Hôm nay 4/9, theo thông báo của Philippine Airlines, công ty này đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11, Luật Phá sản của Mỹ tại một tòa án ở New York trong tuần vừa qua. Đây là một phần kế hoạch giúp hãng hàng không này tái cơ cấu lại các khoản lỗ, nhằm phục hồi trước những tác động của đại dịch COVID-19. Động thái này của Philippine Airlines được hậu thuẫn từ chính các công ty tài chính đã cho hãng này vay vốn.
Kế hoạch tái cơ cấu tùy thuộc vào sự chấp thuận của tòa án, giúp cho Philippine Airlines cắt giảm khoản nợ hơn 2 tỷ USD trong khi nhận được 655 triệu USD vốn mới theo Luật Phá sản. Hãng cũng sẽ giảm 25% quy mô đội bay và đàm phán lại các hợp đồng để trả lại một phần số máy bay đã đặt mua hoặc thuê trước đó.
Đệ đơn xin bảo hộ phá sản là cách duy nhất giúp Philippine Airlines tái cơ cấu lại các khoản thua lỗ do COVID-19 gây nên. (Ảnh: Asian Aviation)
Từ cuối năm ngoái, Philippine Airlines đã chuẩn bị cho việc tái cơ cấu lại trong bối cảnh ngành công nghiệp du lịch và lữ hành gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Đầu năm nay, hãng này cũng đã cho cắt giảm 35% số nhân viên.
Theo Chương 11, Philippine Airlines có thể tiếp tục hoạt động trong quá trình tái cơ cấu. Trước đó, công ty này đã tiến hành đàm phán với các bên liên quan để có thể thúc đẩy kế hoạch tái cơ cấu.
Tỷ phú Lucio Tan, chủ sở hữu của Philippine Airlines cho biết, đây là một bước đột phá mang lại thỏa thuận tổng thể giúp hãng hàng không chuẩn bị tốt hơn để thực hiện các sáng kiến chiến lược và duy trì các liên kết hàng không toàn cầu quan trọng của Philippines với thế giới.
"Kế hoạch tái cấu trúc cho phép hãng hàng không vượt qua tác động chưa từng có từ đại dịch toàn cầu đã làm gián đoạn các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, đặc biệt là hàng không và trỗi dậy mạnh mẽ hơn về lâu dài sau này", ông Lucio Tan nói.
Năm 2020, Philippine Airlines đã mất đi 75% lưu lượng khách do các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch COVID-19. Công ty này đã phải hủy hơn 80.000 chuyến bay, khiến doanh thu giảm 2 tỷ USD và buộc phải sa thải 2.300 nhân viên. Cổ đông lớn nhất của hãng đã "bơm" hơn 130 triệu USD tiền mặt khẩn cấp và một tài sản không mang tính chiến lược đã được bán với giá hơn 70 triệu USD.
Philippine Airlines hiện đang vận hành 21% chuyến bay so với trước đại dịch.
Năm 2020 đánh dấu năm thứ tư liên tiếp ghi nhận những khoản lỗ nặng nề của Philippines Airlines.