Trong 12 tháng qua, tài sản của gia tộc Kwok, đứng sau công ty Sun Hung Kai Properties - đế chế bất động sản lớn nhất Hong Kong, giảm gần 8 tỷ USD xuống còn 30 tỷ USD - mức giảm lớn nhất trong số các gia đình giàu nhất tại châu Á, theo Bloomberg.
Khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ ít nhất năm 1997 tại Hong Kong đã khiến giá cổ phiếu của Sun Hung Kai Properties Ltd. lao dốc, hiện giao dịch ở mức chỉ bằng gần một nửa.
Raymond Kwok (trái) và Thomas Kwok (phải) là hai người điều hành Sun Hung Kai Properties, thuộc thế hệ thứ hai của gia tộc Kwok. (Ảnh: Getty Image)
Với danh mục bất động sản gồm nhiều tháp văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại và chung cư, Sun Hung Kai là một trong những công ty thành công nhất tại Hong Kong. Tuy nhiên, giá cổ phiếu công ty này lao dốc trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang khởi sắc trên toàn cầu cho thấy các nhà đầu tư sợ rằng thời hoàng kim của trung tâm tài chính Hong Kong đã qua khi Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát đặc khu hành chính này.
“Giá trị tài sản dài hạn của những công ty này gắn liền với Hong Kong và sự hòa nhập của Hong Kong với Trung Quốc", Gilles Hilary, giáo sư tại trường kinh doanh McDonough thuộc Đại học Georgetown, nhận định khi nói về các công ty bất động sản tại Hong Kong. “Tăng trưởng trong tương lai sẽ không còn được như trước đây”.
Dù Sun Hung Kai Properties Ltd. liên tục nhấn mạnh rằng họ tự tin vào triển vọng tại Hong Kong và chủ tịch công ty cũng tích cực hỗ trợ giải quyết những căng thẳng chính trị tại thành phố, công ty này cũng đang từng bước đa dạng hóa danh mục bất động sản của mình, đặc biệt là mở rộng sang Trung Quốc đại lục.
Bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị đầu tiên tại Trung Quốc đại lục vào tháng 8/2019, Sun Hung Kai đang triển khai một trong những dự án thương mại lớn nhất từ trước tới nay của mình tại Thượng Hải. Năm ngoái, công ty này cũng chi 1,9 tỷ USD mua một lô đất tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Các khoản đầu tư lớn nhất của công ty này cũng đang hướng tới đại lục, điển hình là 5 tỷ USD cho lô đất nằm gần một ga đường sắt mới nối đại lục và Hong Kong.
Theo giáo sư tài chính Joseph Fan của Đại học Trung Quốc Hong Kong, với danh mục bất động sản khổng lồ, tiềm lực tài chính mạnh và gần 2,7 triệu m2 đất tại Hong Kong và Trung Quốc đại lục - tương đương 1/5 diện tích Manhattan (New York, Mỹ), gia đình Kwok hoàn toàn có thể chống chọi được khi thị trường bất động sản Hong Kong lao dốc. “Tài chính mạnh giúp gia đình Kwok và công ty có thể dễ dàng vượt qua khủng hoảng”, Fan nhận định.
Tuy nhiên, một rủi ro lớn trong dài hạn với gia đình Kwok là những động thái từ Bắc Kinh có thể làm xói mòn vị thế là trung tâm thương mại tài chính và thương mại của Hong Kong. Theo một khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ vào tháng 7, phần lớn doanh nghiệp Mỹ cho biết họ lo về luật an ninh mới. Trong đó, khoảng 1/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ cân nhắc dịch chuyển tài sản và rút vốn, hoạt động ra khỏi Hong Kong trong trung và dài hạn. Một mối lo nữa là Hong Kong có nguy cơ bị Mỹ áp cấp vận khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu rút một số đặc quyền thương mại của đặc khu này.
Bên cạnh đó, niềm tin suy yếu của các doanh nghiệp có thể khiến giá thuê văn phòng tại Hong Kong suy giảm, kể cả khi nhu cầu từ các công ty Trung Quốc đại lục tăng. Rủi ro tương tự cũng xảy ra với thị trường nhà ở khi xuất hiện làn sóng người Hong Kong và người nước ngoài rời thành phố để tránh bất ổn, theo nhà phân tích Patrick Wong của Bloomberg Intelligence.
Bên cạnh đó, Sun Hung Kai Properties cũng đang đối mặt với tương lai bất định với quá trình chuyển giao quyền lực của gia đình Kwok. Raymond Kwok, 67 tuổi, người trẻ nhất trong ba anh em thuộc thế hệ thứ hai của gia tộc Kwok, đã giữ chức chủ tịch Sun Hung Kai từ năm 2011. Các nhà phân tích cho rằng điều này có thể sẽ sớm thay đổi và những bất ổn liên quan tới việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ sau của gia đình này ngày càng lớn.
Anh trai của Raymond, Walter, người qua qua đời vào năm 2018, đã chuyển toàn bộ cổ phần tại công ty cho hai con. Còn Thomas, người anh còn lại của Walter, mới trở lại điều hành một chi nhánh của công ty sau thời gian ngồi tù vì tội tham nhũng.
“Vẫn chưa rõ liệu thế hệ thứ ba nhà Kwok có đủ năng lực để chèo lái công ty vượt qua vô số thử thách hiện tại hay không", giáo sư Joseph Fan của Đại học Trung Quốc Hong Kong nhận định.