Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giá heo hơi tăng nhẹ, người nuôi vẫn ngại tái đàn: Lo thiếu thịt heo cuối năm?

(VTC News) -

Nhiều ngày nay, giá heo hơi tăng trở lại nhưng người dân vẫn không phấn khởi vì giá thức ăn chăn nuôi còn cao, chưa thể mang lại lợi nhuận.

Sau thời gian giảm liên tục, gần đây, giá heo hơi trong cả nước dao động 52.000 - 55.000 đồng/kg, tăng nhẹ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với đầu tháng 4/2023.

Tuy vậy, nhiều người nuôi heo chia sẻ, họ vẫn chưa muốn tái đàn lúc này vì lo càng nuôi sẽ càng lỗ.

Đứng bần thần trước chuồng heo với số lượng ít ỏi khoảng 20 con, ông Nguyễn Văn Vụ ở thôn 5, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (nơi được gọi là "thủ phủ" chăn nuôi heo ở miền Bắc) cho biết, trước đây trong chuồng gia đình ông lúc nào cũng có hơn 200 con heo. Trong 3 năm từ cuối 2016 đến gần hết năm 2019, gia đình ông đã mất trắng 1,5 tỷ đồng vì nuôi heo do dịch bệnh, giá heo hơi xuống thấp.

Do sống bằng nghề nông và chăn nuôi heo nhiều năm nay, để duy trì chuồng trại, gia đình ông tìm mọi cách tái đàn. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2022 đến đầu tháng 4/2023, giá heo hơi lại tiếp tục xuống thấp, càng chăn nuôi càng thua lỗ, không thể gượng dậy được nên gia đình ông Vụ đành bỏ trống chuồng trại.

 Ông Nguyễn Văn Vụ chưa dám tái đàn vì lo nuôi heo thua lỗ.

Nay giá heo hơi tăng trở lại nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn quá cao, gia đình ông vẫn chưa dám tái đàn, mà chỉ nuôi khoảng 20 con cầm chừng, giảm tới hơn 90% so với trước.

“Giá cám hiện ở ngưỡng cao 350.000 - 400.000 đồng/bao, quá đắt đỏ để nuôi heo. Trong khi tiền nợ ngân hàng chưa trả được nên nay tôi không vay được thêm, cũng không đại lý nào bán chịu thức ăn chăn nuôi nên tôi đành bỏ trống chuồng trại. Không chỉ riêng tôi, mà ở xã Ngọc Lũ này, có đến hơn 80% gia đình bỏ trống chuồng trại vì giá thức ăn chăn nuôi quá cao”, ông Vụ nói.

Bà Nguyễn Thị Phương, chủ một hộ nuôi ở Hòa Bình tính toán: “Giá heo hơi phải khoảng 60.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi. Vài ngày nay giá heo hơi tăng lên một chút nhưng vẫn còn thấp và không mang tính ổn định. Điều này khiến người chăn nuôi rất phân vân không biết có nên tái đàn hay không, sợ ít ngày nữa giá lại sụt giảm”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, giá heo hơi tăng thời gian gần đây là do nhu cầu ăn uống, du lịch nhiều của người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Tuy nhiên, về lâu dài, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nên người dân vẫn có xu hương tiết kiệm chi tiêu. Cùng với đó là lượng công nhân, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập dẫn đến các bếp ăn tập thể cũng bị hạn chế nên lượng tiêu thụ thịt heo dự báo sẽ giảm. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc vốn là nơi tiêu thụ thịt heo của Việt Nam thời gian này cũng đang dư thừa nên việc xuất khẩu là không nhiều.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hiện nay giá heo hơi đã tăng nhưng vẫn chưa đảm bảo mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi vì các chi phí cho đầu tư trang trại, thức ăn chăn nuôi quá lớn. Đó là những lý do khiến người chăn nuôi không mặn mà tái đàn. Tình trạng này cảnh báo nguy cơ khủng hoảng thiếu và giá thịt heo có thể  tăng mạnh từ khoảng tháng 8 đến hết năm 2023.

“Các cơ quan chức năng như Ngành nông nghiệp, ngành Công Thương và chính quyền địa phương cần dự báo sớm tình trạng này để có giải pháp tháo gỡ”, ông Phú nói.

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định, không có người dân, doanh nghiệp nào biết sản xuất thua lỗ kéo dài mà vẫn làm. Do vậy, chắc chắn người chăn nuôi sẽ không tái đàn hoặc hạn chế tái đàn là điều tất yếu.

“Nếu người chăn nuôi không tái đàn thì trong vài tháng tới, nguồn cung thịt heo trong nước chắc chắn sẽ giảm, nguy cơ dẫn đến khủng hoảng thiếu thịt heo là điều rất dễ xảy ra", ông nói.

Để ổn định thị trường, chuyên gia kinh tế PGS- TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi như giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho vay vốn tín dụng để người chăn nuôi tái đàn.

“Về phía người chăn nuôi cần phải đầu tư trang trại quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, đồng thời có kết nối các chuỗi chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn”, ông Long khuyến cáo.

PHẠM DUY

Tin mới