Sáng 19/2, VTC1 tổ chức tọa đàm "Có nên giải cứu nông sản giữa bão dịch Covid-19", với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế. Nhiều câu hỏi được đặt ra khi các mặt hàng nông sản đang đối diện với nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ, tìm kiếm thị trường giữa tâm dịch Covid-19..
Thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương cho thấy, có hơn 700 container hiện vẫn ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn chờ xuất sang Trung Quốc. Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước đã tìm cách giải cứu các sản phẩm nông nghiệp, nhằm hỗ trợ khó khăn cho nông dân. Tuy nhiên đây có phải là biện pháp cứu cánh hiệu quả? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có những trao đổi, phân tích sâu sắc về vấn đề này.
- Thực trạng nông sản Việt Nam ế ẩm do thị trường Trung Quốc đóng cửa vì dịch Covid-19, bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này, thưa bà?
Bản thân tôi rất chia sẻ với người nông dân. Thực sự họ vẫn còn rất đơn độc, lúng túng trong công cuộc tìm kiếm thị trường cho mặt hàng nông sản. Người nông dân vẫn chưa biết đi đâu, về đâu, làm thế nào để xác lập một thị trường bền vững cho đầu ra của các mặt hàng của mình. Kể cả cơ quan chức năng cũng đang lúng túng trong vấn đề quản lý, phát triển nông nghiệp như thế nào để mang lại lợi ích cho những người làm nông nghiệp. Nếu kéo dài tình trạng này thì sẽ không giữ được những người đang quan tâm đến ngành nông nghiệp kể cả những người nông dân và doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp. Thất bại của người nông dân chính là thất bại của các doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ nông sản.
Thanh long xếp hàng chờ giải cứu ở Long An. (Ảnh: Thy Huệ)
- Việc phụ thuộc thị trường Trung Quốc có phải do sản phẩm của chúng ta chỉ mới đủ đáp ứng tiêu chí của một thị trường dễ tính như Trung Quốc?
Ở đây là đường mòn trong tư duy mà chúng ta chưa nhận thức được. Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính. Trung Quốc có những khu vực họ đòi hỏi cao về tiêu chí. Có thương lái Trung Quốc đến từng hộ gia đình yêu cầu nông dân Việt Nam ở Lục Ngạn (Bắc Giang) canh tác theo phương pháp hữu cơ để có sản phẩm vải thiều sạch. Đó là minh chứng cho việc thị trường Trung Quốc cũng có nơi đòi hỏi tiêu chí cao về chất lượng nông sản. Quan niệm họ là thị trường dễ tính là sai lầm. Việc phụ thuộc thị trường Trung Quốc còn là do doanh nghiệp ngành nông nghiệp Việt Nam đang quên mất cách tiếp cận thị trường trong nước, quên mất người tiêu dùng nội địa. Trong kinh tế thị trường, "người mua là vua, khách hàng là thượng đế", nhưng khách hàng nội địa của thị trường nông sản Việt đang bị lãng quên.
- Như vậy, cả nông dân và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, đa dạng hóa thị trường, để thoát ra khỏi sự lệ thuộc đối với Trung Quốc?
Sự phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc thể hiện trên nhiều mặt, trong đó có nhập khẩu. Điều này dẫn đến những khó khăn đối với không chỉ ngành nông nghiệp mà còn với các ngành công nghiệp khác như dệt may, điện tử... Trong bối cảnh Covid-19, các nhà đầu tư Việt Nam đang chịu những ảnh hưởng nặng nề. Trong kinh doanh, có một nguyên tắc là “không bỏ tất cả các trứng vào cùng một rọ”, vì vậy Việt Nam cũng đừng bỏ tất cả các “quả trứng” của mình vào một chiếc rọ là “Trung Quốc”.
Nhưng chúng ta cũng cần thay đổi cách nhìn về thị trường nước bạn, không thể nghĩ họ "dễ tính, dễ bán" như quan niệm từ trước đến nay. Cơ hội đối với thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều, vấn đề là chúng ta có khai thác hết không. Một thị trường rộng lớn đến vậy nhưng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang cũng chỉ biết đến cửa khẩu chứ hành trình nông sản vào sâu trong lục địa của họ, phân phối như thế nào thì không nắm được. Thị trường Trung Quốc có những vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản cao cấp nhất nhưng Việt Nam chúng ta chưa hiểu về những khu vực đó.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
- Bà đánh giá thế nào về việc giải cứu nông sản hiện nay?
Giải cứu thì diễn ra hết năm này đến năm khác mà vẫn không có giải pháp nào lâu dài, hợp lý, hiệu quả. Theo tôi, nên chấm dứt giải cứu ở một ngưỡng nào đó chứ không thể áp dụng mãi được. Ngần ấy năm giải cứu mà không thiết kế được chiến lược mới, không thay đổi được, đó là vấn đề của mình. Nếu kéo dài tình trạng giải cứu nông sản, nghĩa là chúng ta biến một căn bệnh cấp tính thành bệnh mãn tính. Căn bệnh mãn tính đó cũng kéo dài cả chục năm nay, nếu cứ tiếp tục giải cứu thì nó sẽ còn lây lan ra nữa, làm hại cả cơ thể ngành nông nghiệp Việt Nam.
Giải cứu nông sản không chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà còn của các ngành khác. Ví dụ như đầu tư vào các phương tiện để bảo quản, lưu giữ các sản phẩm nông sản tốt hơn; Đầu tư về mặt thị trường, để các trung tâm khuyến nông hiện nay có cả kỹ năng làm những việc đó. Phải xem ngân hàng có sẵn sàng cho vay với lãi suất hợp lý không hay vẫn giữ mức lãi suất ngất ngưởng. Nếu lãi suất quá cao, rủi ro lớn thì người nông dân không dám vay vốn, doanh nghiệp không dám đầu tư. Rủi ro trong ngành nông nghiệp là rất lớn do các yếu tố về thời tiết, thị trường, vì thế Nhà nước phải có chính sách, các ngành cần chung tay.
- Như vậy, khó có thể giải quyết tận gốc bằng cách giải cứu?
Theo tôi, không thể giải cứu kéo dài được vì nếu làm theo cách này lại có thể trở thành rủi ro với doanh nghiệp. Bây giờ thanh long có giá rẻ thì còn làm được, nếu sau này thanh long đắt lên thì sao? Lúc đó thị trường lại ùn ùn chuyển sang Trung Quốc mà lại bỏ quên mất người đã từng giải cứu mình lúc khó khăn? Đó sẽ là nỗi đau của doanh nghiệp nội địa.