Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hành trình đầy nước mắt của người mẹ chạy chữa cho hai con nhỏ mắc bệnh y học 'bó tay'

Nhìn hai con bị bệnh hiếm, chị Mai chỉ ước mình thay vị trí cho con, thay con chịu những đớn đau của bệnh tật và thay con ra đi nếu có thể.

Ngồi thất thần, khuôn mặt mệt mỏi, người phụ nữ nắm chặt tay con nhỏ đang truyền thuốc trên giường bệnh. Tiếng khóc của đứa trẻ như xé lòng người mẹ trẻ. Trần Thị Mai mới ngoài 30 nhưng trông chị già hơn tuổi, suốt thời gian qua chị đã đi khắp Việt Nam chữa bệnh cho bé Thiên Phúc.

Ở đâu có hy vọng, ở đó có “Thiên Phúc”

Chị Trần Thị Mai kết hôn với anh Phan Văn Nam 11 năm nay. Cả hai là người Bắc, nhưng do cuộc sống khó khăn, nghề nghiệp không có, anh chị chấp nhận xa quê, quyết tâm vào Nam gây dựng sự nghiệp. Vũng Tàu là nơi anh chị bắt đầu một cuộc sống mới.

Thời gian đầu, chị Mai nhận công việc làm thuê cho các nhà cần người giúp, bất cứ việc gì chị cũng nhận lời làm. Còn anh Nam xin vào một cửa hàng rửa xe gần nơi ở. Sau này, do thu nhập bấp bênh, anh tự tìm và học nghề may nệm ô tô kiếm thêm. Hai vợ chồng mỗi tháng để ra được một khoản nhỏ để chuẩn bị sinh con.

Năm 2012, anh chị sinh một bé trai kháu khỉnh, tên là Phan Tiến Dũng. Được 10 tháng, chị Mai thấy con có những biểu hiện lạ như quấy khóc, mệt mỏi nhiều. Đưa con đi khám, chị Mai bàng hoàng khi biết Dũng bị “Rối loạn trữ thể tiêu bào" - căn bệnh hiếm, y học chưa có cách chữa trị. Cách duy nhất là truyền máu thường xuyên để duy trì sự sống bởi tình trạng của Dũng quá nặng.

Căn bệnh khiến Dũng phải truyền máu liên tục để duy trì sự sống.

Nghe tin, chị Mai ngất đi tỉnh lại không biết bao lần. Chị chỉ biết căn bệnh sẽ khiến cháu bị gan sưng to, lách to.

Năm 2017, sức khỏe của Dũng ngày càng yếu. Lúc này hai vợ chồng chị Mai sinh cháu thứ hai, tên Phan Thiên Phúc. Bé kháu khỉnh, trắng trẻo và lanh lợi. Chị Mai hàng đêm cầu trời giúp các con chị khỏe mạnh.

Nhưng hạnh phúc chẳng bao lâu, số phận cay đắng tiếp tục giày xéo gia đình chị. Năm 2018, chị Mai đưa Dũng đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) thăm khám, điều trị. Quá muộn để can thiệp vào tình trạng bệnh của Dũng. Nghiệt ngã hơn, Phúc, em trai Dũng cũng mắc bệnh như vậy.

Người mẹ chị gục ngã, khóc ròng rã không biết bao ngày. Trấn tĩnh lại, chị quyết định cuộc hành trình đưa con đi đến bất cứ nơi đâu để chữa bệnh cho Dũng. Bởi em mới phát hiện bệnh nên hy vọng sẽ cao hơn, thay vì ngồi một chỗ để chờ đợi số phận. 

Chị đi khắp nơi, nghe thấy ở đâu mách là chị tìm đến, từ Nam ra Bắc, từ miền núi Hòa Bình quê hương chị cho đến mảnh đất Vũng Tàu nơi chị sinh sống. Tất cả mọi phương pháp, từ châm cứu, bấm huyệt, thuốc Nam, thuốc Bắc, Đông y hay Tây Y chị đều thử qua.

Thậm chí, ngay cả một số bệnh viện quốc tế chị cũng đưa con đến khám. Nhưng mỗi một như vậy chỉ nhận cái lắc đầu của bác sĩ.

“Giờ tôi chỉ biết kéo dài hy vọng, trông chờ vào mỗi lần truyền thuốc cho con hàng tuần mà thôi. Mong con sống khỏe, trụ lại và có một phép màu nào đó giúp tìm ra thứ thuốc chữa giúp con được sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng thật khó…”, chị Mai vừa khóc vừa nói.

Người phụ nữ trẻ đưa con đi khắp mọi nơi với hy vọng chữa được khỏi bệnh.

“Một tay trên ngực mẹ, một tay ở trái tim con”

Sức khỏe của Dũng và Phúc ngày một yếu. Phúc do được can thiệp sớm và truyền thuốc hàng tuần nên có phần đỡ hơn. Còn với Dũng, căn bệnh hiếm khiến nội tạng của em đều bị phá hủy, em bị suy tủy, teo não, cơ khớp co cứng, không đi lại được, răng cũng rụng gần hết. Em cũng không thể nói vì lưỡi ngày càng co lại, chắn mất đường thở. Hàng tuần, để kéo dài sự sống, em được đưa đi truyền máu.

Từ ngày Dũng bị bệnh, hai vợ chồng chị chưa hôm nào được ngủ yên giấc. Dũng quá yếu, thở khó, nhất là về đêm, tai họa có thể ấp xuống bất cứ lúc nào cướp đi sinh mạng của em. Vì thế, chị Mai có đêm không dám ngủ, chị ngồi đó, lắng nghe hơi thở của con, một tay đặt lên ngực mình, một tay khẽ chạm nhẹ lên trái tim con. Nếu còn thấy tim “đập” nghĩa là đêm đó anh chị “còn được sống”.

“Tôi ước có cách nào đó mình được thay con chịu những đau đớn của bệnh tật. Hàng đêm, sức khỏe của con chính là giấc ngủ của mẹ. Một tay tôi đặt lên trái tim tôi, tay còn lại tôi chạm khẽ ngực con. Đêm nào con còn thở, là đêm đó tôi còn được sống…”, chị Mai kể lại.

Nỗi lòng người cha chưa một lần thăm con

Tháng 4/2019, nhận được sự trợ giúp của Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện có liên kết với nước ngoài hỗ trợ tiêm thuốc điều trị cho căn bệnh của hai anh em Dũng và Phúc, chị Mai đưa Phúc ra Hà Nội chữa bệnh, nuôi hy vọng.

Do bệnh quá nặng, Dũng dược duy trì bằng cách truyền máu hàng tuần tại Vũng Tàu. 4 người chia đôi, 2 ngoài Bắc, 2 trong Nam, bố mẹ con cái giờ phải xa cách tới hàng ngàn cây số.

Để có tiền điều trị, anh Nam phải làm tăng ca, việc chăm sóc Dũng, anh trông cậy cả vào bà con hàng xóm. Nếu hôm nào không có người, anh bất khả kháng đành phải thuê giúp việc, trả tiền công.

Hai anh em Tiến Dũng và Thiên Phúc.

Ngoài Hà Nội, ngoài số tiền thuốc hơn 100 triệu mỗi lần được Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ, thì khoản tiền phục vụ cho ăn ở, ngủ nghỉ cũng rất nan giải, thách thức số phận người phụ nữ nghèo xa nhà.

“Ban đầu hai mẹ con ở khu được tài trợ nên không mất tiền, giờ hết thời hạn nên tôi phải thuê trọ một căn phòng nhỏ gần viện để tiện đưa cháu đi truyền thuốc, đi lại ăn ở rất tốn kém. Không biết hai mẹ con trụ được bao lâu nữa”, chị Mai nói.

Từ ngày Phúc ra Hà Nội điều trị, anh Nam chưa một lần được thăm con. Dù rất muốn, nhưng điều kiện kinh tế không cho phép, anh và Dũng đành ở lại Vũng Tàu. Hàng ngày, không dưới 10 lần anh gọi điện hỏi thăm tình hình hai mẹ con. Mỗi lần như vậy câu đầu tiên anh đều hỏi: “Phúc có đau không con? Truyền thuốc xong có mệt không con? Cố lên con nhé?...”.

Người đàn ông kiên cường này thắt ruột mỗi khi nghe tình hình bệnh tật của con. Anh có quá nhiều hy vọng, hy vọng con được khỏi bệnh, hy vọng có thêm sức khỏe để chăm con và một ước muốn dù nhỏ nhoi là được ra thăm con mà chưa thành hiện thực.

Hai con bệnh nặng, cuộc sống kiệt quệ khiến người phụ nữ trẻ không cầm được nước mắt.

Gia đình chị Mai và anh Nam thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn. Hai con bị bệnh anh chị vay mượn anh em, bạn bè, hàng xóm số tiền lên tới 140 triệu. Số tiền đó với anh chị cũng như “muối bỏ bể”. Anh Nam phải vay cả chủ và ứng trước lương để có tiền mua thuốc cho con.

Nhìn con, anh chị chỉ biết khóc nhưng luộn dặn lòng phải mạnh mẽ. "Phải thật mạnh mẽ con mới có chỗ dựa vào. Nhưng thực sự hoàn cảnh của vợ chồng tôi quá éo le. Tôi nguyện được thay vào vị trí của con, thay con chịu những đớn đau của bệnh tật và thay con ra đi nếu có thể…”, chị Mai nghẹn ngào.

Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ:

Vợ chồng chị Trần Thị Mai và anh Phan Văn Nam

Địa chỉ:
- Hà Nội: Khu lưu trú 80 Chùa Láng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội.
- Vũng Tàu: Số 139/6A, Huyền Trân Công Chúa, P.8, TP. Vũng Tàu.

SĐT: 0985255710

Số TK: 0081001299357 - Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Vũng Tàu.

Chủ TK: Trần Thị Mai

Khả Minh

Tin mới