Việc doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (viết tắt - EPR) là một trong những hướng đi hiệu quả để giảm rác thải nhựa, góp phần bảo vệ hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người.
EPR được thiết kế dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm việc thu gom, xử lý (vận chuyển, phân loại, tháo dỡ, làm sạch...), tái sử dụng, thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng), tiêu hủy rác thải, thay vì chỉ có vai trò sản xuất đơn thuần.
Chia sẻ với VTC News, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh (Hiệp hội Nhựa Việt Nam) nhấn mạnh, việc thực hiện EPR ở Việt Nam là một thách thức do những vướng mắc về cơ chế, chính sách, cũng như khó khăn của doanh nghiệp và các công ty tái chế ở Việt Nam hiện nay.
- Những năm vừa qua, các doanh nghiệp tại Việt Nam đầu tư thế nào cho việc tái chế, giảm thiểu chất thải nhựa cho môi trường?
Trong 30, 40 năm sau đổi mới, người dân và doanh nghiệp chủ yếu quan tâm đến chuyện cơm ăn áo mặc, tiêu dùng hay phát triển tăng trưởng. Sự quan tâm dành cho rác thải sau tiêu dùng rất ít. Nền tảng để phục vụ ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam chưa mạnh.
Đơn cử để thu gom, tái chế chúng ta cần có quy định từ khâu thiết kế sinh thái đến khâu sản xuất và tiêu dùng đặc biệt là thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tiếp sau đó cần cơ chế, chính sách hỗ trợ tái chế rác thải và xây dựng thị trường cho sản phẩm tái chế. Tuy nhiên, hiện nay những yếu tố kể trên đều không có, hoặc có nhưng lại yếu và thiếu.
Như vậy, ngành công nghiệp tái chế trong nước không có nhiều điều kiện để phát triển. Việc tái chế chủ yếu được thực hiện bởi các làng nghề, hộ gia đình, điều này khiến việc tái chế, xử lý rác thải không đảm bảo làm sạch môi trường, cũng không cập nhật được tiên tiến khoa học công nghệ để cải thiện hiệu quả.
Ở Việt Nam, có hàng nghìn làng nghề tái chế, nhưng chưa có những hướng dẫn cụ thể hay chính sách hỗ trợ để giảm ô nhiễm môi trường.
Ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam nói chung và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nói riêng với rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đều là khái niệm non trẻ, cần những chính sách cùng tư duy đổi mới để phát triển, thay vì liệt kê rằng doanh nghiệp đã, đang làm được gì.
Người dân thu gom, tái chế nhựa ở làng Xà Cầu (Hà Nội). (Ảnh: Ngô Nhung)
- Cản trở khiến các doanh nghiệp đầu tư lo ngại khi đầu tư vào thị trường tái chế là sự tốn kém, không có khả năng sinh lợi nhuận?
Để đảm bảo tái chế, xử lý rác thải nhựa nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường, các doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn. Chi phí tái chế cao tạo ra gánh nặng tài chính, khiến việc thúc đẩy mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất với các sản phẩm nhựa gặp nhiều khó khăn. Đầu tư cho tái chế, nhiều khi doanh nghiệp còn lỗ vốn.
Việc tái chế chi phí cao, không có hỗ trợ, bấp bênh về kinh tế, không ai muốn đi thu gom nhựa để tái chế đặc biệt là nhựa giá trị thấp khó tái chế. Ô nhiễm nhựa đất liền và đại dương cũng từ đó mà ra.
- Cần có những cơ chế, chính sách gì để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện tái chế, tuân thủ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất?
Rác thải không chỉ có rác thải nhựa, mà còn có săm lốp ô tô, dầu nhớt, pin ắc-quy, thiết bị điện tử...và nếu từng ấy chất thải bị xả thẳng ra sông, hồ, hoặc tái chế không đảm bảo môi trường thì ô nhiễm đến mức độ nào.
Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh
Trong những năm qua, chúng tôi đã đề xuất, kiến nghị để góp phần đổi mới chính sách và rất vui mừng khi Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, với điểm mới là lần đầu tiên khái niệm định hướng nền kinh tế tuần hoàn Việt Nam được đưa vào trong luật.
Điều 54, 55 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đề cập đến trách nhiệm của nhà sản xuất. Trước đây, trách nhiệm của các doanh nghiệp chỉ dừng ở mức đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Còn hiện tại, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là sau khi bán sản phẩm đó cho người tiêu dùng, họ phải thu hồi bao bì, sản phẩm để tái chế.
Nếu không tự tái chế được thì phải thuê các công ty chuyên tái chế, không được xả thẳng các sản phẩm và bao bì phế thải ra môi trường.
Thay đổi đột phá về mặt tư duy này sẽ được thực hiện từ năm 2024, có thể tạo ra bước ngoặt với việc bảo vệ môi trường nếu việc tái chế rác thải nhựa được quản lý đồng bộ.
Cần nhớ, rác thải không chỉ có rác thải nhựa, mà còn có săm lốp ô tô, dầu nhớt, pin ắc-quy, thiết bị điện tử... Nếu từng ấy chất thải bị xả thẳng ra sông, hồ, hoặc tái chế không đảm bảo môi trường thì ô nhiễm đến mức độ nào.
Việc thực hiện EPR là không thể muộn hơn để nâng cao ý thức, trách nhiệm với môi trường, tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp và người tiêu dùng chung tay thực hiện nghĩa vụ, đồng thời quản lý tốt việc tái chế rác thải, chúng ta mới ngăn được ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm nhựa nói riêng ở Việt Nam hiện nay.
Thực hiện EPR, đó là câu chuyện bây giờ hoặc không bao giờ!
- Dịch COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến việc xây dựng chính sách EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) tại Việt Nam hiện nay?
Thời điểm bàn luận để chỉnh sửa, thay đổi luật và chính sách liên quan đến EPR diễn ra đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, nhiều tập đoàn, công ty lớn rất hoan nghênh việc đổi mới này, thay vì lo ngại dịch COVID-19, hay những chi phí phát sinh khi thực hiện những thay đổi liên quan đến bảo vệ môi trường.
Trên thế giới, EPR đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện suốt nhiều năm. Tại Việt Nam trước đây, do chưa có chính sách đồng bộ, nên nhiều công ty không thể thực hiện EPR bởi họ không làm đơn lẻ kiểu "mạnh ai nấy làm".
Vấn đề là, các doanh nghiệp này cần sự minh bạch và công bằng. Nếu có cơ chế quản lý, giám sát kỹ càng và đảm bảo quyền lợi, tôi tin rằng các doanh nghiệp sẽ đồng ý thực hiện EPR. Đây là trách nhiệm với môi trường và xã hội. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn càng ý thức vấn đề này hơn cả, bởi họ luôn mang trong mình sứ mệnh phụng sự xã hội, trong đó có bảo vệ môi trường.
Dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nền kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, Chính phủ đã đồng ý lùi việc thực hiện EPR của các doanh nghiệp từ năm 2021 sang năm 2024, qua đó phần nào chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Hàng tấn rác thải nhựa xả thẳng ra môi trường mỗi ngày. (Ảnh: Ngô Nhung)
Ngoài ra, không phải doanh nghiệp tự bỏ tiền ra thực hiện EPR. Mọi tập đoàn, doanh nghiệp hay công ty đều hoạt động vì lợi nhuận. Để đảm bảo đáp ứng EPR, các doanh nghiệp phải tăng giá thành sản phẩm. Mỗi người tiêu dùng sẽ phải trả thêm một phần chi phí. Khoản tiền ấy rất nhỏ thôi, nhưng nếu hàng triệu người cùng góp sức, đó sẽ là động lực để xây dựng, thay đổi ngành công nghiệp tái chế, thay đổi môi trường nước ta.
Khi có dòng tiền để phục vụ việc thực hiện EPR, dòng tiền để thay đổi công nghệ hay dòng tiền để nâng cấp ngành công nghiệp tái chế, nhà đầu tư mới có thể tham gia cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng rác thải nhựa đổ ra sông, hồ, biển, bảo vệ được cuộc sống con người cũng như các loài sinh vật khác trong hệ sinh thái.
- Trong trường hợp doanh nghiệp lấy lý do dịch bệnh để trì hoãn việc thực hiện EPR vào năm 2024, thậm chí thoái thác trách nhiệm với môi trường, cần có biện pháp xử lý ra sao?
Hiện nay, Chính phủ đã thông qua nghị định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường. Những hành vi không thực hiện Luật Bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt, với chế tài chặt chẽ và có sức răn đe.
Thứ nhất, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội. Những doanh nghiệp lớn sẽ có ý thức thực hiện EPR, không phải đợi đến khi bị xử phạt mới làm. Bởi một khi bị phạt, uy tín của tập đoàn và doanh nghiệp sẽ xuống thấp. Tôi tin họ sẽ hoàn thành nghĩa vụ với môi trường thậm chí họ làm tốt hơn kỳ vọng nếu chính sách tạo ra sự công bằng và minh bạch.
Thứ hai, trong quá trình xây dựng chi tiết để thực hiện Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã tính đến trường hợp của những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh số thấp, qua đó chưa yêu cầu họ phải thực hiện EPR ngay lập tức. Cần để cho các doanh nghiệp này có thêm thời gian để củng cố nền tảng tài chính và chuẩn bị bước đệm cho EPR.
Chính sách EPR chủ yếu nhắm vào các doanh nghiệp, tập đoàn lớn bởi khối lượng sản phẩm (đồng nghĩa với lượng rác thải sau tiêu dùng) mà những doanh nghiệp này tạo ra mỗi năm đều rất lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có lộ trình sau để từ từ thực hiện. Đây là bước đi hợp lý và nhân văn, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn của doanh nghiệp và người dân hiện nay.
Việc chúng ta đi từng bước, toan tính cẩn thận trên lộ trình thực hiện EPR là rất cần thiết. Trong quản lý xã hội, việc quản lý chất thải rắn là một trong những khía cạnh khó nhất.
Nếu các tập đoàn, nhãn hàng làm tốt, đồng thời Nhà nước quản lý tốt, việc đảm bảo thực hiện EPR ở Việt Nam là khả thi.
- Ông từng chia sẻ "Làm tái chế sẽ hiểu một điều là tái chế rất khó, bởi thiết kế sản phẩm không thuận lợi. Tuy nhiên, nếu thay đổi thiết kế sản phẩm sẽ tốn nhiều chi phí, nên nếu Nhà nước không quy định tất cả cùng thực hiện thì sao doanh nghiệp dám thực hiện một mình". Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung đã có những quy định đầy đủ về tỷ lệ sản phẩm tái chế, thiết kế sinh thái, quy chuẩn chất lượng cho sản phẩm?
Chúng ta đã có luật và ràng buộc về EPR, nhưng còn thiếu cơ chế và chính sách đồng bộ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ này. Muốn thu gom, tái chế rác thải nhựa, chúng ta cần có thiết kế sinh thái. Nhưng hiện nay, Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn về thiết kế sinh thái.
Đơn cử, nhiều doanh nghiệp nước ta nhập hàng trăm triệu USD tiền mực in mỗi năm để thực hiện in ấn, quảng cáo lên các sản phẩm, bao bì nhựa nhưng không có quy định tiêu chuẩn thiết kế in ấn và tem nhãn, các nàh sản xuất cố gắng in ấn với diện tích lớn nhất trên bao bì và sản phẩm để quảng cáo mà không biết rằng việc in ấn làm chất lượng nhựa tái sinh xuống rất thấp. Mực in tạo ra khí thải ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe của những người thực hiện tái chế.
Cần giải pháp đồng bộ để quản lý chất thải rắn. (Ảnh: TTXVN)
Ngoài ra, việc phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam chưa được thực hiện. Rác tái chế vẫn để chung với rác hữu cơ. Khi rác hữu cơ phân hủy, mùi hôi thối sẽ ám vào các sản phẩm nhựa, khiến việc tái chế gặp càng thêm ô nhiễm.
Trong quá trình sửa đổi Luật và chính sách, chúng tôi đã kiến nghị phải có bộ quy chuẩn về thiết kế sinh thái để phục vụ tái chế. Cần có thiết kế sinh thái để doanh nghiệp thực hiện EPR hiệu quả hơn.
Nếu bao bì sản phẩm của doanh nghiệp khó tái chế, hoặc giá trị tái chế thấp, họ phải tìm cách thay đổi thiết kế để giảm chi phí tái chế, cũng là giảm chi phí sản xuất cho chính doanh nghiệp. Đó là tầm quan trọng của thiết kế sinh thái.
- Sau khi thúc đẩy thực hiện EPR và đẩy mạnh công nghiệp tái chế, một vấn đề nữa cần giải quyết là tìm đầu ra cho thị trường tái chế, thưa ông?
Ngành tái chế rất khó phát triển nếu không có thị trường đầu ra, do đó, cần trả lời câu hỏi: nhà tái chế sẽ bán sản phẩm cho ai, thị trường ra sao để đảm bảo dòng tiền và quyền lợi cho họ, qua đó thúc đẩy ngành tái chế?
Sử dụng nhựa nguyên sinh làm nguyên liệu đầu vào dễ hơn là sử dụng nhựa tái chế vì nó đòi hỏi phải thay đổi công nghệ cho phù hợp. Đây có thể là rào cản, khiến nhiều người chưa mặn mà với các sản phẩm tái chế, mặt khác ngành công nghiệp tái chế cũng chưa cung cấp được lượng nguyên liệu tái sinh đồng đều, đủ lớn.
Một vấn đề quan trọng khác là tiêu dùng bền vững. Chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục thông qua trường lớp hoặc các phương tiện truyền thông, làm sao để người dùng tham gia sử dụng sản phẩm làm bằng nguyên liệu tái chế.
Đơn cử, bây giờ dùng một chai nước tái chế, sẽ có người đặt vấn đề liệu nó có an toàn hay không? Tâm lý người dùng luôn muốn dùng sản phẩm mới. Đây không phải tư duy phát triển bền vững.
Để phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, chúng ta cần mở lòng với những sản phẩm tái chế để giảm bớt tiêu thụ tài nguyên. Đây là nhiệm vụ của truyền thông và giáo dục nhằm thay đổi nhận thức người dùng.
Tất nhiên, cần có quy chuẩn an toàn với các sản phẩm tái chế để đảm bảo thực hiện, không thể làm tùy ý. Nhìn chung, chúng ta cần có luật và chính sách cụ thể, đồng thời quản lý tốt việc thực hiện luật và chính sách ấy. Đó là con đường bền vững để bảo vệ môi trường và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm hướng tới giảm rác thải nhựa tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!