Trả lời VTC News, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đưa ra dự báo: Trong kỳ điều hành chiều nay 7/3, giá xăng E5 RON92 trong nước có thể giảm 200 đồng/lít, xăng RON95 có thể giảm 150-250 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel dự báo giảm 250-350 đồng/lít.
Nếu cơ quan điều hành sử dụng quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giảm ít hơn hoặc đi ngang.
Cơ sở của nhận định trên là do giá xăng dầu trong nước chịu tác động của giá thế giới và trên thị trường Singapore. Trong tuần qua, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng giảm so với kỳ trước, tuy nhiên mức điều chỉnh tương đối thấp.
Còn giá dầu thế giới gần đây cũng có nhiều phiên đi xuống.
Giá xăng dầu dự báo giảm nhẹ trong kỳ điều hành chiều nay 7/3. (Ảnh minh họa: Công Hiếu).
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc doanh nghiệp xăng dầu Phương Nam cũng đưa ra nhận định, giá xăng dầu trong nước chiều nay có thể được điều chỉnh theo xu hướng giảm.
Mức giảm có thể từ 250 - 450 đồng/lít,kg tùy loại và sẽ ít hơn nếu cơ quan quản lý sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trước đó, tại phiên điều hành ngày 29/2, giá xăng E5 RON92 được điều chỉnh tăng 277 đồng/lít, không cao hơn 22.752 đồng/lít; xăng RON95 tăng 330 đồng/lít, không cao hơn 23.929 đồng/lít.
Trong khi đó, dầu diesel giảm 137 đồng/lít, không cao hơn 20.773 đồng/lít; dầu hỏa giảm 135 đồng/lít, không cao hơn 20.785 đồng/lít; dầu mazut tăng 30 đồng/kg, không cao hơn 15.959 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước); không trích lập đối với các mặt hàng xăng, dầu diesl và dầu hỏa.
Trên thị trường thế giới, lúc 6h ngày 7/3, giá dầu Brent giao dịch ở mức 82,96 USD/thùng, tăng 0,96 USD so với đầu giờ sáng qua. Còn giá dầu WTI ở mức 79,13 USD/thùng, tăng 0,98 USD.
Giá dầu đảo chiều đi lên khi những dấu hiệu nguồn cung thắt chặt đã lấn át mối lo về tăng trưởng nhu cầu tại Trung Quốc và Mỹ, hai nước tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới. Quyết định gia hạn các mức cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (còn gọi là OPEC+) khiến nguồn cung dầu toàn cầu phần nào thắt chặt hơn.
Thêm vào đó, sự gián đoạn trong hoạt động vận chuyển dầu do bất ổn ở Biển Đỏ cũng hỗ trợ giá dầu.