Chiều 20/10, Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, vào khoảng 11h cùng ngày, Lý Đình Vũ (37 tuổi, trú tại Bắc Ninh), nghi phạm thuê 2 kẻ chở dầu thải đổ xuống đầu nguồn, gây ô nhiễm nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà đến cơ quan công an đầu thú.
"Nghi phạm Vũ đến cơ quan công an trình diện sau gần 2 tuần bỏ trốn. Tại cơ quan công an, Vũ khai được một chủ doanh nghiệp thuê đổ chất thải", Đại tá Lương nói và cho biết, Công an tỉnh Bắc Ninh vừa bàn giao Vũ cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình để tiếp tục làm rõ vụ án.
Lý Đình Vũ ra đầu thú tại cơ quan công an.
Theo Báo cáo kết quả giải quyết vụ xả chất thải gây ô nhiễm môi trường xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, khoảng 21h30 ngày 8/10, tại đường giao thông liên xã Phú Minh - Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (thuộc xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến), nhóm người xả dầu thải xuống mặt đường và chảy xuống suối Trầm thuộc xóm Quyết Tiến, đến hồ Đầm Bài (nơi cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch Sông Đà).
Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các phòng nghiệp vụ chức năng Công an tỉnh, Công an huyện Kỳ Sơn tổ chức các hoạt động xác minh điều tra để làm rõ đối tượng xả chất thải nguy hại tại khu vực suối Trầm.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Hòa Bình chỉ đạo khởi tố vụ án hình sự về tội “Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại Điều 235 Bộ Luật hình sự năm 2015 để triển khai các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Chương Đại (trái) và Hoàng Văn Thám tại cơ quan điều tra.
Bằng các biện pháp nghiệm vụ, đến ngày 18/10, Công an tỉnh Hòa Bình tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Chương Đại (sinh năm 1994, trú xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (sinh năm 1986, trú tại xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) để điều tra hành vi “Gây ô nhiễm môi trường”.
Tại cơ quan điều tra, hai nghi phạm này khai nhận được Lý Đình Vũ thuê lái một ô tô tải từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ để lấy 10 thùng dầu thải, tổng dung tích khoảng 10m3.
Đại và Thám đi 110km về Công ty cơ khí cao su K90 (ở xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) để gửi xe.
Ngày 8/10, Vũ cùng Đại, Thám đưa 2 ô tô chở chất thải đến xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (cách gần 90km) để đổ, sau đó bỏ trốn.
Chính chất thải nói trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà. Sự việc khiến 250.000 người dân khu vực Hà Nội sống trong cảnh khốn khổ do sự cố nước máy sông Đà bị nhiễm bẩn.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục mở rộng điều tra, thu thập các tài liệu, chứng cứ để xử lý nghiêm theo quy định.
Dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà.
Liên quan đến việc xử lý sự cố nước nhiễm dầu, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho biết, dầu thải bị đổ trộm trên đường, cách hồ của nhà máy khoảng 3km. Mưa lớn khiến dầu tràn xuống khu vực cấp nước của nhà máy.
Ngày 9/10, nhà máy huy động dân và cán bộ dùng phao chuyên dụng ngăn dầu lan ra ngoài hồ. Ngày 10/10, nhiều hộ dân tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai... phát hiện nước máy sông Đà có mùi lạ và ngay sau đó, báo chí và cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ sự việc.
Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng Styren trong nước cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần.
Hơn 1 tuần sau, Công ty Nước sạch sông Đà bắt đầu đặt tấm lọc dầu xuống khu vực kênh dẫn nước vào nhà máy, đồng thời rải bột vi sinh vật "ăn dầu" để xử lý ô nhiễm.
Ngày 19/10, Sở Y tế Hà Nội thông báo kết quả xét nghiệm 4 mẫu nước của Nhà máy nước sông Đà và 15 mẫu nước của các hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp nước sông Đà, tất cả đều đạt ngưỡng an toàn.
Video: Người Hà Nội chi hàng trăm nghìn đồng mỗi ngày mua nước sạch