Trước khi cho học sinh nghỉ học hết tháng 2 để phòng Covid-19, tỉnh Bình Dương có thông báo học sinh đi học lại từ ngày 17/2. Nhận được thông báo, nhiều công nhân ở Bình Dương vội vã về quê đón con và hiện đang bị động khi không tìm được nơi gửi con. Họ đành tìm đến các dịch vụ trông giữ trẻ tại nhà, mặc dù biết không an toàn.
Những tờ rơi nhận giữ trẻ tại nhà trong mùa dịch được treo, dán khắp nơi.
Những ngày này, chị Vũ Thị Hải, công nhân Công ty TNHH Fotai Việt Nam tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đang phải “đau đầu” tìm chỗ gửi con. Chị Hải tâm sự, khi nghe Sở Giáo dục-Đào tạo Bình Dương thông báo cho học sinh nghỉ học hết tháng 2, gia đình cũng thở phào vì con được nghỉ ở nhà, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở nơi đông người.
Bên cạnh niềm vui cũng không ít lo lắng vì giờ đây không biết gửi con ở đâu để đi làm. Chị Hải buồn bã nói: “Mình chồng tôi đi làm không đủ nuôi 3 mẹ con. Cuộc sống xa quê rất khó khăn nên bắt buộc tôi phải gửi hai con cho một người quen ở khu trọ chăm sóc. Gửi ở đó, tôi không an tâm nhưng bây giờ cũng không thể đưa cháu về quê, bởi chi phí rất tốn kém”.
Lo lắng của chị Hải cũng là nỗi niềm chung của hàng ngàn công nhân lao động xa quê đến Bình Dương làm việc trong thời điểm này. Bởi họ không tìm được chỗ lí tưởng để gửi con, cũng như không nhờ cậy được người thân đến Bình Dương trông con trong suốt thời gian được nghỉ học. Trước nỗi lo của công nhân lao động, ở Bình Dương dịch vụ trông giữ trẻ tại nhà bắt đầu “nở rộ”.
Con công nhân tự chăm nhau khi ba mẹ đi làm.
Thời điểm này, một số cá nhân bắt đầu nhận trẻ để tổ chức trông giữ tại nhà riêng, hoặc phòng trọ, đặc biệt là ở các khu đông công nhân lao động. Các khu trọ ở phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương có rất nhiều điểm trông giữ trẻ tự phát.
Tại điểm giữ trẻ của bà Tư nằm trong khu dân cư Thuận Giao, thuộc phường Thuận Giao, chỉ với phòng trọ khoảng 12m2 nhưng đang nhận giữ 4 bé từ 3 đến 5 tuổi. Các em ngoài được cho ăn uống thì chỉ quanh quẩn trong không gian ẩm thấp, chật hẹp để chờ ba mẹ tan ca về đón. Bà Tư cho biết, trước đó bà từng làm nghề giữ trẻ nhưng đã nghỉ khá lâu, giờ thấy công nhân không có nơi gửi trẻ nên nên nhận giữ với giá từ 50.000 -70.000 đồng/bé.
Tìm đến Nhà ở xã hội Hòa Lợi, thuộc thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, nơi đông công nhân lao động ở khu công nghiệp V-SIP II, Đồng An II sinh sống. Ăn theo dịch Covid-19, rất nhiều bảng quảng cáo nhận giữ trẻ tại nhà được treo, dán khắp nơi. Liên hệ với một số điện thoại dán dưới bảng tin trong khu nhà ở xã hội, phóng viên được chủ nhà dẫn lên căn phòng nơi đang giữ 3 bé.
Chị Tưởng, chủ nhà cho biết, mình chị có thể nhận giữ khoảng 10 em theo ngày và theo tháng, một ngày cả kèm học chữ là 100.000 đồng bao gồm cả tiền ăn trưa và bữa phụ buổi chiều. Còn tại một điểm nhận giữ trẻ khác cũng ở trong Khu nhà ở xã hội Hòa Lợi của gia đình chị An, giá giữ trẻ khá “chát”.
Lướt trên các nhóm cộng đồng mạng xã hội, cũng có nhiều tài khoản facebook đăng thông tin cần tìm chỗ giữ con, nhận giữ trẻ. Những bài đăng thu hút nhiều sự quan tâm của công nhân bằng các bình luận hỏi thăm và cho số điện thoại, địa chỉ để liên hệ.
Ngoài một số nơi công khai nhận giữ trẻ vẫn còn các điểm lấy danh nghĩa là người nhà ở quê lên trông giữ bé nhưng thực chất là nhận giữ con cho công nhân, một nhóm tầm 5-6 bé. Các bé lớn tự chơi với nhau trước dãy trọ không mấy an toàn còn các bé nhỏ chơi trong phòng trọ.
Hiện nay, Bình Dương có hơn 1,2 triệu lao động, trong đó hơn 85% là người lao động đến từ các tỉnh. Khi học sinh nghỉ học điều công nhân lo lắng nhất là tìm chỗ giữ con, bởi không phải dễ dàng đưa con vào nhà xưởng vì quy định của công ty.
Lúc này, dịch vụ trông giữ trẻ tự phát giống như “cứu cánh” đúng lúc, kịp thời. Tuy nhiên, các cơ sở trông giữ trẻ tự phát không đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và trình độ giáo viên nên sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn cho trẻ.
Những điểm giữ trẻ tự phát không an toàn mọc lên đáp ứng nhu cầu giữ con của công nhân lao động.
Đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19 gây ra, Bình Dương cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2. Địa phương này cũng tăng cường phòng, chống dịch trong trường học bằng cách phun, xịt thuốc trong trường học để chuẩn bị đón học sinh; nhắc nhở phụ huynh lưu ý, quan tâm đến an toàn cho trẻ.
Tuy nhiên, nếu vì dịch bệnh mà học sinh có thể tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 3, chính quyền Bình Dương cần có giải pháp hỗ trợ trong việc bố trí cơ sở vật chất, nguồn lực để trông giữ trẻ.
Song song đó, có những biện pháp đảm bảo an toàn khu vực trông giữ trẻ, khi đó mới tránh những trường hợp trông giữ trẻ em tự phát, không đảm bảo điều kiện vệ sinh phòng dịch, nguy cơ lây lan dịch bệnh cho trẻ em. Có như vậy, công nhân lao động mới yên tâm làm việc, góp sức xây dựng Bình Dương ngày một phát triển.