Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hà Nội: Hoài Đức sắp lên quận, giá đất rục rịch tăng

Thông tin huyện Hoài Đức (Hà Nội) sẽ lên quận vào năm 2020 làm giá đất tại khu vực này rục rịch tăng giá.

Thông tin huyện Hoài Đức sẽ thành quận vào năm 2020; huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025 khiến giá đất tại các khu vực này bắt đầu có xu hướng tăng. 

Khảo sát nhanh của PV cho thấy, tại khu vực huyện Hoài Đức, đất ở thị trấn Trạm Trôi nằm trong khu dân cư, đường ô tô vào được có giá 38 – 42 triệu đồng/m2; phía mặt đường lên tới 60-70 triệu đồng/m2. Mức giá này cao hơn so với hồi tháng 6 khoảng 3%.

Một lô đất khác tại thôn Thụy Ứng, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng có sổ đỏ, diện tích 80m2 được bán với giá 35 triệu đồng/m2. Trong khi đó, hồi tháng trước, lô đất này có giá tầm 30 - 32 triệu đồng/m2, chứng tỏ giá rao bán mới nhích lên.

Đất Hoài Đức rục rịch tăng giá. (Ảnh minh họa: Internet)

Giá đất ở An Khánh cũng tăng khá mạnh. Giá đất trong ngõ trước đây khoảng 26 triệu đồng/m2. Nhưng chỉ sau 4 tháng lên 30 triệu đồng/m2.

Một số khu vực khác như Song Phương, Vân Côn… cũng ghi nhận mức tăng giá đối với đất thổ cư. Chẳng hạn, tại Song Phương, đất ngõ hiện được chào bán phổ biến ở mức 16,5-17 triệu đồng, tăng khoảng 1 triệu đồng/m2 so với hồi đầu năm.

Còn tại thị trấn Trạm Trôi, giá đất thổ cư đang neo ở mức cao và đa dạng. Thực tế, các lô đất mặt đường ở khu vực này có giá cao từ nhiều năm gần đây, giao dịch ghi nhận mức từ 150 triệu đến gần 200 triệu đồng/m2 đối với một số lô đất. Theo thông tin từ các văn phòng nhà đất, hiện giá đất Trạm Trôi có tăng nhưng không đáng kể, khoảng 5-10% so với cuối năm 2018.

Tuy nhiên, giá tại khu liền kề dự án Kim Chung Di Trạch hầu như vẫn “dậm chân tại chỗ” từ sau khi thị trường BĐS rơi vào khủng hoảng. Các căn đường 17m có giá 24-27 triệu đồng/m2.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Công ty TNHH CBRE Hà Nội, cho rằng đây không phải là lần đầu tiên đất nền dự án ở khu vực này sôi động. Hoạt động giao dịch, đầu tư có khoảng 10 năm trước, khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội.

Thời điểm đó, người dân hào hứng khi sáp nhập vào Hà Nội khiến thị trường có những lúc “nổi sóng”, giá cao ngất ngưởng, nhưng thực chất hạ tầng vẫn chưa được hoàn thiện. Tuy nhiên, thị trường BĐS hiện khác so với cách đây 10 năm, có hạ tầng phát triển hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, nhu cầu mua BĐS để ở và nghỉ dưỡng của người dân gia tăng rõ rệt. 

Tuy nhiên, bà An cũng cảnh báo, cùng với những thuận lợi thì luôn có rủi ro nhất định đối với những khu vực nằm xa trung tâm thành phố, những khu vực lân cận có tiện tích chưa đầy đủ.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cũng cho rằng, bài học đất nền Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong vẫn còn “nóng hổi”. Khi chưa có quy hoạch cụ thể, các nhà phát triển BĐS, nhà đầu tư nhảy vào rất nhanh và không theo một quy hoạch nào cả. Vì không có quy hoạch, chính quyền địa phương cũng lúng túng, không kiểm soát được, từ đó rất nhiều dự án không có giấy phép, không có phê duyệt cũng phát triển.

Đồng thời, địa phương cũng không có biện pháp ngăn chặn sự bùng nổ, sau khi thấy có vấn đề sai phạm mới dừng lại.

Chính vì thế, theo ông Đính, chính quyền cần có sự kiểm soát chặt chẽ, có quy hoạch một cách cụ thể và trên quy hoạch đó, phải có công bố thông tin về các dự án đầu tư, phát triển kinh tế, phát triển đất đai. Từ đó, nhà đầu tư mới có thông tin để xác định xem đang đầu tư vào dự án chuẩn hay không chuẩn.

Ngọc Vy

Tin mới