Tối 12/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822 - 2022) và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây, khẳng định, lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây là dịp thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại; tôn vinh, giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo di tích của Thành cổ Sơn Tây và những tiềm năng của thị xã Sơn Tây nhằm thu hút du khách thập phương về với vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “Đất hai Vua”, “Về Sơn Tây - về miền di sản”.
Từ đó, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, góp phần xây dựng thị xã Sơn Tây ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Cán bộ đảng viên và nhân dân thị xã tiếp tục nêu cao truyền thống cách mạng quyết tâm khơi dậy tiềm năng văn hóa thành sức mạnh nội sinh, phát huy ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển xây dựng thị xã Sơn Tây ngày càng giàu đẹp.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: TTXVN).
“Văn hóa là hồn cốt dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn. Với tư duy lấy văn hóa làm nền tảng, là tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển bền vững gắn với bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa, trọng tâm là phát triển du lịch, trong đó phát triển các mô hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tâm linh văn hóa và trải nghiệm trên cơ sở khai thác một cách hiệu quả tiềm năng về tự nhiên, văn hóa và kinh tế - xã hội”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến biểu dương thị xã Sơn Tây cùng các địa phương của Hà Nội, trong thời gian qua, đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di tích, văn hóa - lịch sử trên địa bàn, triển khai nhiều hoạt động, chương trình phát động du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, từng bước khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Nhấn mạnh theo quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây sẽ phát triển theo hướng trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội với chức năng đô thị văn hóa, lịch sử, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng: Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây và Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch là một hoạt động ý nghĩa, nằm trong chuỗi hoạt động của “Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài”, “Về Sơn Tây - về miền di sản”. Đây sẽ là một trong những tiền đề quan trọng nhằm khơi dậy tiềm lực to lớn cho sự phát triển của thị xã trong thời gian tới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: VGP).
Với sự phấn khởi, tự hào khi Thành cổ Sơn Tây tròn 200 năm tuổi, để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của thị xã nói chung và giá trị của Thành cổ Sơn Tây nói riêng, thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy, chính quyền cũng như toàn thể nhân dân thị xã hãy tiếp tục chung tay, góp sức với nhà nước gìn giữ, phát huy có hiệu quả giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây cũng như các di sản văn hóa trên địa bàn thị xã và coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển văn hóa - du lịch của Thủ đô trong thời kỳ mới; đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; chú trọng chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương quan tâm phối hợp cùng thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trên địa bàn Thủ đô và thị xã, đặc biệt khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển kinh tế du lịch và công nghiệp văn hóa; đưa thị xã Sơn Tây sớm trở thành trung tâm phát triển kinh tế du lịch, kinh tế đô thị của vùng xứ Đoài, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội; phấn đấu đến năm 2030, các di tích văn hóa tiêu biểu của Sơn Tây được nâng cấp là “Di tích cấp quốc gia đặc biệt”.
Trong khuôn khổ của buổi lễ, Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Kể chuyện xứ Đoài” diễn ra với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ.
Thành cổ Sơn Tây là một trong 4 trọng trấn bảo vệ Kinh thành Thăng Long. Theo Đại Nam nhất thống chí, Thành cổ Sơn Tây được hình thành từ năm Minh Mạng thứ ba (1822) để làm trọng trấn cho cả khu vực phía Tây thành Hà Nội. Đây là một trong 20 thành được xây dựng vào triều Nguyễn nhưng chỉ có duy nhất Thành Sơn Tây được xây dựng hoàn toàn bằng gạch đá ong - loại vật liệu đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ, lại rất sẵn có ở xứ Đoài.
Những sự kiện lớn của tòa thành liên quan cuộc chiến chống thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam cho thấy, thành là vùng “trọng địa” có chức năng che chở, bảo vệ cho đồng bằng và trung du Bắc Kỳ; đồng thời là “bàn đạp”, hậu cứ cho biên cương Tây Bắc.