Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng rác thải nhựa ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất.
Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990, tăng lên 54kg/năm/người vào năm 2018, trong đó 37,43% sản phẩm là bao bì và 29,26% là đồ gia dụng.
Nghiên cứu trong Chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới (IUCN) về đánh giá số lượng và khối lượng rác thải trên 30 bãi biển tại 10 khu bảo tồn biển của Việt Nam cũng cho thấy, qua hai đợt khảo sát mùa khô và mùa mưa đã thu được 86.092 mảnh rác thải ở các kích cỡ khác nhau, khối lượng dao động từ 13 đến 3.168kg. Tính trung bình trên 100m chiều dài bãi biển sẽ có số lượng rác thải là 7.374 mảnh và 94,58kg.
Rác thải nhựa đang từng ngày tận diệt các loài sinh vật biển.
Để không trở thành bãi rác thải nhựa dưới biển
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến biển Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, nguồn gây ô nhiễm chính là nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển như hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác...
Ông Lưu Anh Đức - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tại Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, để đối phó với tình trạng này Chính phủ Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương cùng với nỗ lực hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa.
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tới năm 2030, chúng ta có 5 nhóm giải pháp: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; Thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển và trên biển; Đẩy mạnh hoạt động kiểm soát rác thải nhựa.
Cùng với đó là hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ và xử lý rác thải nhựa đại dương; Điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Rác thải nhựa giống như một tảng băng chìm không ai nhìn thấy. (Ảnh: elregio.com)
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý – Giám đốc chương trình giảm rác thải nhựa WWF Việt Nam cho biết, tổ chức đang chú trọng làm việc với các địa phương để xây dựng các đô thị giảm nhựa. Mục tiêu hoạt động của đô thị này đến năm 2025 giảm được 30% rác thải nhựa thoát ra môi trường, đặc biệt đến năm 2030 không còn rác thải nhựa thất thoát ra ngoài thiên nhiên.
“Hoạt động cuối cùng của chúng tôi làm việc đó là các khu bảo tồn biển và thuỷ sản để làm sao có thể giảm được lượng rác thải nhựa, thất thoát từ ngành thuỷ sản ra biển cũng giống như thu gom và xử lý các rác thải nhựa đang che phủ trên những dạng sinh thành biển quan trọng như dạng san hô, bãi rùa đẻ... Đó là những hoạt động mà WWF chúng tôi chú trọng đến”, bà Thúy chia sẻ.
Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cũng chia sẻ những hoạt động làm sạch môi trường biển như phối hợp với 5 địa phương: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, Bình Dương cùng với các hội Phụ nữ, hội Nông dân tại địa phương để triển khai chương trình thu gom, quản lý rác thải, rác thải nhựa dựa vào cộng đồng.
UNDP cũng nhấn mạnh việc huy động sức mạnh nội lực cộng đồng trong việc phân loại rác thải đầu nguồn, nhất là việc thu gom những chất thải sau khi được phân loại. Để làm được điều này cần huy động sự tham gia của những người trong cộng đồng ve chai.
Đây là cộng đồng rất quan trọng đóng góp cho quá trình thu gom, phân loại chất thải, để tăng chuỗi giá trị của rác thải nói chung, giữa rác thải tái chế và đặc biệt là rác thải nhựa. Đặc biệt, giúp cho việc quản lý chất thải rắn cũng như hệ thống quản lý rác thải ở địa phương.
Đẩy mạnh việc nhận thức qua truyền thông
Trong buổi tập huấn "Nâng cao năng lực tuyên truyền cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam" mới đây do VTC News tổ chức, nhiều chuyên gia đầu ngành cũng đóng góp những ý kiến cụ thể để giảm thải nhựa ở Việt Nam.
Ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí chia sẻ về vấn đề trách nhiệm của báo chí - truyền thông đối với tuyên truyền giúp giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Theo đó, thông qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về các nội dung này, các cơ quan báo chí – truyền thông nắm bắt được kiến thức cơ bản nhất về vấn đề, nắm thêm các thông tin về thực trạng rác thải nhựa tại Việt Nam và thế giới, tác động của rác thải nhựa với môi trường – động vật – con người trong từng giai đoạn.
Các khách mời tại buổi tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông báo chí trong quản lý rác thải nhựa”
Cũng tại buổi tập huấn, Thạc sĩ Trần Thị Hoa Mai - giảng viên khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu những khó khăn, thách thức trong công tác tuyên truyền về rác thải nhựa hiện nay.
Theo bà Mai, truyền thông góp phần nâng cao hiệu quả hiểu biết và thay đổi hành vi của người dân trong môi trường hiện đại.
Báo chí – truyền thông cần tham gia nhiều hơn nữa, để phát hiện, đấu tranh với các hành vi sai phạm, đảm bảo sự kịp thời, khách quan, trung thực; nêu những cái xấu, tiêu cực, góp phần giúp người dân nâng cao ý thức, tầm nhìn trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên; đặc biệt nâng cao, lan toả những hình ảnh đẹp về việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.