Đây là một trong những giải pháp vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) tổng hợp thành văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trong văn bản, VABA đề nghị nhà nước tăng cường thúc đẩy sản phẩm du lịch cách ly tại cơ sở cư trú, phát triển những sản phẩm mang tính trải nghiệm du lịch tại chỗ, giúp du khách trong nước và ngoài nước tìm hiểu văn hóa, du lịch các vùng miền Việt Nam ngay trong thời gian cách ly tạm thời.
Đồng thời, từng bước mở cửa, nối lại đường bay quốc tế, chấp nhận cho khách nước ngoài vào Việt Nam khi có chứng nhận tiêm vắc-xin, đặc biệt là khách từ các quốc gia có lượng hành khách lớn hoặc có tiềm năng, đã kiểm soát được dịch bệnh cho hành trình Việt Nam và ngược lại như: châu Âu, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
VABA đề nghị mở cửa với du khách có "hộ chiếu vắc-xin". (Ảnh minh họa)
Cục Hàng không Việt Nam trước đó đã chỉ đạo phòng chuyên môn có liên quan nghiên cứu Chương trình IATA Travel Pass, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng nhằm sớm mở lại đường bay thương mại quốc tế hai chiều đi/đến Việt Nam.
IATA Travel Pass là ứng dụng mang tính toàn cầu, giúp xác định các yêu cầu của mỗi quốc gia đối với hành khách trong giai đoạn COVID-19, đảm bảo kết quả xét nghiệm của hành khách đáng tin cậy cũng như luồng thông tin bảo mật, nhất quán giữa các bên gồm chính phủ, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và hành khách.
Ứng dụng có thể vận hành ngay trên điện thoại với nhiều tính năng, dữ liệu như yêu cầu dịch tễ tại các quốc gia, danh sách các phòng thí nghiệm đạt chuẩn, lưu trữ kết quả xét nghiệm COVID-19 và chứng nhận tiêm chủng của hành khách. Ứng dụng cũng giúp kết nối những thông tin này với các chính phủ và hãng hàng không để thuận tiện cho công tác kiểm tra, quản lý.
IATA Travel Pass hiện đã nhận được phản hồi tích cực từ Chính phủ của hơn 70 quốc gia và đang được hơn 20 hãng hàng không thử nghiệm, trong đó có các hãng hàng không 5 sao như Singapore Airlines, Qatar Airways...
Ngoài việc xem xét nối lại đường bay quốc tế sớm, VABA cũng muốn đươc mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiêp hàng không; cho phép doanh nghiệp tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 -2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.
Các doanh nghiệp hàng không cũng kiến nghị Nhà nước gia hạn thời hạn nộp nhiều loại thuế, đồng thời tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường, giảm mức giá nhiều dịch vụ.
Theo VABA, ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, vận chuyển chuyên gia và hàng hóa. Trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66,6 nghìn khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019.