Bị đồng nghiệp chơi xấu cũng kệ!
- Cha là nhà văn, mẹ là nhà thơ, bản thân Hiền Mai cũng học ngành Sư phạm Anh văn, từng du học ở Nga, hiểu một cách nào đó, gia đình chị có truyền thống trọng chữ nghĩa. Khi chị rẽ sang làm người mẫu, diễn viên, chị có được cha mẹ ủng hộ không?
Hoàn toàn không. Tôi vừa bước vào nghề người mẫu là gia đình đã cấm đoán rồi. Mỗi lần đi diễn, tôi phải nói dối là lên thăm bà nội, nhưng xui là ngay lần đầu tiên đi diễn, tôi đã được lên trang bìa của báo. Cả nhà biết nên nhăn nhó, chửi rủa. Nhưng sau đó, tôi vẫn chịu khó "đi thăm bà nội".
Gia đình sợ tôi làm nghề này dễ sa ngã nên mới cấm đoán nhưng cấm thì cấm mà hình tôi vẫn suốt ngày lên trang bìa. Một thời gian sau, ba má tôi chán quá bảo... muốn làm gì thì làm.
- Khi nào thì chị quen với những thị phi của nghề?
Như bạn biết, gia đình tôi có truyền thống về văn chương chữ nghĩa – một môi trường khá khép kín nên thời gian đầu mới bước vào môi trường cởi mở này, tôi bị ngại, không dám tiếp xúc với ai.
Tôi bị tự ti, ngồi kế ai đẹp đẹp là cảm thấy mình vô duyên, xấu xí, không dám nói chuyện. Mỗi lần đi diễn, tôi luôn mang theo cuốn sách để khỏi phải nói chuyện với người khác. Bởi vậy hồi đó, tôi bị mọi người ghét, chửi là "chảnh chó, làm như trong giới chỉ có mình nó đi học".
Nhưng mọi người không hiểu là do tôi bị ngại, không dám tiếp xúc chứ không phải coi thường mọi người. Sau này, khi đã quen, đi diễn nhiều hơn, tiếp xúc với nhau nhiều hơn thì tôi được rất nhiều người quý vì họ biết mình hiền.
- Ca sĩ Đoan Trường bảo, thế hệ người mẫu diễn viên ca sĩ thời xưa thương nhau nhiều hơn bây giờ, tình nghệ sĩ ấm áp hơn vì ít có ganh ghét, bon chen, giành giật. Chị có đồng tình không?
Không. Chuyện ganh ghét, hại nhau trong nghề người mẫu nhiều lắm. Thời nào cũng có và bản thân tôi cũng bị hoài. Tôi luôn được nhà thiết kế dành cho những bộ đồ đẹp nhất, ghi rõ tên Hiền Mai. Nhưng vì hay đi trễ, sát giờ diễn mới có mặt nên đồ của tôi toàn bị người khác lấy và chừa cho những bộ xấu xí.
Tính tôi hiền nên sao cũng được nhưng nhà thiết kế phản ứng "bộ này của chị Hiền Mai, sao em mặc". Cô đó bảo "em đâu biết, để bên chỗ em thì em mặc".
Có lần diễn ở Nhà hát Hoà Bình, chuẩn bị lên diễn thì tôi thấy quần của một cô bé người mẫu bị rạch nát hết phần mông. Tôi hoảng hồn kêu lên. Cô ấy vội vàng lao xuống thay đồ.
Mà cái nghề này, suốt ngày bị chơi nhau kiểu đó. Nhiều người ghét nhau tới mức thấy cũng không nói, để ra cho bị khán giả cười. Riêng tôi biết là la lên liền. Đó chính là lý do tôi được rất nhiều bạn bè và em út trong nghề thương. Tôi không sợ ai, không nịnh nọt ai, tôi sống rất thật tình.
Đi phim trường cũng thế, không phải vai ai người đó diễn đâu. Trên phim trường cũng có những sự đụng chạm ganh ghét nhau nhưng ít hơn nghề người mẫu.
Mẹ chồng, mẹ đẻ mâu thuẫn
- Chị là 1 trong ngũ đại mỹ nhân thập niên 90, người theo đuổi nhiều không kể hết, nhưng chị lại lấy chồng khá muộn, năm 36 tuổi. Tại sao vậy?
Đúng là người theo đuổi tôi nhiều lắm. Tôi cũng từng trải qua nhiều mối tình, thậm chí từng mấy lần hồi hôn chỉ vì không muốn lấy chồng.
Trước khi quen và lấy ông xã tôi bây giờ, tôi từng quen một người. Hai gia đình đã đặt thiệp cưới, đặt tiệc nhà hàng nhưng tôi hồi hôn. Huỷ cưới nên hai đứa giận nhau, chia tay nhưng vì còn thương nên quay lại. Không phải tôi không yêu người ta mà vì mình không muốn lấy chồng.
Anh cũng rất tế nhị, mỗi lần như thế đều nói với ba mẹ là do bản thân chưa muốn cưới chứ không nói tôi hồi hôn. Bởi vậy, gia đình anh rất thương tôi và trách con trai mình không tốt.
Nhưng vì vậy mà anh tự ái nên sau này mỗi lần hai đứa giận dỗi, anh lại lôi chuyện đó ra trách hờn. Tôi thấy hết vui nên chia tay luôn.
Sau đó tôi gặp anh Minh – ông xã tôi bây giờ. Trước đó, anh Minh theo đuổi nhưng tôi chưa đồng ý. Lúc tôi bị tai nạn tưởng chết, anh vào viện chăm tôi hàng ngày.
Lúc mình tệ nhất, mặt nát bét rồi mà người ta vẫn chăm sóc, vẫn mong lấy mình để đưa qua Mỹ chữa bệnh. Một người như vậy, một tình cảm chân tình như vậy làm sao không động lòng được.
Sau khi bình phục, tôi nhận lời. Thế nhưng mỗi lần anh Minh hỏi bao giờ cưới, tôi đều trả lời "cuối năm". Mấy cái "cuối năm" mà vẫn chưa cưới, anh Minh bảo "bao giờ em bảo cưới thì cưới chứ anh không hỏi nữa, mệt mỏi rồi".
Chúng tôi quen nhau 5 năm, mọi người giục quá, hối quá, lo lớn tuổi không lấy chồng có con thì sau này khó. Nghĩ tới chuyện con cái nên tôi gật đầu làm đám cưới. Anh cũng biết tính tôi quyết đoán, biết không thể cấm cản tôi theo nghề nên dù không không thích thì cũng không nói gì.
- Tại sao chị lại sợ kết hôn đến vậy?
Tôi cảm thấy đời sống hôn nhân nhà ai cũng mệt mỏi. Mình ở ngoài nhìn vào đã thấy oải thì làm sao còn muốn lấy chồng.
Trước khi lấy nhau, tôi nói thẳng với anh ấy rằng mình sẽ không qua Mỹ mà sống ở Việt Nam. Tôi còn có công việc và mẹ phải chăm lo, không bỏ đi Mỹ được. Nếu anh cảm thấy được thì cưới, không thì chia tay.
Anh chấp nhận bỏ công việc bên kia về Việt Nam sống với tôi, thất nghiệp một năm trời mới kiếm được việc làm trở lại. Đó là điều mà tôi trân trọng.
- Sau từng đó năm, nhìn lại cuộc hôn nhân của mình, chị thấy thế nào?
Khoan nói về vật chất, chỉ riêng tinh thần, tôi dám khẳng định là mình sung sướng. Tôi thích làm gì thì làm, thích đi đâu thì đi, thích gặp ai thì gặp. Tôi tự do tới như thế, sung sướng tới như thế nhưng nhiều lúc vẫn thấy oải, thì những người phụ nữ khác không biết nghĩ thế nào...
- Vậy là Hiền Mai quá sung sướng. May là chị không phải làm dâu?
Tôi không làm dâu nhưng tôi nuôi mẹ chồng hơn chục năm. Tôi nuôi cả mẹ đẻ và mẹ chồng trong nhà và tôi là người đề nghị ông xã mình điều đó.
Hồi mới cưới, ông xã tôi tính đưa mẹ về, thuê một căn hộ và người làm để lo cho mẹ vì sợ ở chung sẽ xảy ra chuyện. Chính tôi là người nói với chồng "anh cứ đưa mẹ về đây, em nuôi mẹ em được thì em sẽ lo cho mẹ anh được".
Mẹ chồng tôi là người Bắc di cư vào Nam rồi ra nước ngoài ở. Bà bị liệt nửa người phải chống nạng nên rất khó tính.
Ba mẹ tôi là người Nam tập kết ra Bắc rồi quay lại Sài Gòn. Đôi bên tư tưởng khác nhau, chỉ cần nói chuyện vài câu, bất đồng quan điểm là khó chịu ngay.
Hai đứa con mỗi người bênh mẹ của mình. Cũng vì hai bà mẹ mâu thuẫn nên vợ chồng tôi cũng suốt ngày gây lộn với nhau.
Tôi bị trầm cảm một thời gian dài, chiến tranh trong nhà căng thẳng tới mức vợ chồng tôi suýt ly dị.
Đến phút cuối, hai vợ chồng ngồi nói chuyện với nhau thì nhận ra rằng, đây là mâu thuẫn giữa hai bà mẹ chứ không phải từ hai vợ chồng. Bản thân hai người vẫn còn thương nhau.
Từ khi làm rõ như vậy thì cuộc sống mới đỡ, nếu không vợ chồng tôi đã bỏ nhau lâu rồi. Mệt mỏi lắm nhưng quan trọng là sau tất cả, mình vẫn đi cùng nhau. Tôi cũng thấy được rằng, ông xã nhường nhịn mình nhiều.
"Còn đi cùng nhau là vì còn tôn trọng và nhường nhịn nhau"
- Trong showbiz, những người còn giữ được hôn nhân một vợ một chồng không nhiều. Nhìn vào cuộc hôn nhân của mình và của nhiều đồng nghiệp khác, chị có suy nghĩ gì?
Vợ chồng là duyên nợ, còn sống được với nhau tức là còn duyên còn nợ. Một ngày hết duyên hết nợ thì đường ai nấy đi. Cuộc sống bây giờ có quá nhiều việc để mình phải lo lắng. Phụ nữ bây giờ không còn là phải nhịn nhục hay nghe lời đàn ông thì mới giữ được gia đình nữa. Phụ nữ ngày nay mạnh mẽ và độc lập.
- Chị có nghĩ, tính cách, quan điểm của mỗi người sẽ quy định số phận của người đó?
Chính xác. Ví dụ ngay bản thân vợ chồng tôi rất khắc khẩu. Vì vợ chồng khắc khẩu khiến cuộc sống rất mệt mỏi. Gặp nhau một hồi là gây lộn nhưng tại sao còn ở được với nhau là vì còn tôn trọng, còn nhường nhịn nhau. Nếu tôi là người coi cái tôi của mình là nhất thì chắc đã bỏ chồng từ 8 kiếp rồi.
Nhưng bên cạnh đó, tôi có một đứa con quá tuyệt vời. Tôi không muốn con mình khổ. Việc cha mẹ chia tay là cực chẳng đã. Hai người rồi ai cũng sẽ có người mới nhưng người khổ là con mình. Vì nghĩ được điều đó nên tôi dẹp hết cái tôi của mình xuống dù tôi là người tự ái cao.
Quan hệ vợ chồng là duyên nợ nhưng cũng còn do bản thân mình nữa. Nếu một ngày đẹp trời, mình nổi điên lên nghĩ, kệ đi, con lớn rồi nó tự biết lo cho nó thì con mình khổ.
Người lớn chia tay, khổ vài tháng, cao nhất là một năm rồi có người mới lại vui như Tết nhưng con mới là người bị tổn thương.
Diễn viên Hiền Mai
Người lớn chia tay, khổ vài tháng, cao nhất là một năm rồi có người mới lại vui như Tết nhưng con mới là người bị tổn thương. Nếu nghĩ về con cái, mình sẽ làm được nhiều việc mà bình thường tưởng chừng sẽ không bao giờ làm được.
- Nghĩa là vì con mà phải chịu đựng nhau?
Thật ra trong hôn nhân gia đình, nếu nói hai người không chịu đựng nhau là sai. Bất cứ cặp vợ chồng nào, dù hạnh phúc tới đâu thì cũng có những phút giây phải chịu đựng nhau, cũng có những lúc gây lộn và muốn bỏ nhau cho xong.
Điều quan trọng là mình nghĩ được thế nào và xử lý tình huống đó ra sao.
- Cái tôi quan trọng lắm, đẩy cái tôi của mình lên quá cao là hôn nhân tan vỡ ngay?
Đúng. Có những lúc mình nổi điên muốn đập phá tất cả. Mình đâu phải bánh bèo vô dụng. Mình có cuộc sống của mình, có tiền bạc, có danh tiếng, có địa vị của mình, việc gì phải mệt mỏi.
Nhưng người vợ có hạ cái tôi xuống hay không còn do người đàn ông có biết lỗi hay không. Đàn ông chỉ cần xuống nước xin lỗi thì phụ nữ sẽ bỏ qua, bởi bản chất phụ nữ rất dễ tha thứ.
Hôn nhân muốn đi được lâu dài là phải nhường nhịn nhau. Không nhường nhịn nhau là đứt liền. Tôi không tin có một gia đình nào hạnh phúc hoàn toàn, chưa từng gây gổ, bất đồng, mâu thuẫn.
Dĩ nhiên, để đi được với nhau là phải cố gắng từng ngày cho tới hết đời. Bởi thế tôi không bao giờ nói trước điều gì, còn giữ được gia đình lúc nào hay lúc đó, bởi chẳng ai biết trước ngày mai sẽ ra sao.
Ngay bản thân tôi bây giờ, tôi còn thương chồng là vì anh ấy toàn tâm toàn ý lo cho vợ con. Đi làm về, chỉ biết vợ con, không hề đi chơi riêng, không hề đàn đúm, rượu chè, dù địa vị và công việc của anh ấy suốt ngày tiệc tùng.
Tôi chưa bao giờ dám vỗ ngực nói gia đình mình hạnh phúc hoàn toàn. Tôi vẫn nói thẳng với anh ấy rằng: "khi ông chết đi mà không thấy đứa nào lại nhà xin nhận cha thì tôi mới tin ông đàng hoàng".
Cảm ơn chị đã chia sẻ và chúc gia đình chị mãi hạnh phúc!