Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giá vàng năm 2021 thế nào sau một năm tăng điên cuồng?

(VTC News) -

Giá vàng dài hạn được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc ông Joe Biden chính thức ngồi ghế Tổng thống Mỹ từ đầu năm 2021.

Ông Biden thành tổng thống, giá vàng sẽ thế nào?

Thực tế, trong lịch sử các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thường có tác động lớn đến giá vàng. Ví dụ như giá vàng bắt đầu hành trình tăng ngay sau khi ông Barack Obama nhậm chức. Khi ông Obama chính thức ngồi ghế Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2009, giá vàng chỉ ở mức hơn 890 USD/ounce. Nhưng đến cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông, giá kim loại quý này đã tăng khoảng 88,6% lên tới 1.685 USD/ounce.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, vàng trượt từ mức 1.685 USD/ounce vào năm 2013 xuống còn 1.195 USD/ounce vào năm 2017, giảm 28,9%.

Trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump, giá vàng đã tăng dần kể từ tháng 11/2016 đến một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, từ 1.183 USD/ounce lên khoảng 1.900 USD/ounce. 

Chính vì thực tế này nên theo các chuyên gia, việc ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ sẽ tác động lớn đến giá vàng.

Giá vàng 2020 có còn tăng mạnh như năm nay?

Theo đó, chính quyền ông Biden được dự báo sẽ thúc đẩy gói kích thích tài khóa lớn để hỗ trợ hộ gia đình, người lao động và doanh nghiệp nhỏ, cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế.

Ông Biden cũng đề xuất chủ trương Made in America (Sản xuất tại Mỹ), hứa hẹn sẽ đưa các nhà máy trở lại Mỹ, qua đó tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện thị trường lao động Mỹ vốn đang lao đao sau cuộc khủng hoảng đại dịch.

Tổng thống Mỹ đắc cử đồng thời khẳng định sẽ đưa chuỗi cung ứng các sản phẩm quan trọng như trang thiết bị y tế, dược phẩm trở lại Mỹ để tránh tình trạng thiếu hụt trầm trọng và phải phụ thuộc vào Trung Quốc như thời điểm đầu đại dịch COVID-19 bùng phát.

Ngoài ra, ông Biden đã tuyên bố sẽ tăng thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập với tầng lớp giàu của đất nước. Nếu kịch bản đó xảy ra, các gói kích thích, chính sách thay đổi có thể đẩy lạm phát lên cao. Diễn biến thị trường và đặc biệt là tâm lý, khiến USD mất giá và giá vàng sẽ được đẩy lên.

Tuy nhiên, để chính sách được thông qua vẫn phụ thuộc vào số ghế các đảng trong Hạ viện và Thượng viện. Như vậy, ông Biden dù nắm ghế Tổng thống, nhưng Hạ viện và Thượng viện do Đảng Cộng hòa có đa số ghế, kiểm soát, thì chính sách tung hàng loạt gói cứu trợ sẽ bị trì hoãn, thậm chí vô cùng khó khăn.

Nhận định với báo chí về tác động của kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đến giá vàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: "Bầu cử Tổng thống Mỹ cũng có tác động đến giá vàng nhưng tôi cho là không tác động quá nhiều”.

Hơn nữa, chính sách kinh tế, chính trị và chính quyền mới của ông Joe Biden sẽ ở mức độ ôn hòa, ổn định và dễ phán đoán hơn. Chính vì thế, biến động của giá vàng cũng sẽ ở mức độ nhẹ nhàng hơn so với thời gian trước.

Do đó, chúng ta kỳ vọng sẽ có một thời kỳ bình thường hơn về giá vàng trong thời gian tới”, ông Lực nhận định.

Ngoài ra, theo ông Lực, giá vàng còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau như dịch bệnh, địa chính trị, chiến tranh thương mại, công nghệ, thiên tai...

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác đưa ra nhận định, dù ai làm Tổng thống, giá vàng từ nay đến cuối năm cũng sẽ tăng lên bởi vì kinh tế thế giới vẫn chưa kịp hồi phục sau đại dịch. Nhiều doanh nghiệp tại Mỹ vẫn cần các gói hỗ trợ của Chính phủ và các gói cứu trợ của Chính phủ vẫn được đưa ra, giới đầu tư lo ngại về việc tăng cung tiền sẽ khiến đồng USD mất giá, từ đó quay trở lại với giá vàng.

2020 - một năm tăng sốc và khó lường của vàng

Kể từ đầu năm 2020 tới nay, giá vàng đã tăng đột biến, thậm chí có thời điểm chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce - mức cao nhất mọi thời đại - vào đầu tháng 8.

Xu hướng này đã chững lại vào tháng 9, 10 và 11, khi giá kim loại quý này quay đầu giảm xuống dưới 2.000 USD/ounce.

Cụ thể, vào cuối tháng 9, giá vàng thế giới rơi xuống vùng 1.800 USD còn 1860.74 USD/ounce. Tuy nhiên từ đầu tháng 11, giá vàng lại vọt lên trên 1.957 USD/ounce trước thềm bầu cử Mỹ và diễn biến tăng đầy kịch tính.

Tuy nhiên, đà tăng này của giá vàng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và biến động thất thường. Đến cuối tháng 11, đặc biệt vào ngày 1/12, giá vàng đã xuống mức thấp nhất nửa năm qua khi chỉ đạt ngưỡng 1.770 USD/ounce.

Như vậy, vàng sau khi được đẩy lên hơn mức 2.000 USD rồi giảm xuống dưới 1.800 USD/ounce, nhiều nhà đầu tư rất khó dự đoán xu hướng tiếp theo. Tính chung cả năm, giá vàng đã tăng 19%.

Theo các chuyên gia, có 5 nguyên nhân đẩy giá vàng tăng mạnh trong năm 2020: Giá vàng xác lập mức mặt bằng mới do kết quả 2 mặt của các gói hỗ trợ kinh tế thế giới mới tung ra do dịch COVID-19, cũng như triển vọng hạ nhiệt căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung.

Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương các nước đưa ra không hiệu quả khiến nhiều người sẽ chuyển sang mua vàng.

Gần đây theo tuyên bố của Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng trung ương đang mua vàng nhiều hơn số lượng vàng mà họ bán ra, một điều chưa từng diễn ra trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, giá vàng và USD có mối quan hệ ngược chiều nhau, gần đây USD giảm mạnh khiến giá vàng tăng.

Ngoài ra, vàng được xem như hàng rào chống lạm phát và biến động tiền tệ do vàng là tài sản trú ẩn an toàn.

Và cuối cùng, do dự trữ của Chính phủ, ngân hàng trung ương các nước mua vàng vào nhiều hơn bán ra sẽ đẩy giá vàng tăng.

Tuy nhiên, những diễn biến tiếp theo của giá vàng hiện vẫn đang là ẩn số đối với các nhà đầu tư. Dù có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng giá, nhưng giá vàng cuối năm 2020 vẫn chưa thể bứt phá so với hồi đầu năm.

Ngọc Vy

Tin mới