Cá ngừ được đánh bắt vào dịp đầu năm luôn có giá cao nhất so với những tháng còn lại. Năm 2013, một con cá ngừ nặng 221kg được bán với giá 1,8 triệu USD (tương đương 41,76 tỷ đồng). Đầu năm 2019, kỷ lục mới xác lập khi con cá ngừ nặng 278 kg được bán ra với giá 3,1 triệu USD (hơn 71 tỷ đồng).
Thế nhưng bạn có thể mua một hộp cá ngừ tại cửa hàng tạp hóa với giá chưa đến 2 USD. Vậy sự khác biệt là gì?
Trước hết, chúng không phải là cùng một loại cá. Cá ngừ đóng hộp thường là loại cá nhỏ, sinh trưởng và phát triển nhanh về số lượng nên dễ đánh bắt. Và chỉ có cá ngừ vây xanh mới có thể nặng tới hàng trăm kg.
Con cá ngừ có giá 1,8 triệu USD năm 2013. (Ảnh: Business Insider)
Derek Wilcox, đầu bếp tại Shoji, một nhà hàng Nhật Bản ở New York, cho biết, nhà hàng như Shoji phục vụ cá ngừ vây xanh sống, hay còn gọi là kuro maguro trong tiếng Nhật. Nhà hàng lấy cá ngừ của họ từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm chợ cá lớn nhất thế giới Tsukiji của Nhật Bản.
Có nhiều loại cá ngừ nhưng cá ngừ vây xanh được sử dụng nhiều nhất trong các nhà hàng sushi cao cấp bởi khi đủ tuổi, loài cá này sẽ đạt đến hương vị đặc biệt.
Một con cá ngừ vây xanh trưởng thành có thể nặng khoảng 222kg trở lên và giá thay đổi dựa trên một số yếu tố khác nhau.
Theo Wilcox, giá cá ngừ vây xanh phụ thuộc nhiều vào nguồn gốc nhưng không bao giờ rẻ. Cá khai thác từ bờ biển địa phương ở phía đông có giá dao động từ 20 USD đến 40 USD/0,45kg (930.000 - 2 triệu đồng/kg). Trong khi đó, cá ngừ đến từ Nhật Bản lại có giá lên tới hơn 400 USD (khoảng hơn 9 triệu đồng) mỗi kg.
Đầu năm 2019, một con cá ngừ vây xanh được bán với giá 3,1 triệu USD. (Ảnh: Youtube)
Cá ngừ Nhật có chất lượng tốt hơn cá ngừ Mỹ trong những tháng mùa đông. Đến mùa hè hoặc mùa thu, cá ngừ Boston lại trở thành loại tốt nhất. Dù vậy, nhìn chung, cá ngừ Oma của Nhật Bản vẫn được cho là một trong những loại cá tốt nhất trên thế giới. Vào mùa cao điểm, cá Oma có giá gần 400 USD/0,45kg (khoảng 19 triệu đồng/kg) khi được vận chuyển đến Mỹ.
Bên cạnh hàm lượng chất dinh dưỡng vượt trội, một lý do khác khiến cá ngừ Nhật đắt hơn là bởi chi phí vận chuyển đường dài cao. Hơn nữa, cá ngừ cũng được xử lý tốt hơn khi ở Nhật do thao tác cắt chính xác gây ra ít thiệt hại hơn.
Trước khi đến tay người tiêu dùng, cá ngừ phải "qua tay" không ít đầu mối phân phối. Ở Boston, đường đi của cá ngừ vây xanh là từ ngư dân đến nhà phân phối rồi đến thẳng nhà hàng. Còn tại Nhật Bản, cá được chuyển từ ngư dân qua tay hợp tác xã, đến nơi điều hành đấu giá, qua hai đơn vị bán buôn rồi mới đến nhà hàng.
Phiên đấu giá đầu tiên trong năm ở Nhật Bản là nơi cả thế giới phải bất ngờ trước giá cao ngất ngưởng của những con cá ngừ. Các thương nhân người Nhật quan niệm rằng mua cá ngừ khổng lồ dịp đầu năm sẽ mang lại may mắn và lợi nhuận cho việc kinh doanh. Đó là một phần lý do tại sao cá ngừ vây xanh được bán với giá 1,8 triệu USD vào năm 2013. Và con cá đầu tiên của năm 2018 được bán với giá 323.000 USD (7,4 tỷ đồng).
Wilcox cho biết khi đánh giá chất lượng của cá ngừ, tốt nhất hãy nếm thử thịt đỏ, akami bởi phần này cho biết liệu cá có chế độ ăn uống, vận động tốt và sống trong môi trường sạch sẽ hay không.
Thức ăn của cá ngừ nuôi tại trang trại là cá mòi, vì vậy, bạn có thể cảm nhận được mùi vị của cá mòi trong mỡ của cá ngừ. Trong khi đó, cá ngừ ngoài tự nhiên có chế độ ăn đa dạng và mùi vị thơm ngon hơn.