo số.
Cựu tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn trong một lần trả lời báo chí. Ảnh: Hải Đăng.
Bình luận viên Quang Tùng, người có nhiều trải nghiệm với đội bóng áo lính, khẳng định: "Đó là lứa cầu thủ mà xét thật kỹ cũng có 5-6 người đủ sức chơi ở đội một. Lỏng tay một chút, HLV hoàn toàn có thể nhặt đủ đội hình". Lời khẳng định của bình luận viên kỳ cựu này khẳng định một điều: Hồng Sơn được sinh ra với thế hệ cầu thủ tài năng.
Ở cấp độ đổi tuyển, Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh được coi là thế hệ vàng của bóng đá nước nhà, dù lứa cầu thủ này chưa giành được danh hiệu nào đáng kể. Tất nhiên, đặt vào bối cảnh bóng đá mới hội nhập, những tấm HCB SEA Games hay ngôi Á quân Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup hiện nay) là kết quả không hề tệ.
Đó là những yếu tố góp phần giúp Hồng Sơn trở thành tiền vệ tài hoa hàng đầu Việt Nam khi còn thi đấu và cho tới bây giờ cũng khó để chọn cầu thủ xuất sắc hơn anh. Tất nhiên, một phần quan trọng mang đến thành công đó đến từ chính nội lực của cựu cầu thủ này.
Hai lần nhận danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 1998 và 2000, cầu thủ hay nhất Tiger Cup 1998 hay danh hiệu cầu thủ hay nhất châu Á tháng 8 năm đó là những minh chứng rõ ràng cho tài năng của Hồng Sơn.
Điều đáng tiếc là thế hệ này sinh ra ở thời điểm khó khăn, bóng đá Việt Nam bắt đầu hội nhập. Hồng Sơn và đồng đội không thể có danh hiệu ở cấp khu vực dù nhận nhiều kỳ vọng sau những gì họ thể hiện.
Tài năng và ý chí phi thường
Ngoài những điều kiện về ngoại cảnh và khách quan, Nguyễn Hồng Sơn còn là cầu thủ tài năng thiên bẩm và bản thân anh cũng có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp.
Cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam giai đoạn 2001-2002 Edson Silva (Dido) từng để lại nhận xét về cậu học trò trước khi rời Việt Nam: "Nếu sinh ra ở Brazil, Hồng Sơn đã là một huyền thoại".
HLV Dido đưa ra phát biểu đó vào thời điểm Hồng Sơn đã là ngôi sao hàng đầu của khu vực và chuẩn bị bước vào giai đoạn "xế chiều" của sự nghiệp. Đặt trong bối cảnh là người đứng đầu đội tuyển quốc gia, có thể những lời có cánh đó là một phần trách nhiệm làm hài lòng người hâm mộ.
Hồng Sơn phô diễn kỹ thuật cá nhân trong một trận giao hữu trước sự trầm trồ của các đồng đội và khán giả hồi năm 2015. Ảnh: Minh Tùng.
Song, mặt chuyên môn, nhà cầm quân người Brazil có căn cứ nhờ những trải nghiệm với bóng đá đỉnh cao và sau thời gian làm việc với Hồng Sơn "Công chúa".
Điểm đặc biệt của anh so với nhiều đồng nghiệp thời đó là độ dẻo của cơ thể. Những lần ra sân khởi động, Hồng Sơn khiến không ít người phải trầm trồ với các động tác ép dẻo, giãn cơ. "Hồng Sơn xoạc chân, ép dẻo không khác gì các VĐV võ thuật hay thể dục trên sân bóng cả", BLV Quang Tùng khẳng định.
Hồng Sơn còn nổi tiếng bởi sự mẫn cảm với trái bóng. Những pha xử lý của anh trên sân luôn mang lại cảm giác hào hứng với những người theo dõi. Có thể nói, Hồng Sơn trên sân đang chơi đùa với trái bóng chứ không dừng lại ở mức nghề nghiệp thuần túy.
Theo BLV Quang Tùng, điều quan trọng là cựu tiền vệ này biết kết hợp những điểm mạnh đó và luôn rèn luyện có mục tiêu. "Sau khi chấn thương hồi năm 1996, 1997, anh ấy có thể xử lý bóng tốt bằng cả hai chân. Tất nhiên, không có nhiều những pha xử lý bằng chân trái trong một trận đấu, nhưng chỉ thế thôi đã đủ thể hiện đẳng cấp và cho mọi người thấy tầm quan trọng của nó", anh nói.
Hồng Sơn cũng được đánh giá cao về tính toàn diện, vừa có thể tung ra những đường chuyền "cắt tiết", lại cũng mang nhiều tính đột biến và có không ít những pha đi bóng dê dắt đầy cảm hứng. Có thể coi Hồng Sơn là hình mẫu lý tưởng của "số 10" trong suốt chiều dài 25 năm đã qua của bóng đá Việt Nam.
Hồi năm 2001, Hồng Sơn được chọn là đại diện Việt Nam tranh tài với nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới như David Beckham, Dwight Yorke, Rivaldo, Roberto Carlos, Juan Veron, Rui Costa, Marquez. Ở cuộc thi mang nhiều tính biểu diễn, Hồng Sơn cho thấy kỹ năng cá nhân qua từng phần thi kỹ năng chuyền bóng, tâng bóng cho tới dê dắt bóng.
BLV Quang Tùng, người trực tiếp tham gia sản xuất chương trình, chia sẻ: "Bỏ qua các yếu tố đặc thù của game show cũng như những yếu tố thương mại khác, việc Hồng Sơn đủ tự tin phô diễn kỹ thuật, tranh tài cùng những ngôi sao hàng đầu đã là điều rất đáng khen".
Vượt xa đàn em về đẳng cấp
Vài năm trở lại đây, Nguyễn Tuấn Anh của HAGL được nhắc đến nhiều với lối chơi lãng tử. Nhiều người nói cầu thủ sinh năm 1995 tài hoa bậc nhất bóng đá Việt Nam hiện nay.
Quang Hải cũng được nhắc đến nhiều không kém. Xuân Trường, Minh Vương hay nhiều tài năng trẻ cũng vậy. Song, so về đẳng cấp và tầm ảnh hưởng, khó có ai sánh kịp Hồng Sơn của những thập niên 1990.
"Hồng Sơn và Tuấn Anh chơi cùng vị trí, cùng lối chơi. Tuy nhiên, lúc này Tuấn Anh chưa thể hiện được tầm ảnh hưởng rõ ràng. Cậu ấy vắng mặt ở nhiều giải đấu quan trọng vì chấn thương. Xét về tầm ảnh hưởng, cá nhân tôi sẽ so sánh Hồng Sơn với Quang Hải", Ngô Quang Tùng đưa ra quan điểm.
BLV này chỉ ra điểm mạnh của cựu tiền vệ so với lứa đàn em là có thể cầm bóng đột phá và có những tình huống xâm nhập thực sự khiến người hâm mộ nức lòng: "Quang Hải cũng có thể làm như vậy. Song, cậu ấy yếu về thể hình và thường chuyền bóng nhanh trước sức ép của đối phương. Ngược lại, Hồng Sơn có thể tung ra những đường chuyền sắc bén, lại vẫn có lựa chọn cầm bóng đột phá với tính hiệu quả cao".
BLV Quang Tùng cho rằng để Quang Hải hay Tuấn Anh có thể vươn tới tầm của Hồng Sơn năm nào còn cần nhiều thời gian và điều may mắn là cả hai cầu thủ này còn trẻ. "Chúng ta hãy chờ tương lai trả lời. Lúc này, Hồng Sơn vẫn là tiền vệ hay nhất trong 25 qua", anh kết luận.
Đồng quan điểm với Ngô Quang Tùng, Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển khẳng định: "Nếu 25 năm trở lại đây, tôi thấy Hồng Sơn là cái tên xứng đáng nhất. Trên tiền đạo có Huỳnh Đức mà dưới tiền vệ có Hồng Sơn. Hai vị trí đó nhỉnh hơn so với tất cả anh em".
"Minh Phương hay Thành Lương đều có những điểm yếu. Một người thiên về phòng ngự, ít có những đường chuyền tấn công sắc bén. Người kia kỹ thuật khéo léo, nhưng không toàn diện như đàn anh".
Sau khi giải nghệ, Hồng Sơn từng có thời gian trở lại tái xuất khi CLB Thể Công gặp khó khăn về lực lượng hồi năm 2003, trước khi thử sức với nghiệp cầm quân ở các cấp độ trẻ. Về sau này, anh quyết định gắn bó với bóng đá cộng đồng cùng những dự án bóng đá học đường thay vì chịu áp lực thành tích của bóng đá đỉnh cao.
Có lẽ, đó là lựa chọn tốt cho anh bởi khi khi thi đấu, cựu cầu thủ này khiến người ta có cảm giác anh đang chơi bóng thay vì đá bóng.