Bàn thua của đội tuyển Việt Nam trong trận lượt đi gặp Indonesia đến trong tình huống tổ chức phòng ngự không tốt và có lỗi kỹ thuật cá nhân. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng bài tấn công bằng ném biên dài của đối thủ có sức uy hiếp rất lớn.
"Ở Asian Cup 2023, đội tuyển Nhật Bản cũng thủng lưới trước Indonesia từ tình huống tương tự", huấn luyện viên Philippe Troussier nói về bàn thua ở trận lượt đi. Ngay cả đội bóng ở đẳng cấp thế giới cũng gặp khó khăn trước "tuyệt chiêu" của đội tuyển Indonesia.
Bàn thua ở trận lượt đi cũng chẳng phải lần đầu tiên ông Troussier nếm "trái đắng" theo kiểu như vậy. Còn nhớ ở trận bán kết SEA Games 32, U23 Indonesia ghi tới 2 bàn vào lưới U23 Việt Nam từ những quả ném biên.
Bàn thua của đội tuyển Việt Nam đến từ quả ném biên.
Cái tên Pratama Arhan trở thành nỗi ám ảnh với hàng phòng ngự của ông Troussier. Tối nay (26/3), cầu thủ sinh năm 2001 không góp mặt nhưng đội bóng xứ vạn đảo vẫn còn những cầu thủ khác thực hiện được những quả ném biên mạnh vào vòng cấm để đe dọa khung thành Nguyễn Filip.
Điều gì khiến những quả ném biên dài của cầu thủ Indonesia trở nên đáng gờm đến mức đội tuyển Việt Nam dù tập luyện rất kỹ vẫn không ứng phó được?
Thực tế, bài tấn công này cũng không phải phát kiến mới mẻ. Khán giả theo dõi giải Ngoại Hạng Anh từ cách đây khoảng 15 năm không lạ gì cái tên Rory Delap - từng là một vận động viên ném lao - với những quả ném biên có sức uy hiếp lớn hơn cả đá phạt hay phạt góc.
"Quả ném biên càng xa, càng thẳng và mạnh thì càng khó phòng ngự", Thomas Gronnemark - một trong những huấn luyện viên chuyên về ném biên hiếm hoi của bóng đá thế giới - trả lời phỏng vấn The Guardian năm 2021.
Theo vị chuyên gia người Đan Mạch, mối đe dọa lớn nhất của pha ném biên dài không đến từ cú dứt điểm ngay, mà là pha bóng bật ra sau đó. Đội tấn công không cần quan tâm bóng chạm cầu thủ nào, miễn là nó bật ra.
Đội tuyển Indonesia tranh chấp bóng bổng tốt.
"Không dễ để tính toán thời điểm cho một cú đánh đầu phá bóng. Kể cả khi giành chiến thắng trong pha tranh chấp, vẫn có nguy cơ đó chỉ là một cú chạm nhẹ vào bóng chứ không phải pha phá bóng tốt", ông Gronnemark cho biết.
Thực tế, trong 3 lần U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam thủng lưới từ quả ném biên của Indonesia, Pratama Arhan chỉ có một pha kiến tạo trực tiếp duy nhất. Ở 2 tình huống còn lại, đội bóng xứ vạn đảo đều ghi bàn từ nhịp bóng bật ra. Bàn thua của đội tuyển Nhật Bản cũng vậy.
Điều đội tuyển Indonesia mong chờ từ quả ném biên dài là sự lộn xộn. Đường bóng từ cú ném bằng tay dù rất mạnh vẫn có tốc độ, độ xoáy thấp hơn so với quả tạt bằng chân. Thời gian bóng trên không lâu hơn có nghĩa là các cầu thủ trong vòng cấm sẽ phải tranh chấp nhiều hơn. Nói về khả năng va đập, đội tuyển Indonesia rõ ràng chiếm ưu thế, đặc biệt là khi họ có những cầu thủ châu Âu nhập tịch.
Ở thế phòng ngự, đội tuyển Việt Nam không chỉ cần tranh chấp thành công mà còn phải phá được quả bóng ra khỏi vùng nguy hiểm. Rất khó thực hiện cú đánh đầu phá bóng mạnh khi các hậu vệ không có nhiều đà sau khi tranh chấp. Trong khi đó, đối thủ luôn ở trạng thái sẵn sàng chờ bóng bật ra ở bất cứ vị trí nào.
Đội tuyển Việt Nam làm thế nào để chống lại quả ném biên dài của đội tuyển Indonesia?
Câu lạc bộ Man City có một chiêu trò thú vị để hạn chế khả năng ném biên của Rory Delap khi đối đầu Stoke City vào năm 2013. Họ xếp biển quảng cáo gần đường biên dọc nhất có thể để giảm khoảng không gian chạy đà của tay ném biên "khét tiếng".
Đội tuyển Indonesia chỉ cần 1 khoảnh khắc sai sót của hàng thủ Việt Nam để ghi bàn.
Về mặt chiến thuật, đối phó với một quả ném biên thực ra cũng chính là chống bóng bổng từ tình huống cố định. Tờ The Guardian từng tổng kết 3 yếu tố cần được đảm bảo cho một tình huống phòng ngự hiệu quả để "chống lại Delap".
Đó là bố trí kèm người hợp lý để có thể tranh chấp tốt, đồng thời kiểm soát được đường bóng bật ra. Mặt khác, các đồng đội phải giữ cho thủ môn không bị đối thủ áp sát, qua đó có thể chủ động xử lý các đường bóng gần khung thành.
HLV Troussier và các trợ lý đương nhiên hiểu những điều cơ bản này. Đội tuyển Việt Nam từng hóa giải được toàn bộ các pha ném biên của Indonesia trong trận đấu ở Asian Cup 2023. Vấn đề nằm ở xác suất xảy ra biến cố.
Trong mỗi trận đấu, những quả ném biên thường xuất hiện nhiều hơn đá phạt và phạt góc. Chỉ một khoảnh khắc sai sót, trong khi đối thủ đã tập rất nhuyễn để chờ đợi điều đó, đội tuyển Việt Nam sẽ thủng lưới.
Sai sót về mặt kỹ thuật là điều khó kiểm soát được. Tuy nhiên, điều đội tuyển Việt Nam có thể chủ động được là sự chuẩn bị cho tình huống. Trong bàn thua ở trận lượt đi, cả 3 yếu tố kể trên đều không được hàng thủ đội tuyển Việt Nam đảm bảo.
Nguyễn Filip và đồng đội có thể phòng ngự tốt 99% tình huống cố định của đối thủ, nhưng Indonesia chỉ cần trông chờ vào 1% sai sót. Chẳng có cách nào khác, đội tuyển Việt Nam phải thật thận trọng và tập trung.