Năm 2020 được đánh dấu là năm đen tối nhất mà lịch sử ngành hàng không dân dụng từng đối mặt. Theo số liệu của Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA), dịch COVID-19 mang theo khoản lỗ khổng lồ tới 510 tỷ USD. Nếu để so sánh với khoảng thời gian hơn 10 năm về trước, cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và giá dầu tăng đột biến 2009 mới chỉ khiến hàng không thế giới chịu lỗ có 31 tỷ USD. "Về mặt tài chính, năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng", Tổng giám đốc IATA Alexandre de Juniac phát biểu trong một cuộc họp báo.
Khủng hoảng của ngành hàng không
Đó là thống kê chung trên thế giới, còn riêng tại Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng 2 con số thì năm 2020 quay đầu giảm mạnh. Sản lượng điều hành bay ước đạt 424 nghìn chuyến, giảm 548 nghìn chuyến so với cùng kỳ năm 2019. Hành khách thông qua các cảng hàng không ước đạt 66 triệu khách và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019.
Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Tác động của dịch COVID-19 đến Vietnam Airlines là vô cùng lớn. 9 tháng năm 2020 doanh thu của Vietnam Airlines giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2019, thâm hụt dòng tiền hơn 7.358 tỷ đồng. Ước thực hiện cả năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm hơn một nửa so với năm 2019, số lỗ hợp nhất vào khoảng từ 14.000 -15.000 tỷ đồng, dòng tiền thâm hụt khoảng 15.000 tỷ đồng”. Mặc dù thị trường nội địa có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên nhu cầu vẫn còn quá ít so với thị trường cung ứng. Giá buộc phải giảm mạnh, khó có thể bù đắp nhiều chi phí lớn như thuê mua, bảo dưỡng, sân bãi.
Nhìn về tương lai, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo dự kiến: Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) sẽ có 2 kịch bản phát triển cho ngành hàng không. Kịch bản thứ nhất, hàng không sẽ phát triển theo mô hình chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại. Kịch bản 2, hàng không sẽ phát triển mô hình Chữ U quy luật sẽ giảm xuống đáy và kéo dài từ 3-5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48-71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Xét theo kịch bản đầu tiên, Phó Cục trưởng Phạm Văn Hảo cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh. Về phía Vietnam Airlines, đại diện thương hiệu cho biết hãng đang đưa ra chiến lược tái cơ cấu tổng thể giai đoạn 2021-2025 về vốn sở hữu, tài sản, danh mục đầu tư cùng các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm hướng tới kế hoạch phục hồi hoàn toàn vào 2023.
Đòn bẩy từ các cổ đông
Nhằm ứng phó với đại dịch ngay từ những ngày đầu, Vietnam Airlines đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc cắt giảm, tiết kiệm chi phí; Đàm phán với đối tác về giãn, hoãn các khoản thanh; Giảm chi phí lao động, tiền lương; Vay ngắn hạn, bù đắp thiếu hụt nguồn lực; Cơ cấu lại nợ vay… Việc đảm bảo nguồn tài chính và dòng tiền lúc này đóng vai trò rất quan trọng trong việc gánh vác các chi phí cố định có tỉ trọng lớn.
“Rất nhiều hệ luỵ nhãn tiền sẽ xảy ra nếu hãng không được “cứu” kịp thời” - lãnh đạo Vietnam Airlines nói và chỉ rõ nguy cơ mất vốn nhà nước; Tàu bay có thể bị bắt giữ nếu không trả nợ đúng hạn; Chính phủ phải trả nợ thay đối với các khoản vay mua tàu bay được Chính phủ bảo lãnh; Các ngân hàng trong nước gặp khó khăn trong việc thu hồi các khoản vốn vay; Không còn hãng hàng không quốc gia, ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Vietnam Airlines đã có báo cáo kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu của Hãng với khoản vay quy mô tối thiểu 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của ngân hàng Nhà nước, thời gian vay tối thiểu là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ. Hãng cũng kiến nghị phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn nhà nước hoặc giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)/ doanh nghiệp nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước, quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng.
Đây đều có các phương án đã được Vietnam Airlines tính toán, cân nhắc thận trọng để đảm bảo tính khả thi, giảm áp lực cân đối thu chi cũng như giữ vững tỉ lệ quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu và các chỉ số tài chính khác. Được biết, sau khi phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng và vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng thì tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của hãng sẽ ở mức phù hợp hơn là 4,6 lần.