Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hắt hơi liên tục là dấu hiệu của bệnh gì?

Hắt hơi xảy ra khi niêm mạc mũi bị tác động bởi các yếu tố kích thích: bụi, phấn hoa...

Hắt hơi là một phản xạ khó kiềm chế. Hắt hơi xảy ra khi niêm mạc mũi bị tác động bởi các yếu tố: thời tiết lạnh, chất kích thích (bụi, khói, phấn hoa…). Nhiều khi thời tiết sắp thay đổi cũng là nguyên nhân gây hắt hơi.

Người bệnh hắt hơi từng cái một hoặc từng tràng mang lại cảm giác rất khó chịu. Căn cứ vào triệu chứng của hắt hơi, bác sĩ có thể phân loại nguyên nhân do viêm mũi vận mạch hoặc viêm mũi dị ứng.

Khi khám lâm sàng thấy niêm mạc mũi của người bệnh thường phù nề, nhợt nhạt hoặc có màu tím nhạt, ngoài ra có thể có những khối gọi là polyp do sự thoái hóa của niêm mạc mũi vì bị viêm lâu ngày gây ra.

Hắt hơi liên tục có thể do nhiều nguyên nhân gây ra.

Vì sao hắt hơi liên tục?

Nguyên nhân gây ra hiện tượng hay hắt hơi còn có thể xảy ra khi niêm mạc mũi bị tác động bởi các yếu tố:

- Dị ứng: Hệ miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây hại như vi khuẩn gây bệnh. Khi bị dị ứng, hệ miễn dịch sẽ xác định những vật thể hay sinh vật này là mối đe dọa và cố gắng loại bỏ chúng ra cơ thể bằng cách hắt hơi.

- Các tác nhân kích ứng: do thời tiết lạnh, các dị nguyên (bụi, mùi hành tiêu cay, mùi nước hoa, phấn hoa…) hoặc ánh sáng mặt trời.

- Dị ứng vật nuôi: gặp cả ở người lớn và trẻ nhỏ có nguy cơ bị dị ứng với lông vật nuôi: chó, mèo… gây hắt hơi liên tục.

- Nhiễm trùng: Khi cơ thể nhiễm trùng do virus cảm lạnh và cảm cúm thông thường cũng gây ra hắt hơi.

- Tiếp xúc với khói thuốc: cũng là nguyên nhân gây hiện tượng hắt hơi liên tục do niêm mạc mũi bị kích thích.

- Một số nguyên nhân khác gây hắt hơi là: Chấn thương mũi; Ngừng dùng một số loại thuốc: thuốc giảm đau nhóm opioid.

Khi nào cần điều trị?

Nếu hắt hơi liên tục kèm theo ngạt mũi, dịch mũi chảy ra chuyển màu vàng xanh cần phải can thiệp điều trị sớm. Bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh điều trị triệu chứng và chống viêm nhiễm.

Hắt hơi liên tục nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm: viêm thanh khí - phế quản, viêm họng... Nếu uống thuốc điều trị, không có kết quả bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật nội soi.

Chẩn đoán và điều trị

Để chẩn đoán bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất và khám lâm sàng bằng cách quan sát mũi và cổ họng của bệnh nhân. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm dị ứng để tìm ra nguyên nhân gây bệnh

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ có nhiều biện pháp khắc phục:

- Nếu do dị ứng: Tránh xa tác nhân gây dị ứng; Sử dụng thuốc kháng histamin để giảm các triệu chứng đi kèm với hắt hơi, điển hình là hắt xì hơi chảy nước mũi liên tục; Bác sĩ có thể chỉ định tiêm ngừa dị ứng với những trường hợp dị ứng nghiêm trọng.

- Nếu do nhiễm trùng: hắt xì hơi liên quan đến cảm lạnh thông thường hoặc cảm cúm, cần: Uống nhiều nước; Để cơ thể nghỉ ngơi; Có thể sử dụng thuốc xịt mũi để làm giảm triệu chứng nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định uống thuốc kháng sinh hoặc kháng virus để điều trị. Tuy nhiên dùng thuốc cần theo đúng chỉ định của bác sĩ để ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh có thể xảy ra.

Lau dọn nhà thường xuyên để phòng bệnh.

Phòng ngừa hắt hơi liên tục

Có thể thực hiện một số thay đổi đơn giản trong nhà để giảm kích ứng, dị ứng như:

- Thường xuyên lau dọn, vệ sinh nhà cửa, hút bụi.

- Nếu có nuôi thú cưng rụng lông nhiều, nên chủ động chải lông hoặc cắt tỉa bớt, sử dụng các dụng cụ giúp lấy lông bám khỏi quần áo, ghế đệm…

- Vệ sinh giường nệm, chăn ga định kỳ để tránh ve rận, bụi bám.

- Giặt khăn tắm, khăn mặt trong nước nóng (thường trên 55°C) để khử khuẩn. 

- Có thể cân nhắc sử dụng máy lọc không khí để làm sạch không khí trong nhà.

- Nếu tình trạng hắt hơi nghiêm trọng cần phải kiểm tra môi trường sống và tìm bào tử nấm mốc.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh cảm cúm vì virus cúm có khả năng lây lan rất cao và nhanh chóng. Nếu như thấy người có dấu hiệu hắt hơi, ho cần hạn chế tiếp xúc và vệ sinh tay chân; Người bị bệnh nên hạn chế đi ra ngoài đường và tiếp xúc với mọi người. Nếu cần thiết đi ra ngoài, hãy đeo khẩu trang  khi tiếp xúc với người khác.

- Tránh xa khói thuốc lá và những nơi ô nhiễm môi trường cũng như tránh tiếp xúc với ánh nắng gay gắt.

- Ăn uống đủ chất; Uống đủ nước và vận động cơ thể hàng ngày để nâng cao đề kháng.

 

Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống

Tin mới