Theo các chuyên gia, cần đẩy nhanh nhập khẩu mới hạ nhiệt giá thịt lợn trong nước. (Ành: Bình Phương)
Ông Vũ Văn Kỳ, chủ trang trại lợn ở Hải Triều (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) cho biết, giá lợn hơi trên địa bàn đang dao động 85.000 đồng/kg. Đến nay, dịch bệnh khiến người chăn nuôi chán nản, nhiều chủ trại bỏ chuồng. Một số trại còn lại nuôi cầm cự, không dám tăng đàn.
Theo ông Kỳ, từ đầu năm đến nay, trang trại của ông đã xuất chuồng hơn 220 con lợn thịt với giá 84.000 - 85.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đợt này, dù thương lái hỏi liên tục để mua, nhưng không còn lợn to để bán. “Tại Hưng Yên loại lợn to rất ít, nên giá lợn duy trì ở mức cao trong thời gian dài là điều dễ hiểu”, ông Kỳ nói.
Ông Kỳ nói, hiện Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam có thông báo là giá 75.000 đồng/kg, nhưng thực tế các thương lái không mua được giá này và cũng không mua được trực tiếp lợn của C.P. “Nhiều người mua được phải qua một cầu khác, và giá chênh đến khoảng 10 nghìn đồng/kg so với giá C.P công bố”, ông Kỳ nói.
Tại vựa chăn nuôi lợn thuộc dạng lớn nhất khu vực phía Bắc, ông Nguyễn Xuân Lộc, Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam cho biết, giá lợn hơi giao dịch chợ loại đẹp khoảng 84.000-85.000 đồng/kg, còn loại thường 79.000-81.000 đồng/kg. Theo ông Lộc, tổng lượng lợn giao dịch tại chợ đầu mối khoảng 400-500 con/ngày, giảm nhiều so với con số khoảng 600-700 con/ngày cách đây nửa tháng.
“Hiện số lượng lợn giao dịch tại chợ tới 60-70% là lợn từ miền Nam ra, còn ở khu vực Hà Nam và các tỉnh lân cận, gần như rất ít lợn loại to”, ông Lộc nói.
Cũng theo ông Lộc, do dịch tả lợn châu Phi càn quét, các hộ chăn nuôi nhỏ gần như hết sạch lợn.“Với hộ nào còn tiền, họ chỉ bắt một vài xe loại lợn 80-90 kg/con, về nuôi vỗ béo một thời gian rồi bán”, ông Lộc nói.
Theo tính toán của một chủ trang trại, với những trang trại lớn, đặc biệt là các DN chăn nuôi chủ động được con giống, giá thành chỉ rơi vào khoảng 42.000-45.000 đồng/kg, còn nếu phải mua con giống ở ngoài (2,2- 2,5 triệu đồng/kg) giá thành sẽ cao hơn.
Từ khi vào đàn, cho đến khi lợn xuất chuồng (khoảng 1 tạ), sẽ mất chi phí khoảng 2,5 triệu đồng tiền cám, cùng với tiền điện, nước, vaccine, tiền nhân công, hao hụt…giá thành chăn nuôi với các hộ dân mua giống ở có thể lên 55.000 đồng/kg.
Như vậy, với giá lợn hơi trên 80.000 đồng/kg hiện nay, các trang trại chủ động được con giống lãi khoảng 4- 4,5 triệu đồng/con, các hộ nuôi mua con giống ở ngoài cũng phải lãi 3 - 3,5 triệu đồng/kg.
Đây là mức lãi không tưởng với người nuôi lợn lâu nay, tuy nhiên, người có “số hưởng” chỉ là các DN còn nhiều lợn, còn với nhiều hộ chăn nuôi vẫn nhỏ lẻ, đó vẫn là “giấc mơ không có thật”.
Giá lợn về 70.000 đồng/kg được không?
Ông Nguyễn Công Bắc, chủ trang trại lợn ở Sơn La cho rằng, biện pháp kìm giá của Chính phủ, Bộ NN&PTNT là cần thiết, vì nếu cao quá sẽ gây bất ổn.
Theo ông Bắc, dù chưa đưa được về ngay mức giá như Bộ NN&PTNT kỳ vọng, nhưng với giá trên 70.000 đồng là người chăn nuôi lãi rất khá. “Trong thời gian tới, có thể cuối năm nay, khi nguồn cung từ tái đàn tăng lên, giá lợn hơi có thể về mức 60.000 - 65.000 đồng/kg”, ông Bắc nói.
Ông Nguyễn Xuân Lộc cũng cho rằng, để giá lợn hơi 70.000 đồng/kg ngay là rất khó. “Chỉ có tăng nhập thịt vào, lúc đó giá thịt trong nước mới dần dần kéo xuống được”, ông Lộc nói.
Liệu có giảm giá như lời kêu gọi của Bộ NN&PTNT hay không?, ông Vũ Anh Tuấn Phó tổng giám đốc Cty C.P Việt Nam cho rằng: “Việc này khá nhạy cảm, và hiện chưa có ý kiến chính thức của lãnh đạo cao cấp của tập đoàn”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nói, nếu giá lợn hơi không giảm, Chính phủ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ, Canada, Úc, Nga, Lào, Campuchia…hạ nhiệt giá lợn trong nước. Dự kiến, cuối tháng 3 này, Tập đoàn Miratorg, DN cung ứng thực phẩm hàng đầu của Nga sẽ xuất khẩu lô hàng thịt lợn đầu tiên về đến Việt Nam.