Trẻ bị teo thực quản bẩm sinh rất nguy hiểm nếu không được phẫu thuật sớm
Theo nguồn tin từ Bệnh viện nhi Trung ương, sau khi nhận được yêu cầu xin hỗ trợ chuyên môn của bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng về việc cấp cứu cho một trẻ sơ sinh mới 3 ngày tuổi bị teo thực quản bẩm sinh, Ban Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cùng khoa Ngoại đã lập tức cử ê-kíp lên đường.
Vượt qua hơn 1000km, đội ngũ bác sĩ đã đến và phẫu thuật thành công cứu bệnh nhi thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Đúng 6h sáng ngày 13/4, ngay khi đặt chân tới Bệnh viện sản nhi Đà Nẵng, BS Nguyễn Văn Linh và BS Đặng Hanh Tiệp (BV nhi Trung ương) lập tức kiểm tra, thăm khám và tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Sau ca mổ kéo dài hơn 2 tiếng, bệnh nhân được rút máy thở ngay, phổi tốt, khí máu ổn định. Hiện trẻ đã có thể bú mẹ bình thường, không sốt, sức khỏe ổn định.
BS Nguyễn Văn Linh (đứng giữa) cùng ê kíp BV sản nhi Đà Nẵng thực hiện ca phẫu thuật (Ảnh: BSCC) |
Theo BS Nguyễn Văn Linh, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi, teo thực quản là dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa khó và hiếm gặp. Nếu không được phát hiện và phẫu thuật kịp thời, trẻ có thể tử vong do viêm phổi cấp.
Để bảo vệ tính mạng của trẻ, điều quan trọng nhất là phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh. Các triệu chứng này xuất hiện ngay sau đẻ, bao gồm: dễ sặc khi ăn, sùi bọt cua ở miệng, khi bú có thể sặc vào phổi gây viêm phổi, khó thở… Ngoài ra, khoảng 30-50% trường hợp có thể được chẩn đoán sớm hơn, ngay trong giai đoạn thai kỳ bằng phương pháp siêu âm.
Bệnh teo thực quản bẩm sinh càng được chẩn đoán và phẫu thuật sớm thì tỷ lệ thành công càng cao. Nếu để muộn, trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp sẽ gây khó khăn cho việc phẫu thuật và hồi sức sau mổ.
Phẫu thuật mở ngực để khâu lỗ rò khí thực quản và nối thực quản cần được tiến hành sớm để tránh hiện tượng viêm phổi do trào ngược dạ dày thực quản vào phổi và sặc nước bọt.
Kỹ thuật mổ nội soi lồng ngực trong các trường hợp teo thực quản rất phức tạp, việc gây mê hồi sức cũng rất khó khăn do trong quá trình gây mê, một bên phổi của trẻ gần như không hoạt động.
Vị trí phẫu thuật lại có nhiều mạch máu lớn, thực quản đầu trên dính với khí quản khiến trong mổ có thể gây rách thành khí quản, nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện chưa có nhiều bệnh viện tại Việt Nam thực hiện được loại phẫu thuật nội soi này, nhất là đối với trẻ sơ sinh, vốn có yêu cầu cao về gây mê hồi sức. Hiện nay, tại bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành mổ nội soi cho các trường hợp teo thực quản bẩm sinh, giúp hậu phẫu nhẹ nhàng, bệnh nhân phục hồi sớm hơn sau mổ, ra viện cũng sớm hơn do không làm tổn thương các cơ hô hấp.
Bệnh nhân tự thở sau phẫu thuật (Ảnh: BSCC) |
Cha mẹ cần nhận biết sớm bệnh teo thực quản bẩm sinh ở trẻ
Những trẻ bị
teo thực quản
bẩm sinh có thể nhìn vẫn bình thường sau khi sinh, nhưng ngay khi bú lần đầu tiên, trẻ có thể bị ho sặc, thậm chí tím tái. Thậm chí, khi trẻ nằm yên hay ngủ, có biểu hiện đặc biệt là nước bọt trào ra xung quanh miệng liên tục, gọi là “sùi bọt cua”... thì mẹ cần chú ý và cho con đi khám.Nước bọt hoặc dịch dạ dày có thể theo đường rò đi vào phổi gây viêm phổi, nên trẻ có dấu hiệu tím tái, suy hô hấp (khó thở). Trẻ cũng thường bị trướng bụng từ các bẫy khí ở đường tiêu hóa.
Trong một số trường hợp, trẻ bị teo thực quản bẩm sinh có thể được chẩn đoán trước sinh nhờ siêu âm (với các triệu chứng đa ối, dạ dày thai nhi nhỏ hoặc không quan sát được dạ dày).
Teo thực quản là một dị tật nguy hiểm, dễ gây viêm phổi do sặc, suy hô hấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Điều trị bệnh teo thực quản bằng phẫu thuật cũng rất khó khăn vì đây là một cuộc phẫu thuật lớn ở ngực, trong khi trẻ mới sinh ra hoặc còn nhỏ, sức chịu đựng yếu, nhất là trẻ luôn có tình trạng viêm phổi trước mổ, thường hay xảy ra với trẻ sinh non, nhẹ cân.
Các biến chứng sau phẫu thuật có thể bao gồm: Rò miệng nối, mềm sụn thanh quản, hít dịch tái diễn, tổn thương dây thần kinh khí quản. Biến chứng muộn là trào ngược dạ dày thực quản, yếu khí quản, hẹp miệng nối....
Trong các biến chứng trên, rò miệng nối là biến chứng nguy hiểm nhất vì nó có thể gây ra nhiễm khuẩn, suy hô hấp, tràn dịch màng phổi... và đe dọa tính mạng của trẻ.
Để bảo vệ tính mạng những trẻ bị teo thực quản, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải hiểu biết để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, đưa con đi khám và điều trị kịp thời. Việc phẫu thuật sớm sẽ tránh được một số biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ.
Nguồn: TTVN