Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hơn 4.000 hộ dân khốn khổ bởi 'siêu dự án' treo 27 năm của Bitexco

Đường sá xuống cấp, nhà cửa dột nát, đầm lầy nhếch nhác,... đó là những gì đã và đang diễn ra gần 3 thập kỷ tại "siêu dự án" Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư.

Khốn khổ trên “giấc mơ” của Bitexco

Sau gần 3 thập kỷ được phê duyệt, hiện "siêu dự án" Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn đang tiếp tục "treo". Sống trên "giấc mơ" của Tập đoàn Bitexco, hơn 4.000 hộ dân tại đây chỉ còn biết tự kiếm kế sinh nhai bằng cách đào ao thả cá, trồng lúa, nuôi gà... và chờ ngày được "giải thoát".

Theo ghi nhận của PV VTC News, toàn bộ phường 28 ở thời điểm hiện tại không khác nào những năm 90 thế kỷ trước: Đường sá xuống cấp trầm trọng, đầm lầy nhếch nhác, nhà cửa dột nát, nhiều căn chỉ che chắn tạm bợ bằng tôn và mái lá đơn sơ.

 Đường sá xuống cấp, nhà cửa dột nát, đầm lầy nhếch nhác,... đó là những gì đã và đang diễn ra gần 3 thập kỷ tại "siêu dự án" Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư.

Dọc theo các con đường đất nhỏ, vắt vẻo bên triền ao là hình ảnh những người dân mang hộ khẩu Sài Gòn đang khom mình mò cua, bắt ốc dưới ao. Đi thêm đoạn nữa, là đàn bò đang gặm cỏ, cạnh bên là những đứa trẻ mặt lấm lem bùn đất không khác nào bọn trẻ ở quê.

Có ai ngờ một bán đảo có vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, bao quanh là dòng sông Sài Gòn hiền hòa và kênh Thanh Đa yên bình là cuộc sống khốn khổ của 4.000 hộ dân đã kéo dài gần 3 thập kỷ.

Theo tìm hiểu của PV, với vị trí đắc địa nằm gần trung tâm thành phố và cửa ngõ lưu thông nhiều khu vực, hơn 27 năm trước, lãnh đạo TP.HCM đã muốn "biến" bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) thành khu đô thị hiện đại bậc nhất thành phố.

Và để hiện thực hóa giấc mơ đó, đầu năm 1992, UBND TP.HCM chính thức phê duyệt dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng diện tích khoảng 426,93ha (bao gồm toàn bộ phường 28).

Theo dự kiến, dự án sẽ được quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.

Theo các hộ dân phường 28, kể từ khi dự án được UBND TP.HCM phê duyệt, người dân vẫn chưa một lần được “nhìn thấy mặt” nhà đầu tư. 

Đầu năm 2004, TP giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sau thời gian dài giẫm chân tại chỗ, đến năm 2010, TP.HCM quyết định thu hồi, sau đó giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2000).

Đến cuối năm 2015, Liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn khoảng 30.700 tỷ đồng.

Từ một dự án bị quy hoạch treo hàng thập kỷ, gây bức xúc cho người dân, và rồi cái “bắt tay” giữa Bitexco với Emaar Properties PJS được xem như “luồng sinh khí mới” cho một dự án đã “đắp chiếu" hàng chục năm và sẽ đem lại kỳ vọng phát triển cho TP.HCM.

Bởi dự án có quy mô rất lớn cho nên nếu chỉ một nhà đầu tư trong nước thực hiện sẽ rất khó thành công và dễ bị sa lầy một khi tiềm lực kinh tế không đủ cung ứng.

Tuy nhiên, đến năm 2017, Công ty Emaar Properties PJSC bất ngờ rút khỏi dự án, “bỏ của chạy lấy người”, khiến cho một lần nữa tương lai của dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa lại rơi vào tình cảnh khó đoán định.

 Phía sau một bán đảo Thanh Đa yên bình là cuộc sống cùng cực, thiếu thốn của các hộ dân ở đây.

Và rồi, sau nhiều lần đổi chủ, hiện toàn bộ cư dân phường 28 vẫn đang khốn khổ, chật vật trên "giấc mơ" khu đô thị sinh thái bậc nhất của Bitexco khi không thể "nhúc nhích". Bởi dự án nằm trong khu vực đã có quyết định thu hồi đất nên việc phân lô, tách thửa, cấp phép xây dựng của người dân đều bị cấm.

Ông N.V.T (ngụ phường 28) bức xúc: "Chúng tôi ở đây không khác gì tù nhân đang hưởng án treo, nhìn qua tưởng không sao, nhưng tìm hiểu kỹ mới biết đang mang "án". Nói mang án cũng không ngoa ngoắt gì đâu, anh chị thử nhìn đi, giờ ở trên đất mình, nhà mình mà lại không được làm gì, không được khai hoang, không được xây nhà,... mọi thứ buộc phải để nguyên hiện trạng giống như năm 1992.

Mang tiếng dân Sài Gòn, có đất Sài Gòn nhưng anh chị nhìn chúng tôi đi, có khác nào thôn quê đâu. Dự án nếu không triển khai được thì bỏ đi, đừng kìm hãm sự phát triển của chúng tôi như thế này chứ. Chúng tôi quằn quại 27 năm là quá đủ rồi, xin thương chúng tôi, cho chúng tôi được làm ăn với". 

Theo các hộ dân phường 28, kể từ khi dự án được UBND TP.HCM phê duyệt, người dân vẫn chưa một lần được “nhìn thấy mặt” nhà đầu tư. Và cũng đã hơn 27 năm người dân vẫn chưa nhận được thông báo đo đạc, kiểm kê tài sản để thực hiện đền bù…

Những ngôi nhà lụp sụp, hư hỏng và tạm bợ là "hiện thực" của giấc mơ biến bán đảo Thanh Đa thành khu đô thị bật nhất Sài thành mà nhà đầu tư đã đề ra trước đó.

Ông N.C.M (ngụ phường 28) ngán ngẩm nói: “Anh chị thấy đấy, nhà cửa, đường sá đã xuống cấp. Việc này đã xảy ra từ nhiều năm nay, nhưng không ai dám xây dựng hay sửa chữa cơi nới được, gia đình đất rộng mênh mông mà xin làm nhà cho con cái cũng không được, muốn bán thì cũng không xong.

Mang tiếng sống ở Sài Gòn mà không khác nào ở vùng quê chậm phát triển. Nói quê chậm phát triển cũng không sai đâu, vì nhiều vùng quê bây giờ người ta cũng phát triển lắm, nhà cửa khang trang, đường sá thênh thang. Còn chúng tôi thì chỉ được cái mác, được cái gắn hộ khẩu là người Sài Gòn thôi, còn thực tế thì khốn khó vô cùng”.

Theo ông M., sự việc kéo dãi mãi cho đến khi UBND thành phố ban hành quyết định 27, thì quận Bình Thạnh mới cấp giấy phép xây dựng tạm cho một số người dân. Tuy nhiên, nhiều người cũng không dám bỏ số tiền lớn để xây nhà vì sợ một mai lại bị di dời về nơi khác.

“Dự án cứ treo hoài làm cho đất đai rơi vào tình trạng hoang hoá, không ai dám đầu tư lớn để làm trang trại vì đang trong vùng quy hoạch. Người dân ở đây cũng chẳng thể làm gì để ra kinh tế cả, thấy đất trống bỏ hoang phí, nhiều người bắt đầu trồng lúa, nuôi heo, chăn gà thả vịt đúng chât nông thôn”, ông M. than thở.

Đồng cảnh ngộ với ông M., bà H. - một hộ dân khác bức xúc: “Có đất cũng không biết để làm gì. Nếu làm thì làm sớm để người dân lấy số tiền đó đầu tư làm việc khác. Còn nếu không làm dự án thì phải trả đất lại cho dân làm ăn chứ đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm thế này mà chúng tôi chỉ biết ngồi nhìn chờ “đất chết” sao.

Một Sài Gòn "rất quê" được tái hiện tại dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.

Tự nhiên không đâu, nhẽ ra phải phát triển ngang hoặc vượt các khu liền kề rồi. Đằng này, bỗng vì một cái dự án hứa hẹn, chúng tôi phải rơi vào cảnh cùng cực vì không thể đầu tư, kinh doanh gì được".

Trả lời VTC News, ông Vũ Minh Giang, Chủ tịch UBND phường 28 cho biết, thời gian triển khai dự án cũng là vấn đề phường quan tâm và mong đợi nhất. 

"Hiện tại mong muốn lớn nhất của chúng tôi là sớm triển khai dự án, trong thời gian chờ quy hoạch thì cho phép sửa chữa. Cụ thể, đối với nhà nào hư hỏng quá nặng thì được sửa chữa theo hiện trạng ban đầu. Con việc phân lô, tách thửa thì do phường nằm trong quy hoạch nên không được phân lô, tách thửa. 

Trong các kỳ họp đại biểu, người dân đều lên tiếng. Đối với phường thì người dân cũng thông cảm thôi, vì phường cũng đã cố gắng hết sức nhưng không giúp gì được. Còn khi nào quy hoạch thì phường làm sao trả lời được", ông Giang thông tin. 

Thy Huệ

Tin mới