Giữa lúc dịch bệnh corona ngày càng "nóng", giá khẩu trang tại nhiều địa phương bị đẩy lên gấp 5-7 lần, thậm chí có nơi bán một hộp khẩu trang 50 chiếc với giá 500.000 đồng (gấp 10 lần bình thường). Để bình ổn thị trường, dẹp tình trạng trục lợi trên nỗi hoang mang của người dân, lực lượng quản lý thị trường đã nhanh chóng vào cuộc, xử lý hơn 1.000 cơ sở tự ý tăng giá khẩu trang y tế, bán hàng không niêm yết giá theo quy định. Tại Hà Nội, nhiều quầy thuốc tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc Hapulico (quận Thanh Xuân) cũng bị phát hiện sai phạm và xử phạt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây chỉ đạo sẽ rút giấy phép kinh doanh các cửa hàng, hiệu thuốc tăng giá khẩu trang, thiết bị y tế. Các cơ quan chức năng như: Quản lý thị trường, Bộ Y tế... cũng khẳng định sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo trên, bằng cách kiểm soát gắt gao hơn.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, tại Hapulico, gần một nửa các quầy thuốc lập tức treo biển "không bán khẩu trang, nước rửa tay, miễn hỏi" với lý do đưa ra là không có hàng. Thậm chí, khi khách hàng hỏi mua, không ít nhân viên bán hàng không trả lời mà chỉ vào biển đã để trên kệ.
Tương tự, trên đường Ngọc Khánh (Ba Đình), nhiều cửa hàng treo biển hết hoặc không bán khẩu trang, nước rửa tay khô hay cồn 70 độ dùng sát khuẩn... Nhiều nhân viên khẳng định "chưa biết khi nào mới có hàng lại".
Đáng nói là, trên mạng xã hội đang bàn tán về dòng trạng thái kêu gọi các nhà thuốc "đoàn kết, không nhập khẩu trang và bán khẩu trang" của một nhóm kinh doanh được cho từ chợ thuốc Hapulico. Theo người đang status này, trong khi điểm kinh doanh khác bán khẩu trang giá 35.000 đồng một chiếc (350.000 đồng cho 10 chiếc khẩu trang), lực lượng quản lý thị trường không kiểm tra mà "cứ nhà thuốc nhỏ lẻ úp". "Chúng ta chung sức không nhập không bán nhé...", người này kêu gọi các thành viên khác trong nhóm.
Chính điều này làm dấy lên nghi vấn các nhà thuốc đang cố tình không bán khẩu trang, các thiết bị y tế cho khách hàng, nhằm tỏ sự phản ứng trước động thái của cơ quan chức năng. Nghi vấn này làm dư luận lập tức bức xúc. "Nếu điều này đúng là sự thật thì thật là nhẫn tâm. Cách kinh doanh này cần phải loại ngay khỏi cộng đồng. Khi mà cả xã hội đang hoang mang vì dịch bệnh, cùng nhau bảo vệ mình và cộng đồng thì lại có một bộ phận coi đó là cơ hội để trục lợi. Đó là điều không chấp nhận được. Và bây giờ, khi mà bị chỉnh đốn hành vi sai trái đó thì lại phản ứng, quay lưng lại với lợi ích của cộng đồng. Điều này càng không thể chấp nhận", chị Thanh Mai ở Cầu Giấy Hà Nội bức xúc nói.
Trên mạng xã hội, dòng status trên cũng được chia sẻ nhiều và phần lớn đều bị cư dân mạng "ném đá", bày tỏ sự bất bình, lên án.
Một số hình ảnh tại chợ thuốc Hapulico sáng nay (3/2):
Trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapu, nơi cũng cấp thuốc và các thiết bị y tế lớn nhất miền Bắc nhiều ngày qua chứng kiến cảnh người dân chen lấn đổ xô đến hỏi mua khẩu trang, nước rửa tay để phòng virus corona.
Nhưng hôm nay, khách hàng dù vẫn đông người đến hỏi nhưng phần lớn không thể mua được.
Nguyên nhân là quá nửa số quầy hàng tại đây trưng biển "không bán khẩu trang và nước rửa tay".
Nhiều cửa hàng còn nhấn mạnh là "xin đừng hỏi".
Nhân viên cửa hàng này cho hay, do mỗi ngày có vài trăm lượt khách hỏi nên phải đề biển như vậy cho đỡ mất thời gian trả lời.
Một dược sĩ tại đây thông tin: "Thực ra thời điểm này không còn hàng để bán, nhiều cơ sở đầu mối giao toàn hàng tồn, hàng cũ với giá cao nên cửa hàng của tôi không thể nhập được. Giờ nhập về bán với giá thấp thì lỗ, bán với giá cao thì bị phạt, thậm chí rút giấy phép nên tốt nhất là không bán".
Khẩu trang và nước sát khuẩn là hai mặt hàng khó kiếm nhất tại thời điểm này ở chợ thuốc Hapu.
Với những gian hàng không treo biển khi được hỏi về khẩu trang và nước sát khuẩn cũng nhận được những cái lắc đầu từ người bán.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, sau khi triển khai quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, hiện tượng tăng giá khẩu trang y tế và các sản phẩm sát trùng đã giảm rõ rệt.
Hiện, việc các cửa hàng đồng loạt treo biển không bán khẩu trang đang bị nghi là hành vi cố tình, nhằm phản ứng lại sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Trước tình hình này, trả lời báo chí, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra các nhà thuốc, cửa hàng bán vật tư y tế treo biển cố tình không bán khẩu trang, nước sát khuẩn để xác minh thông tin. Nếu phát hiện trong kho vẫn còn hàng nhưng nhà thuốc không bán sẽ xử theo quy định pháp luật.