Việt Nam có khoảng gần 1 triệu người nhiễm viêm gan C mạn tính, trong đó, ung thư gan và xơ gan là 2 nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.
Đây là nhận định vừa được Tổ chức SCDI tại Việt Nam đưa ra nhân ngày Thế giới phòng chống viêm gan C 28/7 năm nay.
Virus viêm gan C lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con và qua quan hệ tình dục không an toàn. Tuy nhiên, virus này chủ yếu lây truyền qua đường máu và khả năng lây nhiễm của chúng là rất cao. Khoảng 55 - 85% người nhiễm virus viêm gan C sẽ tiến triển thành viêm gan C mạn tính.
Bệnh ít có biểu hiện ra ngoài nên rất nhiều người không biết mình mắc bệnh nếu không đi xét nghiệm, và đến nay cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh viêm gan C.
Sinh hoạt truyền thông về bệnh viêm gan C của một CLB đồng đẳng ở Hà Nội (Ảnh: Lê Thạch)
Thuốc điều trị viêm gan C thế hệ cũ ở dạng tiêm, thời gian điều trị kéo dài đến 12 tháng, nhiều tác dụng phụ, tỷ lệ điều trị khỏi chỉ ở khoảng 40 - 65% và giá thành lên đến hơn trăm triệu đồng cho một liệu trình điều trị.
Thế hệ thuốc mới có tên viết tắt là DAA (kháng virus trực tiếp) có tỷ lệ điều trị khỏi lên đến hơn 90%, ít tác dụng phụ và giảm thời gian điều trị cho đa số bệnh nhân xuống chỉ còn 3 tháng.
Tuy nhiên, vẫn còn rất ít người bệnh ở Việt Nam được điều trị bằng thuốc mới do giá thành thuốc vẫn còn ở mức cao - vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người dân, trong khi những loại thuốc này chưa nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả.
Theo số liệu từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trung bình chi phí cho một lộ trình điều trị 3 tháng cho bệnh nhân bị viêm gan C là khoảng 45 triệu đồng.
Trong thực tế, chỉ có khoảng 10% bệnh nhân viêm gan C sẵn sàng chi trả trên 10 triệu đồng/tháng cho quá trình điều trị, nghĩa là 90% bệnh nhân còn lại không có khả năng tiếp cận điều trị. Như vậy, chi phí 15 triệu đồng/một tháng đang vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người bệnh viêm gan C.
Video: Việt Nam đạt thỏa thuận mua thuốc viêm gan C giá rẻ của Mỹ
Mặt khác, phần lớn thuốc tại Việt Nam hiện nay là thuốc generic nhập khẩu từ Ấn Độ. Nhưng giá thuốc tại Ấn Độ hiện nay thấp hơn nhiều so với giá thuốc khi đến tay người bệnh ở Việt Nam.