Giá dầu thế giới
Giá dầu tăng do kỳ vọng về khả năng cắt giảm lãi suất của Fed tăng lên sau dữ liệu cho thấy lạm phát bất ngờ chậm lại.
Theo Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã giảm 0,1%, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2020 sau khi không đổi trong tháng 5.
So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 3% - mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 6/2023.
Một báo cáo khác từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần đã giảm 17.000 xuống 222.000, thấp nhất kể từ cuối tháng 5.
Giá dầu tăng nhẹ. (Ảnh: Punchg).
CPI giảm làm dấy lên hy vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Các nhà giao dịch định giá 89% khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9, tăng so với mức 73% trong ngày 10/7.
Ngoài ra, báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu của Mỹ giảm 3,4 triệu thùng, xuống còn 445,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5/7, gần gấp 3 mức dự đoán giảm 1,3 triệu thùng của các nhà phân tích.
Cùng với đó, tồn kho xăng của Mỹ cũng giảm 2 triệu thùng xuống 229,7 triệu thùng, cao hơn 3 lần so với dự đoán giảm 600.000 thùng của các nhà phân tích.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) duy trì dự báo về mức tăng trưởng tương đối mạnh của nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay và năm tới. OPEC cho rằng tăng trưởng kinh tế vững chắc và hoạt động vận tải hàng không sẽ thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu trong những tháng mùa hè.
Giá xăng dầu trong nước
Từ 15h ngày 11/7, giá xăng E5 RON92 giảm 179 đồng/lít, không cao hơn 22.282 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 258 đồng/lít, không cao hơn 23.294 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm 342 đồng/lít, xuống 20.834 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 178 đồng/lít, không cao hơn 21.038 đồng/lít. Riêng giá dầu mazut tăng 250 đồng/kg, không cao hơn 17.784 đồng/kg.
Trong kỳ này, cơ quan điều hành tiếp tục không trích lập và không chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với tất các mặt hàng.