Anh Nguyễn Hòa (trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, những ngày qua gia đình anh rất hoang mang khi được thông báo số tiền sử dụng đất (SDĐ) phải nộp để lấy sổ đỏ từ 350 triệu đồng lên 1,7 tỷ đồng.
“Chúng tôi được giải thích số tiền phải nộp cao như vậy là do áp dụng Quyết định 06 sửa đổi, bổ sung giá đất mới có hiệu lực từ ngày 11/2 của UBND TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, chúng tôi không bằng lòng với việc áp dụng khung giá đất mới này”, anh Hòa nói.
Người dân phản ánh việc áp dụng bảng giá đất mới của Đà Nẵng là quá bất ngờ đối với họ.
Theo anh Hòa, năm 1999, gia đình anh được bố trí lô đất tại khu tái định cư (TĐC) đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Sơn Trà và được TP. Đà Nẵng cho nợ tiền đất bằng cách quy ra vàng.
Tháng 12/2018, anh lên Văn phòng đất đai quận Sơn Trà hỏi để làm thủ tục nộp tiền thì được thông báo số tiền phải nộp là 350 triệu đồng. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, anh đến nộp tiền thì được thông báo số phải đóng đã lên tới 1,7 tỷ đồng.
Anh Hòa bức xúc cho rằng, thành phố áp dụng giá đất mới theo Quyết định 06 là không phù hợp về thời gian.
“Ngày 31/1/2019, UBND thành phố ban hành Quyết định số 06 sửa đổi bảng giá các loại đất và đến ngày 11/2 áp dụng là không hợp lý. Thời gian chớp nhoáng chỉ trong 10 ngày thì làm sao người dân chúng tôi có thể xoay kịp số tiền lớn như vậy?”, anh Hòa nói.
Anh Hòa nhẩm tính, lô đất gia đình anh được định giá khoảng 3 tỷ đồng (giá thị trường), nếu bán và nộp 1,7 tỷ đồng thì số còn lại không thể mua được lô đất khác chứ chưa nói đến chuyện xây nhà.
Tương tự, anh Quân (trú quận Sơn Trà) cũng bức xúc trước số tiền nợ quá lớn khi Đà Nẵng áp dụng bảng giá đất mới. Theo anh Quân, áp dụng bảng giá đất mới, số nợ của gia đình anh là gần 2 tỷ đồng chứ không phải mấy trăm triệu đồng.
“Chúng tôi không có thông tin gì về việc áp dụng bảng giá mới, mà chỉ khi đến văn phòng đất đai nộp tiền thì mới té ngửa. Quyết định ban hành ngày 31/1/2019, ngày 11/2 có hiệu lực là không hợp lý vì thời gian quá ngắn. Hơn nữa, đây lại là thời điểm trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên nếu người dân có tiền cũng không thể nộp vì chẳng có ai thu”, anh Quân nói.
Ông Huỳnh Luyến (trú tổ 19, Nại Thịnh Đông, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, trước đây nhà ông ở An Đồn, phường An Hải Bắc. Năm 1998, thành phố vận động giải tỏa để làm đường, xây cầu và gia đình ông được di dời về đây.
“Tôi được đền bù khoảng 11 hay 12 triệu đồng và được mua lại lô đất TĐC này giá 28 triệu đồng. Do không có tiền trả ngay nên nợ 100%, quy đổi ra vàng là 59 chỉ. Nhà có 60m2, theo giá quy định năm 2018 thì đất ở đây khoảng 2,5 triệu đồng/m2, số nợ tiền đất của tôi khoảng 150 triệu đồng. Bây giờ áp theo giá đất mới thì số nợ lên đến khoảng 1 tỷ đồng, tiền đâu mà trả?”, ông Luyến lo lắng.
Cũng theo ông Luyến, khu vực Nại Hiên Đông, số hộ dân nợ tiền đất TĐC hầu hết là hộ nghèo hoặc vừa thoát nghèo nên không thể trả nợ.
Rất nhiều hộ dân ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà còn nợ tiền sử dụng đất nhưng không có khả năng trả.
Số tiền nợ cao gấp 4 đến 6 lần đã khiến nhiều người quyết định “bỏ mặc” theo kiểu “muốn đến đâu thì đến”.
Anh Hiếu (trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, sau khi đọc được thông tin “Hơn 7.000 hộ dân bỗng trở thành con nợ” trên VTC News, anh mới hốt hoảng liên hệ văn phòng đất đai để hỏi. Anh được trả lời, số nợ theo giá cũ là khoảng 450 triệu đồng, giờ áp giá mới thì lên đến hơn 1,5 tỷ đồng.
“Số tiền đó gia đình tôi lấy gì mà trả cho thành phố? Thôi thì đành chấp nhận để đó, thành phố thu hồi đất thì cũng đành chịu chứ hết cách rồi. Hy vọng thành phố xem xét lại, đưa ra chính sách phù hợp hơn”, anh Hiếu nói.
Theo tìm hiểu, tại khu TĐC An Thượng, phường Mỹ An có hàng trăm hộ dân đang nợ tiền SDĐ TĐC rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hầu hết các hộ dân đều bày tỏ mong muốn chính quyền Đà Nẵng xem xét, đưa ra chính sách phù hợp để họ có thể thanh toán tiền.
Trả lời VTC News chiều 27/2, ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà cho biết, riêng địa bàn quận còn hơn 1.000 hộ dân nợ tiền SDĐ.
“Thực sự nhìn thấy hoàn cảnh của người dân như vậy rất tội nhưng quận cũng chịu. Phải chờ thành phố xem xét như thế nào chứ chúng tôi không thể làm khác”, ông Hùng nói.
Cuối giờ chiều 27/2, vẫn còn nhiều người dân đến bộ phận một cửa quận Sơn Trà hỏi về việc áp dụng giá đất mới.
Trước đó, ngày 25/2, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng cho biết, việc ban hành và áp dụng Quyết định 06 sửa đổi, bổ sung giá đất mới có hiệu lực từ ngày 11/2 của Đà Nẵng là đúng quy định.
“Về việc thông báo cho người dân để nộp khoản tiền nợ, thời gian nộp tiền sử dụng đất đã được quy định tại các điều khoản của Hợp đồng giữa người dân với Trung tâm Phát triển quỹ đất nên không thể nói là người dân không biết”, ông Hùng nói.
Theo số liệu của Trung tâm Phát triển quỹ đất, tính đến ngày 31/1/2019, tổng số hộ nợ tiền SDĐ là 7.189 hộ (gồm cả số hộ nợ quá hạn và còn trong hạn nộp chậm). Trong đó, số hộ nợ đất TĐC là 6.958 hộ với tổng số tiền 866,562 tỷ đồng.